Hộ chiếu điện tử có chip chứa thông tin cá nhân được gắn ngay sau trang bìa. Chỉ cần quẹt hộ chiếu điện tử qua thiết bị đọc, người dân có thể di chuyển nhanh chóng, dễ dàng khi đi qua biên giới, cửa khẩu. Ảnh: Mạnh Vỹ.

Đã có 93 quốc gia thông qua và chấp nhận việc sử dụng hộ chiếu điện tử. Đã đến lúc VN phải "vào cuộc" để tạo điều kiện cho khách du lịch hoặc nhà đầu tư quốc tế tới VN cũng như để công dân VN không gặp khó khăn khi đi nước ngoài.

Ông Peter Chong, Giám đốc điều hành Công ty Pradotec cho biết, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới chấp nhận hộ chiếu điện tử từ năm 2015 để tạo sự thuận tiện khi di chuyển xuyên biên giới cho người dân.

Hộ chiếu điện tử có mã vạch đặc biệt, con chip tích hợp các thông tin cá nhân sẽ được gắn ngay dưới trang bìa của quyển hộ chiếu (ICAO đã thông qua các tiêu chuẩn tích hợp loại con chip chứa thông tin cá nhân này).

Hiện đã có 93 quốc gia thông qua và chấp nhận việc sử dụng hộ chiếu điện tử khi xuất nhập cảnh từ năm 2015. Những quốc gia chấp thuận hộ chiếu điện tử có thể chia sẻ nhanh chóng các thông tin về các công việc liên quan tới hộ chiếu điện tử của công dân.Tại mỗi cửa khẩu, sân bay... đều sẽ được trang bị cửa điện tử để người dùng hộ chiếu điện tử chỉ cần quẹt hộ chiếu là có thể đi qua biên giới một cách dễ dàng. Người dân ở bất kì quốc gia nào trong số những quốc gia này đều có thể dễ dàng di chuyển thuận tiện với hộ chiếu điện tử ở 92 quốc gia còn lại.

“Hiện Việt Nam đã bắt đầu có những động thái tích cực để triển khai chứng minh thư điện tử. Song đã đến lúc nghĩ đến cả chuyện xây dựng hộ chiếu điện tử. Bởi từ 2015, khi rất nhiều quốc gia có hệ thống cửa điện tử để kiếm soát hộ chiếu điện tử của những người xuất nhập cảnh qua biên giới, thì những người dân sử dụng hộ chiếu thông thường sẽ có thể gặp khó khăn trong việc làm thủ tục xuất nhập cảnh”, ông Peter Chong khuyến cáo.

Để thiết lập hệ thống quản lí, kiểm soát hộ chiếu điện tử, tại các trung tâm như Hà Nội, TP.HCM thì không có nhiều khó khăn, song ở các tỉnh thành khác thì không hề dễ dàng bởi chưa đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ. Chính phủ Việt Nam cần đầu tư ngân sách nhất định để đầu tư cho hạ tầng này.

Ngoài ra, các cơ quan hữu quan ở Việt Nam cũng cần lưu ý rằng vấn đề cấp hộ chiếu điện tử có liên quan tới cả đại sứ quán Việt Nam ở các quốc gia khác (chẳng hạn trường hợp người Việt Nam sống ở nước ngoài có nhu cầu cấp hộ chiếu khi sinh thêm con hoặc làm mới hộ chiếu,… phải tới đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để liên hệ làm thủ tục). Vì thế, khi xây dựng hệ thống quản lí, kiểm soát hộ chiếu điện tử, không nên “để quên” đối tượng này.

Với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, ngày nay đã có thêm nhiều thiết bị kiểm soát hộ chiếu điện tử rất tiện lợi mà Việt Nam có thể nghiên cứu, xem xét và trang bị cho các cán bộ tại cơ quan quản lí xuất nhập cảnh.

Chẳng hạn thiết bị quẹt hộ chiếu điện tử di động cầm tay (HPT 600) của Công ty Pradotec. Với thiết bị này, ngay cả khi cơ quan mất điện hoặc văn phòng không được trang bị đầy đủ máy tính, hệ thống kiểm soát hộ chiếu thì cán bộ vẫn có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả. Thông tin dữ liệu từ máy quét di động được chuyển tải đầy đủ về máy chủ.

Hoặc một thiết bị khác là máy đọc hộ chiếu điện tử để bàn – đã được cài đặt và phát huy hiệu quả tại Bangladesh. Cán bộ hải quan chỉ cần đặt hộ chiếu lên máy là mọi thông tin cần thiết sẽ được kiểm tra chính xác, nhanh chóng.

Những thiết bị tiên tiến, tiện lợi này của Pradotec đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều quan khách tham dự Diễn đàn cấp cao về CNTT-TT Việt Nam năm 2012.

Hầu hết các quốc gia quy định cứ 5 năm phải đổi hộ chiếu 1 lần. Gần đây, Việt Nam đã thay đổi quy định, nâng thời hạn hiệu lực của hộ chiếu lên 10 năm. Nếu chuyển sang hộ chiếu điện tử, cần có sự đầu tư nghiêm túc để đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân của những người dân sử dụng hộ chiếu điện tử.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)