Cấu hình WLAN kết nối với Internet và thiết bị di động (Laptop)

Do yêu cầu truy cập Internet và truyền dữ liệu trong môi trường di động, các mạng không dây cục bộ (WLAN - Wireless Local Area Network) đã ra đời và trở nên quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, số lượng điểm truy cập dịch vụ không dây ví dụ như trong các cơ quan, trường học, khu thương mại, quán cafe, nhà dân,... không ngừng tăng nhanh.

WLAN bao gồm các điểm truy cập (AP – Access Point) kết nối với mạng trục có dây (LAN) và liên lạc với các trạm di động (ví dụ như máy tính xách tay gắn Wi-Fi - Laptop) (Hình 1) trong vùng phủ sóng của tế bào (cell); các trạm di động không liên lạc với nhau; AP điều khiển Cell và lưu lượng đến mạng; các cell phủ sóng có thể chồng lấn lên nhau từ 10%-15% cho phép các máy trạm không mất liên lạc khi chuyển dịch từ vùng phủ sóng của cell này sang vùng phủ sóng của cell khác. Trong trường hợp ở nơi nào có nhiều AP thì các trạm di động sẽ chọn AP nào có cường độ tín hiệu thu tốt nhất để liên lạc. Một AP nằm ở trung tâm một địa điểm nào đó có thể điều khiển và phân phối truy cập phù hợp với mạng trục có dây, nó ấn định địa chỉ và mức ưu tiên cho các máy trạm di động, giám sát lưu lượng mạng,...

Các WLAN hiện nay sử dụng các máy phát tần số vô tuyến ở các AP công tác ở các tần số 900 MHz theo chuẩn IEEE 806.11 có thể đạt tốc độ đến 2 Mbps; chuẩn IEEE 806.11b phát ở tần số 2,4 GHz và tốc độ truyền dữ liệu có thể đạt 11 Mbps; theo các chuẩn IEEE 802.11a, IEEE 802.11e và IEEE 802.11i làm việc ở tần số 5 GHz đạt được tốc độ truyền dữ liệu lên đến 54 Mbps,... Các máy phát của điểm truy cập WLAN phát ra công suất rất phát thấp để liên lạc với máy tính xách tay có gắn Wi-Fi của người dùng hoặc các thiết bị có thể xách tay được. Có thể nói gần như các WLAN này sử dụng công nghệ Wi-Fi và được dùng phổ cập quen thuộc như các công nghệ không dây khác.

Mặc dù các máy phát của WLAN phát xạ công suất ở mức rất thấp nhưng một số người vẫn đặt câu hỏi: liệu các tín hiệu vô tuyến do các AP của WLAN dùng công nghệ Wi-Fi phát ra không gian có ảnh hưởng đến sức khoẻ hay không? Để trả lời câu hỏi đó ta hình dung nó gồm hai phần: một là, phơi nhiễm ở mức nào thì con người có thể cảm nhận được? năng lượng vô tuyến từ các WLAN có khả năng gây tác động xấu lên cơ thể con người không?

Để tìm hiểu và trả lời câu hỏi trên chúng ta phải xem xét công suất phát xạ và cơ chế phát sóng của các máy phát làm việc trong WLAN như sau:

  1. Công suất phát xạ máy phát của các WLAN phát xạ ra không gian xung quanh với các mức công suất rất thấp vì thế có thể nói mức phơi nhiễm đối với người dùng máy tính trang bị Wi-Fi là rất rất thấp, những người đang có mặt hoặc hoạt động ở trong vùng WLAN làm việc nhưng không sử dụng máy tính có trang bị Wi-Fi thì mức phơi nhiễm còn thấp hơn nữa. Mặt khác, theo cơ chế truyền sóng vô tuyến thì cường độ tín hiệu giảm theo bình phương khoảng cách từ người dùng đến anten máy phát của AP trong WLAN. Theo các thuyết minh kỹ thuật của nhà sản xuất thì mức công suất cực đại đầu ra của các máy tính cá nhân trang bị Wi-Fi thấp hơn nhiều lần so với công suất đầu ra của tất cả các máy điện thoại di động cầm tay thông dụng hiện nay.
  2. Máy phát trong các máy tính xách tay trang bị Wi-Fi và máy phát của các điểm truy cập làm việc theo nguyên tắc : chỉ phát ra công suất trong một khoảng thời gian rất ngắn và tại một thời điểm chỉ có một máy phát sóng làm việc (máy phát trong máy tính xách tay trang bị Wi-Fi hoặc máy phát của điểm truy cập); WLAN được kết nối vào mạng có dây với lưu lượng mạng rất hạn chế, mạng sử dụng các cơ chế sửa lỗi,... Tất cả những đặc tính trên làm cho khả năng phơi nhiễm năng lượng cao tần lên cơ thể là rất thấp và ở mức công suất rất thấp.

Tóm lại máy phát trong các máy tính cá nhân có trang bị Wi-Fi và điểm truy cập phát ra năng lượng cao tần không biến thiên (phát trong thời gian rất ngắn) do đó phơi nhiễm cao tần đối với cơ thế người dùng rất rất nhỏ so với phơi nhiễm do máy điện thoại di động cầm tay ở cùng một khoảng cách đối với người dùng.

Khoảng cách từ điểm truy cập (AP) đến người dùng lại xa hơn nhiều so với người dùng đến máy tính cá nhân vì vậy phơi nhiễm do AP tạo ra là vô cùng nhỏ. Các kết quả nghiên cứu chứng minh rằng, cường độ trường điện từ do các mạng Wi-Fi tạo ra nhỏ hơn rất nhiều so với trường điện từ phát ra từ các trạm gốc (BTS) thu phát của hệ thống thông tin di động, các máy phát của các đài phát thanh và truyền hình,...

Năm 2006, ông Kenneth R. Foster giáo sư chuyên ngành sinh vật kỹ thuật thuộc trường đại học Pennsylvania Hoa Kỳ đã khảo sát ảnh hưởng năng lượng trường điện từ lên cơ thể người ở trong các thành phố và vùng phụ cận thuộc bốn nước Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Thuỵ Điển. Ông Kenneth R. Foster cùng các cộng sự đã thực hiện 356 phép đo khảo sát tín hiệu ở các băng tần cơ bản tại 55 vị trí bao gồm : các nhà dân, các khu thương mại, các cơ sở y tế như bệnh viện, các trường học, viện nghiên cứu và các khu vực công cộng khác. Các phép đo được Giáo sư Kenneth R. Foster thực hiện tại các địa điểm công cộng gần với các điểm truy cập. Các kết quả khảo sát của Giáo sư Kenneth R. Foster được công bố chi tiết, công khai trên tạp chí Vật lý Y tế (số 92 trang 280-289; năm 2007) cho thấy chúng đều nằm rất xa dưới mức các Giới hạn An toàn Cao tần Quốc tế cho phép được Viện các kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE 2002) và Tổ chức Bảo vệ Bức xạ Không ion hoá Quốc tế (ICNIRP) đưa ra năm 2002. Các giới hạn an toàn cao tần này được thiết kế và xác lập để bảo con người khỏi ảnh hưởng của tất cả các năng lượng cao tần trong không gian mà loài người đã biết từ các nguồn bức xạ vô tuyến tự nhiên và nhân tạo. Trong hầu hết các trường hợp khảo sát, các kết quả đo khảo sát do Giáo sư Kenneth R. Foster và các cộng sự thu được đều thấp hơn rất xa các nguồn năng lượng cao tần ở gần đó bao gồm cả các trạm thu phát gốc của hệ thống điện thoại di động và các máy điện thoại di động cầm tay (công suất phát từ 0,2 - 0,6 W).

Các mối quan tâm về khả năng ảnh hưởng đến sức khoẻ do phơi nhiễm từ các nguồn bức xạ điện từ có cường độ trường ở mức thấp trong cuộc sống cộng đồng đã được nghiên cứu thống kê trên nhiều người trong nhiều năm có liên hệ đến các công nghệ khác có sử dụng năng lượng cao tần khác. Để giải quyết các mối quan tâm đó, các tổ chức y tế trên khắp thế giới trong nhiều năm qua đã xem xét liên tục, nhiều lần các tài liệu khoa học, các kết quả thí nghiệm trong một thời gian dài và tìm ra rằng: Sức khoẻ con người không bị ảnh hưởng khi sống và làm việc trong môi trường có bức xạ dưới mức Giới hạn An toàn Cao tần quốc tế. Một ví dụ điển hình, năm 2006 Tổ chức Y tế Thế giới một lần nữa tuyên bố khẳng định: “Không có các ảnh hưởng sức khoẻ được nhận biết do phơi nhiễm trong trường điện từ do các trạm gốc thông tin di động và các mạng không dây (WHO 2006)”.

Tài liệu tham khảo

[1]. Kenneth R. Foster Radiofrequency exposure from Wireless LANs. Health Physics 92:280-289; 2007.

[2]. International Commission on Non-Ionizing Radiation Protection. General approach to protection against non-ionizing radiation. ICNIRP Statement in Health Physics 82:540-548; 2002.

[3]. World Health Organization. Electromagnetic fields and public health: Base stations and wireless technologies; May 2006. WHO Fact Sheet. Available at: http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs30

(Theo Thiên Phái - Tạp chí BCVT)



Bình luận

  • TTCN (0)