Chính sách chuyển mạng giữ số được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và một thị trường viễn thông cạnh tranh manh mẽ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khi thực hiện, cần thận trọng với các “chiêu lách luật” của nhà mạng khiến người dùng di động không còn hào hứng chuyển mạng giữ số nữa.

Khách hàng không mặn mà

Tính đến nay đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện chính sách chuyển mạng giữ số (MNP). Kinh nghiệm cho thấy ban đầu hầu hết các quốc gia đều thử nghiệm và áp dụng chính sách MNP ở một số khu vực, tỉnh rồi sau đó mới nhân rộng ra cả nước. Tại châu Á, đã có 9 quốc gia công bố thực hiện chương trình chuyển mạng giữ số.

Tuy vậy, tại không ít quốc gia, người dùng di động vẫn rất hờ hững với chính sách này. Điển hình như tại Mỹ, chính sách MNP được áp dụng lần đầu tiên vào tháng 11/2003 tại 100 thành phố và đến tháng 5/2004 đã áp dụng trên toàn quốc. Mặc dù chỉ mất 2 giờ đồng hồ để các nhà mạng thực hiện yêu cầu chuyển mạng giữ số cho thuê bao, và các thuê bao không phải trả bất kì khoản phí nào. Tuy nhiên, chính sách MNP được đánh giá không thành công tại Mỹ, vì các thuê bao hầu như không hào hứng với nó. Một trong những lí do là chiến lược “khoá” thuê bao của các nhà mạng Mỹ. Dù không mất phí chuyển mạng, song thuê bao Mỹ lại vướng các loại phí khác. Chẳng hạn, các thuê bao từng nhận các khoản trợ phí, khuyến mãi vào thời điểm đăng kí dịch vụ của nhà mạng đang dùng, và họ phải cam kết sử dụng dịch vụ trong 2 năm. Ngoài ra, họ bị vướng vào các điều khoản phức tạp khác trong hợp đồng với nhà mạng hiện tại, như các khoản chi phí bồi hoàn hợp đồng.

Có một yếu tố nữa khiến các thuê bao Mỹ không chuyển mạng là mặc dù không hài lòng với dịch vụ di động hiện tại, song họ cũng không nghĩ rằng chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà mạng khác tình hình sẽ được cải thiện hơn.

Theo các chuyên gia, ngoài các nguyên nhân đặc thù thị trường như trên của Mỹ, thì thời gian thực hiện dịch vụ lâu, phiền toái cũng khiến thuê bao ngại chuyển mạng. Ở một số nước, quy trình chuyển mạng giữ số mất tới 30 ngày; mặc dù thực tế chỉ cần khoảng 3-5 ngày là xong.

Sự trì hoãn khiến người tiêu dùng “nản”. Trong khi đó, nhiều nhà mạng cho rằng MNP sẽ làm tăng tỉ lệ rời mạng nên nếu các quy định, điều khoản không được thực thi, hoặc quá lỏng lẻo, các nhà cung cấp dịch vụ di động có thể trì hoãn thực hiện chính sách MNP, hoặc tạo ra các rào cản đối với người tiêu dùng.

Đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách MNP

Trên thế giới, thời gian để yêu cầu chuyển mạng giữ số của một thuê bao di động có hiệu lực khác nhau ở mỗi nước. Có những quốc gia khoảng thời gian này được tính bằng ngày, như Braxin (3 ngày), Peru (7-9 ngày); trong khi đó tại Mỹ lại chỉ mất 2 giờ đồng hồ, thậm chí Australia chỉ mất 3 phút, hay ở New Zealand thời gian chờ đợi được tính bằng giây.

Mức phí chuyển mạng giữ số cao cũng khiến người tiêu dùng ngần ngại. Một số quốc gia như Australia, Malaysia, Mỹ, Cacada, Pháp, Phần Lan… cho phép các thuê bao được chuyển mạng giữ số miễn phí, song người dùng di động ở một số quốc gia khác lại phải trả phí. Ở một số quốc gia khác, nhà mạng “hưởng lợi” sẽ phải trả mức phí này, chứ không phải người tiêu dùng. Tuyên truyền kém cũng ảnh hưởng đến tỉ lệ sử dụng dịch vụ MNP. Tại một số thị trường, người tiêu dùng không hề biết đến chính sách MNP. Một khảo sát thực hiện tại Anh năm 2001 cho thấy cứ 10 thuê bao lại có 3 người “được” các hãng di động “tư vấn” rằng không thể giữ số khi chuyển mạng, mặc dù chính sách MNP đã được thực hiện tại Anh từ năm 1999. Tiếp tục khảo sát vào năm 2003 tại Anh, trong 10 người vẫn có 1 người không biết đến chính sách MNP.

Theo các chuyên gia, sự quản lí hiệu quả của chính phủ và sự hợp tác cao của các doanh nghiệp viễn thông sẽ là nền tảng để thực hiện tốt chính sách MNP.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khi thực hiện, cần thận trọng với các “chiêu lách luật” của nhà mạng khiến người dùng di động không còn hào hứng chuyển mạng giữ số nữa.

Không biết chuyên gia nào nhận xét điều này. Đối với mình thì:

  • Không hề có chuyện lách luật nào ở đây. Các chính sách như hợp đồng tối thiểu 2 năm thì có MNP hay không cũng vậy thôi, MNP không liên quan gì đến cách chính sách đó.
  • Có MNP người dùng chắc chắn sẽ thích hơn là không có. Bởi vì đây là một tùy chọn, thích thì dùng, không thì thôi. Tất nhiên là giống như trong bài nói, có nước thì MNP mất phí, có nước thì không, nhưng nhớ rằng, ở đa số các nước, MNP hoàn toàn miễn phí. Ở các nước có phí, chi phí cũng rất thấp (một vài đô tượng trưng).
  • MNP là một dịch vụ tùy chọn, không cần thiết phải hô hào mọi người sử dụng. Người dùng chỉ cần biết là dịch vụ này tồn tại, còn sử dụng hay không là lựa chọn riêng của họ. Những ai dùng thẻ, có một lúc 5 - 7 số có lẽ sẽ không cần, nhưng có những người dùng 1 số, và đang muốn chuyển mạng, sẽ rất cần.

Mình nghĩ ở VN khi mở dịch vụ này, và giá chấp nhận được (tốt nhất là miễn phí, không thì dưới 200 nghìn đồng), có lẽ cũng có không dưới 3 triệu người sử dụng MNP.