Kinh doanh ở thị trường Trung Quốc, đôi khi kẻ đi tiên phong lại không được hưởng lợi thế tiên phong. Điều này đúng trong trường hợp Apple và Google.

Apple và Google đã có những hướng đi rất khác nhau tiến đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc. Google nhanh chóng tiến vào thị trường này, chiêu dụ một lãnh đạo cấp cao của Microsoft để lãnh đạo chi nhánh Trung Quốc của hãng, nhăm nhe đánh bật công cụ tìm kiếm địa phương Baidu. Trong khi đó, Apple không vội vã. Công ty đợi đến tận năm 2008 mới mở Apple Store đầu tiên của họ tại Bắc Kinh, và cũng từ từ mở thêm các cửa hãng khác. Đến nay, mới chỉ có 2 cửa hàng Apple ở Bắc Kinh và 3 cửa hàng ở Thượng Hải.

Nhưng, tại Hội nghị WWDC mới đây của mình, các nhà lãnh đạo của Apple đã đề cập đến các nhà máy của họ ở Trung Quốc. Có vẻ cú xuất phát chậm của Apple đến Trung Quốc bắt đầu phát huy tác dụng. Scott Forstall, chủ tịch phần mềm iOS của Apple, và trưởng kĩ sư phần mềm Mac Craig Federighi đã nhấn mạnh những tính năng mới được thiết kế nhằm thu hút người dùng Trung Quốc. “Các ứng dụng đã sẵn sàng cho Trung Quốc”, Federighi nói với các nhà phát triển...

Vội vã tấn công thị trường Trung Quốc, Google đã phạm sai lầm. Hãng phải chiến đấu ở toà để có được lãnh đạo Kai-fu Lee của Microsoft, rồi hãng vẫn thua Baidu, và Lee cũng phải rời khỏi công ty. Google cũng không biết họ muốn làm gì với chính sách kiểm duyệt của Trung Quốc. Theo hãng nghiên cứu Trung Quốc Analysys International, hiện nay, Google chỉ có 16,6% thị phần tìm kiếm Trung Quốc, Baidu có 78,5%.

Thậm chí, vội vàng thâm nhập thị trường Trung Quốc, Google còn dịch một cách ngớ ngẩn tên của hãng ra tiếng Trung Quốc là Gu Ge – nghe có vẻ giống với Google nhưng ý nghĩa của nó lại là “bài hát thung lũng” (valley song), một cụm từ vô nghĩa.

Apple không hề gặp những vấn đề đó của Google. Tên của Apple trong tiếng Trung Quốc đơn giản là Pingguo – theo tiếng phổ thông Trung Quốc, là táo. Apple cũng thành công khi tìm kiếm đối tác Trung Quốc cho iPHone. Công ty đã thương thảo với hãng dẫn đầu thị trường China Mobile, nhưng đã sẵn sàng từ bỏ và đến với hãng số 2 là China Unicom.

iPhone được đón nhận mạnh mẽ tại Trung Quốc. Và Apple đã hợp tác với một hãng thứ hai là China Telecom. Apple vẫn chưa đạt được thoả thuận với China Mobile để bán điện thoại dùng chuẩn 3G của Trung Quốc, song hãng vẫn đạt doanh số lớn với các khách hàng China Mobile, những người tránh dùng 3G mà dùng Wi-Fi. Trong quý đầu tiên của năm nay, Trung Quốc chiếm 20% doanh số Apple và hiện là thị trường lớn thứ hai của công ty, sau Mỹ.

Tất nhiên, không phải ai cũng cho rằng Apple thành công tại Trung Quốc. Bởi công ty đã bỏ lỡ nhiều cơ hội kiếm tiền tại đây, vì không nhanh chóng tận dụng niềm đam mê, hâm mộ của khách hàng Trung Quốc với các sản phẩm Apple. “Nếu Apple thực sự có một chiến lược Trung Quốc, họ đã làm tốt hơn rất nhiều, sớm hơn rất nhiều”, Shaun Rein, giám đốc điều hành hãng nghiên cứu China Market Research Group ở Thượng Hải, nói.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)