Dịp cuối năm, hàng xách tay được bày bán khá nhiều xen lẫn cùng điện thoại chính hãng với mức giá rẻ hơn tới 30%. Tuy nhiên, nguồn gốc của mặt hàng này không rõ ràng.

Thị trường điện thoại xách tay dịp cuối năm đang thực sự sôi động. Song song với hàng chính hãng, "dế" xách tay được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng, trong đó có cả những cửa hàng lớn.

Thông thường, khi nói điến điện thoại xách tay, người ta thường ngầm hiểu là có hai loại: "Hàng ngoài" - tức là những mẫu mà các nhà phân phối trong nước đã bán tại thị trường và "hàng độc" - thuộc những hãng chưa có đại diện tại Việt Nam hoặc những model chưa được phân phối trong nước.

Ảnh
Chưa có nhiều nhà phần phối, phần lớn PDA ở Việt Nam là hàng xách tay. Ảnh: Hoàng Hà.

Năm nay, "hàng ngoài" chỉ tập trung trong tầm giá 4 triệu đồng trở lên, nhưng có ở mọi nhãn hiệu, từ "đại gia" Nokia, Samsung, Sony Ericsson hay những hãng "hạng trung" như BenQ-Siemens, LG.

Trừ các showroom của nhà phân phối, còn lại điện thoại xách tay không ở đâu là không có. Trên danh mục máy của các "shop" từ ngõ nhỏ đến phố lớn, song song với hàng công ty là “dế” xách tay. Nếu như điện thoại chính hãng giá luôn ổn định, thì mặt hàng này không có một khung giá nhất định. Dịp gần Tết, tại một số của hàng trên đường Chùa Bộc, Bà Triệu (Hà Nội), Trần Quang Khải (TP HCM), giá của "dế" ngoài chênh lệnh với điện thoại công ty từ vài trăm đến vài triệu đồng.

Ví dụ, Nokia N95 8 GB chính hãng được bán với giá 13 triệu đồng thì hàng xách tay là 10 triệu đồng. Tương tự, Sony Ericsson W910i cũng chênh lệch tới gần 3 triệu đồng.

Ảnh
Điện thoại NEC được xách tay từ Nhật Bản. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, nhiều dân chơi chỉ săn hàng "độc" mà trong nước chưa có, hay những thương hiệu nước ngoài, như T-Mobile, BlackBerry, Vodafone, Sharp... hay iPhone.

Các shop bán "dế" độc thường có mối ở nước ngoài, đưa về qua "ngạch" xách tay. Dân chơi hàng này thường chọn những mẫu mà Việt Nam chưa có và không biết bao giờ mới có, như Sidekick của T-Mobile, Vodafone, một số máy của LG như Viewty.

Tùy theo mức độ "hot" mà giá bán của các máy đó khác nhau. Dịp Tết này trên thị trường đang rộ lên Samsung Armani - điện thoại thời trang kết hợp giữa hai thương hiệu Samsung và nhà thiết kế Giorgio Armani người Italy. Có cửa hàng rao bán chiếc máy tới 12 triệu đồng, trong khi một số nơi chỉ 10 triệu đồng. Ngoài ra, các mẫu BlackBerry đang được dân chơi trẻ tuổi săn lùng cũng muôn hình vạn trạng về giá. Ví dụ, một chiếc BlackBerry 8700 tầm 3,2 triệu đồng; 8800 là 6,5 triệu đồng, trong khi đó, 8320 Titan lên tới 9,5 triệu đồng.

Lợi dụng tâm lý thích hàng mới của người tiêu dùng, một số cửa hàng nhập cả những mẫu mà Việt Nam chưa có, hoặc sắp có, như W960i, HTC Touch Dual... nhưng bán với giá "trên trời"... Không hơn gì Touch, nhưng Touch Dual được bán gần 10 triệu đồng, trong khi đó giá của W960i trên 10.200.000 đồng.

Ảnh
N95 8 GB chênh lệch với hàng chính hãng tới 3 triệu đồng.

Phần lớn điện thoại xách tay về Việt Nam đều đến từ Trung Quốc, số ít còn lại được đưa về từ các nước khác như Mỹ, Singapore, châu Âu.

Dạo qua một số cửa hàng tại Chùa Bộc, phố Vọng, phố Huế (Hà Nội), người bán đều khẳng định điện thoại của họ có xuất xứ từ Singapore hay châu Âu. Tuy nhiên, theo một chủ hàng trên phố Chùa Bộc (Hà Nội), phần lớn các điện thoại như Nokia, Sony Ericsson, Samsung xách tay đang bán ở Việt Nam là hàng Trung Quốc. Người này cho biết, "hàng ngoài" được đưa về Việt Nam theo dạng trốn thuế từ biên giới phía Bắc.

Một số lưu học sinh tại Quảng Châu. Ngọc Minh (đang học ngành Kinh tế ở Đại học Nam Trung Quốc - Quảng Châu) cho biết, nhiều chủ "shop" điện thoại ở Quảng Châu mua các máy Nokia, Sony Ericsson hay các dòng PDA của O2, Dopod, BlackBerry cũ về, thay phụ kiện mới rồi bán ra. Nếu đặt tiền trước thì chỉ 5 ngày, người mua đã nhận được hàng với số lượng không hạn chế.

Tuy nhiên, không phải tất cả hàng xách tay đều xuất xứ từ Trung Quốc. Một bộ phận điện thoại được đưa Việt Nam từ Nhật, châu Âu, Mỹ, Singapore... Phần lớn đều tập trung vào các dòng máy "độc", ít có khả năng làm nhái, như T-Mobile, Sharp, Vodafone, iPhone, Palm và mẫu máy mới. Hơn nữa, số lượng các mặt hàng này không nhiều mà lại tập trung chủ yếu ở thị trường phía Nam. Giá của chúng cũng cao hơn các dòng phổ biến từ một đến vài triệu, ngay cả khi cùng tính năng.

(Theo Huy Nguyễn-Sohoa)



Bình luận

  • TTCN (0)