Dự kiến tháng 10/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chính thức cho triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số. Khi đó, các thuê bao điện thoại di động có thể được đổi mạng, sử dụng các dịch vụ của mạng khác nhưng vẫn được giữ số cũ.

Hiện đề án “Chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam” vẫn đang được Bộ TT&TT tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến đóng góp từ các đơn vị liên quan để quyết định việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số trong thời gian tới.

Hai thủ tục cơ bản

Việc chuyển mạng giữ số được dựa trên một kĩ thuật gọi là Mobile Number Portablility (MNP). Và MNP đã được thực hiện theo nhiều cách khác nhau trên thế giới. Có hai thủ tục cơ bản:

Một là, do mạng mới hướng dẫn (Recipient-Led) khi khách hàng muốn đổi số sang nhà mạng mới (recipient, mạng đích hay mạng nhận), nhà mạng mới sẽ thực hiện các thủ tục với nhà mạng cũ (Donor, mạng cho hay mạng nguồn) để thực hiện thủ tục này và đó là cách phổ biến ở châu Âu và trên thế giới.

Hai là, do mạng cũ hướng dẫn (Donor-Led), khách hàng tiếp xúc với mạng cũ để có Mã cho phép chuyển đổi ( Porting Authorisation Code - PAC) hay Mã chuyển đổi duy nhất (Unique Porting Code - UPC) và cung cấp cho mạng mới. Sau đó mạng mới sẽ liên hệ với mạng cũ tiến hành thủ tục chuyển đổi. Cách này bị chỉ trích bởi vì tính thiếu hiệu quả của việc phụ thuộc của khách hàng vào nhà mạng cũ, nhà mạng mà khách hàng muốn rời bỏ. Tuy nhiên, nó cũng cho phép nhà mạng cũ có thời gian chinh phục lại khách hàng. Thủ tục do mạng cũ hướng dẫn được thực hiện ở một số nước như Anh, Ấn Độ.

Kĩ thuật MNP

Kĩ thuật chủ yếu của MNP dựa trên việc định tuyến (route) các cuộc gọi hay các thông báo (SMS, MMS) đến số điện thoại đã được chuyển số (ported). Có nhiều cách thức định tuyến khác nhau được thiết lập trong các mạng trên thế giới. Tuy nhiên, theo cách thông thường của châu Âu và quốc tế thì sử dụng một cơ sở dữ liệu chung (Central Database - CDB) tầm quốc gia cho các số chuyển đổi mạng. Các nhà khai thác mạng sẽ sao chép (copy) cơ sở dữ liệu chung này về cơ sở dữ liệu riêng của từng nhà mạng và thực hiện việc truy vấn (query) các số chuyển đổi để định tuyến cuộc gọi đến đó. Cách truy vấn này gọi là All Call Query (ACQ), hiệu quả và khá uyển chuyển (scalable). Và đa số các nhà khai thác mạng trên thế giới dùng mô hình (CDB/ACQ) này cho phương pháp định tuyến đến các số chuyển mạng.

Tuy nhiên có vài quốc gia không theo mô hình đó, ví dụ như Anh. Trong đó, cuộc gọi đến số đã chuyển mạng vẫn được định tuyến qua mạng cũ (donor network), sau đó từ mạng cũ sẽ định tuyến đến mạng mới (recipient netwok). Điều này gây lãng phí tài nguyên mạng truyền dẫn và dung lượng chuyển mạch (switching capacity). Trong mô hình không tập trung, chức năng FNR (Flexible Number Register) sẽ thực hiện việc quản lí dữ liệu số chuyển đi (ported out), số chuyển đến (ported in) để định tuyến cuộc gọi. Vì bản chất phụ thuộc mạng cũ (donor dependent) nên cách thức định tuyến gián tiếp (indiret routing) sẽ làm rớt các cuộc gọi chuyển số nếu mạng cũ (donor) bị lỗi hay ngưng hoạt động. Chính vì thế mà cơ quan điều phối viễn thông của Anh Ofcom (The Office of Communications) đã yêu cầu MNP ở Anh phải chuyển đổi mô hình sang CDB/ACQ chậm nhất vào 01/9/2009.

Trước năm 2008, việc chuyển mạng giữ số sẽ được thực hiện trong 5 ngày làm việc ở Anh so với hai giờ ở Mỹ, hai mươi phút ở Ireland hay thậm chí ngay tức thời ở New Zealand [1]. Tuy nhiên thời gian chuyển mạng giữ số đã được rút ngắn từ 5 ngày xuống 02 ngày từ 04/2008), xuống 02 giờ từ 09/2009 ở Anh. Thời gian trung bình cho thủ tục MNP là 03 ngày ở Brazil, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Pháp, Áo, Albani, Hà Lan,... MNP thường là miễn phí ở nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Hồng Kông,.. và có phí 2 đô la ở Singapore, 99 baht ở Thái Lan, 1000 Uôn ở Hàn Quốc, 25 Euro ở Đức,…

Kinh nghiệm triển khai ở một số nước

Việc tiến hành MNP không thể thực hiện ngay ngày một ngày hai vì cần phải có các điều kiện kinh tế, kĩ thuật.

Kinh nghiệm ở Pháp cho thấy, theo quyết định 2002/22/CE của Nghị viện Âu châu vào năm 2002, thì các quốc gia thành viên phải thiết lập các cơ sở kĩ thuật cho việc chuyển mạng giữ số. Đến 30/06/2003, việc chuyển mạng giữ số các thuê bao di động với thời gian là 10 ngày. Và đến năm 2009, ARCEP (Cơ quan điều phối thông tin điện tử và bưu chính (Pháp) - Autorité de régulation des communications électroniques et des postes) mới đưa ra thủ tục cho việc thiết lập chuyển mạng giữ số với thuê bao cố định. Từ 7/2011, một thủ tục thiết lập chuyển mạng giữ số cho thuê bao di động được rút xuống 3 ngày (tuy nhiên vẫn 10 ngày ở Re1union và Myotte). [2]

Mỹ áp dụng chính sách chuyển mạng giữ số vào tháng 11/2003 tại 100 thành phố nhưng đến tháng 5/2004, chính sách MNP được áp dụng trên toàn nước Mỹ. Các nhà mạng thực hiện yêu cầu chuyển mạng giữ số của thuê bao miễn phí và chỉ mất 2 giờ đồng hồ. Ý tưởng về MNP xuất phát từ năm 1995 và dự định sẽ triển khai chính sách MNP vào năm 1999 nhưng phải trì hoãn nhiều lần vì các vấn đề khó khăn trong kĩ thuật của các nhà mạng và sự phản đối của một số hãng viễn thông. Theo số liệu của FCC, trong năm đầu tiên ứng dụng MNP, chỉ có 7,8 triệu người Mỹ sử dụng dịch vụ MNP. Hơn thế nữa, các nhà mạng nhỏ không gia tăng thuê bao, mà 5 nhà mạng hàng đầu lại thâu tóm hầu như toàn bộ những khách hàng sử dụng MNP. Một trong những lí do khiến các thuê bao di động Mỹ không hào hứng với chính sách chuyển mạng giữ số chính là các chiến lược “khoá” thuê bao của các nhà mạng Mỹ. Các thuê bao không thể chuyển mạng vì họ bị vướng phải các loại phí, hình thức thành viên và hợp đồng dài hạn. [3]

Sau khi triển khai chính sách chuyển mạng giữ số (MNP), Phần Lan lại là một trong số ít những nước có sự thay đổi mạnh mẽ, số thuê bao yêu cầu chuyển mạng giữ số cao. Chính sách chuyển mạng giữ số được Phần Lan triển khai vào ngày 25/7/2003. Chỉ trong 1 năm, từ tháng 8/2003 đến tháng 8/2004, thị phần của 3 hãng lớn là TeliaSonera, Elisa, và DNA đã giảm từ 98,7% xuống 87,9%. Chính cuộc “cách mạng chuyển mạng đổi số” đã dẫn đến sự thay đổi trong thị phần giữa các hãng viễn thông. Cơ quan viễn thông Phần Lan cho biết trước khi chính sách MNP thực hiện, tỉ lệ rời mạng của TeliaSonera và Elisa chỉ khoảng 15%. Tuy nhiên, sau khi triển khai chính sách MNP, tỉ lệ rời mạng đã tăng đáng kể, ở mức 30% với cả hai nhà mạng. Thực tế, có nhiều yếu tố giúp chính sách MNP phát huy hiệu quả tại Phần Lan. Chẳng hạn, Phần Lan là một trong số những quốc gia châu Âu cấm các chính sách trói buộc thuê bao, cấm trợ giá máy đầu cuối, cấm bán những mẫu điện thoại khóa SIM và cấm nhà mạng đưa ra các hợp đồng cam kết sử dụng dịch vụ lâu dài. Ngoài ra, thủ tục chuyển mạng giữ số đơn giản, miễn phí, và cả các chiến dịch marketing, quảng bá về chính sách chuyển mạng giữ số đã tác động đến các thuê bao. [4]

Giải pháp MNP là một giải pháp có lợi cho kho tài nguyên số quốc gia nói chung và người tiêu dùng nói riêng. Ngoài ra, theo Cục Viễn thông: “Việc chuyển mạng giữ nguyên số sẽ góp phần mang lại nhiều quyền lợi cho khách hàng như: thoải mái lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Không những thế, hoạt động chuyển đổi này còn giúp cơ quan quản lí nhà nước có thêm công cụ để theo dõi và phát triển lĩnh vực thương mại điện tử.” [5]

Tuy nhiên, quá trình thực hiện MNP là một quá trình chuẩn bị tương đối dài về cơ sở hạ tầng kĩ thuật, hành lang pháp lí, nhu cầu của thị trường và lợi ích của nhà khai thác. Việc triển khai MNP không nhất thiết thành công ở tất cả các môi trường kinh doanh dịch vụ viễn thông, vì vậy Bộ TT&TT cũng cần nghiên cứu kĩ kinh nghiệm triển khai của các nước để áp dụng MNP thành công ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

[1]. Mobile number portability, en.wikipedia.org/wiki/Mobile_number_portability

[2]. Conservation des numéros mobiles, www.arcep.fr

[3]. "Chuyển mạng giữ số" ế khách tại Mỹ, ICTnews, 13/10/2010.

[4]. Phần Lan náo nhiệt với "chuyển mạng giữ số", ICTNews, 15/12/2010.

[5]. Đề xuất đổi mạng được giữ số khiến kẻ mừng, người lo, Người đưa tin, 29/05/2012.

Theo ICTPress




Bình luận

  • TTCN (0)