Mùa Euro cũng là thời điểm rộ lên nạn cá độ bóng đá. Ảnh minh họa.

Ngày 21/6, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Tổng cục VI) đã tổ chức sơ kết kế hoạch ngăn chặn các website cờ bạc, cá độ bóng đá trong dịp Euro 2012.

Được biết, trước khi Euro khai mạc hàng tháng, lãnh đạo Tổng cục VI đã chỉ đạo CBCS Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) có kế hoạch chủ động phối hợp với các nhà cung cấp mạng nghiên cứu các biện pháp ngăn chặn tình trạng cá độ trên mạng.

Theo đó, ngày 15/5, Tổng cục VI đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện do Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng làm Trưởng ban; Thiếu tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng làm Phó ban Thường trực, lãnh đạo và CBCS Cục C50 được giao nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh. Yêu cầu đặt ra là ngăn chặn không cho các đối tượng nước ngoài tổ chức cá độ bóng đá trên mạng Internet cho người Việt Nam; chặn triệt để các trang web tổ chức cá độ bóng đá tại Việt Nam; xử lí khi các web thay đổi tên miền, địa chỉ IP…

Ngày 5/6, trước khi Euro khai mạc 3 ngày, C50 đã phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tiến hành đồng loạt chặn, gỡ bỏ khoảng trên 100 website tổ chức đánh bạc, IP máy chủ, hàng chục trang tổng hợp dẫn đường link nối các web đánh bạc tại Việt Nam.

Chỉ trong 1 ngày (từ 5 đến 6/6) ngăn chặn, lượng người truy cập vào các trang cá độ đã giảm khoảng 50%, đến 23h ngày 7/6, lượng người truy cập đã giảm ước khoảng 70-80%. Ngày khai mạc Vòng chung kết Euro 2012 (8/6), lượng người truy cập đã giảm 50- 80% web tổ chức đánh bạc, cá độ uy tín trong khu vực Đông Nam Á bị chặn triệt để tại Việt Nam.

Trước tình hình đó, các nhà cái tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá đã đối phó bằng cách liên tục mở thêm các tên miền mới và địa chỉ IP mới. Cùng với đó, hàng loạt trang cung cấp tổng hợp thông tin về các đường link, dẫn đến các website đánh bạc, cá độ mới được khởi tạo và các bài viết hướng dẫn cách truy cập vào các website cá độ bóng đá. Trung bình mỗi ngày có từ 20-30 website về cờ bạc, cá độ được hình thành để đối phó. Do nhận định và nắm được tình hình trên, Cục C50 đã chủ động thu thập tài liệu, cập nhật các thông tin về tên miền và địa chỉ IP của các web cá độ mới phát sinh, khẩn trương phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet có biện pháp kĩ thuật ngăn chặn kịp thời.

Tính đến 20/6, C50 đã phối hợp ngăn chặn thành công 181 website (trong đó có 19 trang tổng hợp) và 195 địa chỉ IP máy chủ của các website đánh bạc, cá độ bóng đá. Trong đó, có khoảng 80% lượng website phát sinh bị chặn ngay lập tức. Theo thống kê, ước giảm khoảng 70% lượng người tham gia so với ngày thường (những ngày diễn ra giải Euro, World Cup thông thường lượng người tăng lên gấp hàng chục lần so với ngày thường) và lượng tiền tham gia cá độ cũng giảm khoảng 60% so với ngày thường.

Phát biểu tại cuộc họp, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục VI cho biết, kết quả vừa nêu đã khẳng định kế hoạch triển khai thắng lợi ban đầu, đã thấy hình hài của các nhà cái, tìm thấy một số tổ chức đánh bạc chuyên nghiệp, để tiếp tục tấn công trong giai đoạn tiếp theo. Cùng với việc tổ chức ngăn chặn các trang web tổ chức đánh bạc, lực lượng Cảnh sát cũng phát hiện hàng nghìn địa chỉ mạng của những cá nhân tham gia đánh bạc.

Điều đáng nói là trong đó có nhiều địa chỉ mạng xuất phát từ các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Trung tướng Phan Văn Vĩnh cho biết, qua công tác trinh sát, nắm tình hình, đã phát hiện được một số đối tượng đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá thuộc diện “cổ cồn trắng”, trong đó không ít người công tác ở lĩnh vực quản lí tài chính. Tổng cục VI sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương tiến hành xác minh điều tra làm rõ các địa chỉ này. Nếu xác định rõ hành vi phạm tội sẽ tiến hành xử lí theo quy định của pháp luật..

Đại tá Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục C50 cho biết khi sử dụng Proxy và DNS để “vượt tường lửa”, cố tình vào các trang web cá độ thì sẽ dễ bị các hacker dùng những Proxy lừa đảo lấy dữ liệu cá nhân, cài mã độc. Khi sử dụng các phần mềm “vượt tường lửa” bất hợp pháp thì coi như đã tự cho các phần mềm, mã độc này quyền kiểm soát máy tính của mình, người dùng máy tính có thể bị mất dữ liệu cá nhân, trở thành “máy tính ma” trong mạng bootnet và bị hacker điều hành.

Theo CAND



Bình luận

  • TTCN (0)