Phiên bản mới của hệ điều hành máy Mac, tên mã Mountain Lion (sư tử núi), nổi bật với những tính năng kết hợp họ thiết bị di động và ứng dụng “i” đình đám của Apple.

Phiên bản Mac OS thứ 9 của Apple đã ra mắt. Đây là phiên bản hứa hẹn đưa nhiều tính năng tiện dụng của iPad tới các hệ thống máy Mac, xóa mờ dần ranh giới giữa các dòng máy bảng và máy tính cá nhân hoàn chỉnh (ít nhất là trong giới hạn các dòng của Apple). Cần có thời gian để đánh giá kĩ về Mountain Lion, nhưng người dùng có thể tham khảo những nhận xét sau đối với bản dành riêng cho các nhà phát triển.

HĐH và ứng dụng tích hợp toàn diện với iCloud

Với Mac OS X Lion, iCloud được tích hợp một cách toàn diện hơn – dù tính năng này được ẩn đi một cách khá khéo léo. Bạn có thể đồng bộ dữ liệu trong hầu như mọi ứng dụng từ iWork cho tới iPhoto và thậm chí ngay cả các thành phần ứng dụng của Mountain Lion nhưng khó lòng nhận biết sự vận hành của iCloud.

Điều này khá trái ngược với sự hiện diện rõ ràng nhưng chưa toàn diện của iCloud trong Lion hiện tại. Nói cách khác, iCloud trong OS X mới giống một phần của hệ điều hành (HĐH) hơn chỉ là một ứng dụng. Hiện tại, số liệu của Apple cho thấy có hơn 100 triệu người dùng iCloud và điều đó giúp cho dịch vụ này có tiềm năng cực lớn trong việc thu hút đông đảo người dùng iPhone và iPad “tậu” một chiếc máy tính Mac.

Sự tích hợp này được thể hiện rõ ngay khi bạn làm quen với Mountain Lion lần đầu tiên. Tương tự như với iPad, Mac OS X mới sẽ yêu cầu bạn đăng nhập với Apple ID và thiết lập danh sách các ứng dụng có thể sử dụng iCloud gồm Mail, Contacts, Calendars, Messages, FaceTime, Notes, Reminders, Game Center, Mac App Store, Bookmark… và nhiều thứ khác. Lưu ý rằng một số tài khoản cài sẵn trên các thiết bị iOS sẽ không được cập nhật tự động – ví dụ như Exchange hay các tài khoản email. Bạn sẽ phải tự tay thêm chúng vào các mục của iCloud (bảng thiết lập nằm trong System Preferences). Đáng chú ý hơn, nhằm đơn giản hóa quá trình quản lí và đồng bộ dữ liệu giữa các thiết bị, Apple đã bổ sung tính năng Documents in the Cloud vào OS X mới.

Như thế, khi bạn sử dụng các ứng dụng, bạn sẽ có thể xem được tài liệu nào đang nằm trên Mac và tài liệu nào nằm trên kho iCloud thông qua thư mục đặc biệt Document Library. Khi đó, bạn có thể tùy ý chia sẻ, gửi đi… từng tập tin theo ý muốn. Khi mọi thiết lập iCloud được cài đặt đầy đủ, bạn có thể thoải mái biên tập một bài thuyết trình trên iWork trong Mac và ngay sau khi xong, tài liệu này sẽ có mặt trên iPad – sẵn sàng cho việc đem đi mọi nơi mà bạn mong muốn. Thêm vào đó, bạn có thể tạo các thư mục một cách tức thời bằng thao tác kéo – thả một tập tin đè vào tập tin khác – tương tự như cách tạo thư mục trên Homescreen của iOS.

Dĩ nhiên, Apple không có ý định giới hạn iCloud chỉ với các ứng dụng của họ. Những API dựng sẵn sẽ tạo điều kiện cho các nhà phát triển ứng dụng “nhúng” iCloud vào sản phẩm của mình. Điều đáng quan tâm là Apple cảnh báo ứng dụng sẽ cần phải hiện diện trong Mac App Store. Điều này khiến cho những người dùng muốn gắn bó với Dropbox hay các công cụ tương tự phải xem xét thêm bởi khả năng vận hành trên các nền tảng ngoài Mac của chúng là rất tốt. Dĩ nhiên nếu bạn chỉ làm việc trong môi trường toàn “táo”, iCloud sẽ là lí tưởng.

Tạm biệt iChat, chào iMessage!

iChat – công cụ nhắn tin tức thời và chat trong Mac OS X nhiều phiên bản vừa qua đã chính thức bị thay thế bởi iMessage. Giờ đây người dùng đã có được hệ thống tin nhắn đồng bộ và tích hợp thực sự nhuần nhuyễn giữa iPad, iPhone, iPod Touch, Mac… bao gồm cả tin nhắn qua mạng viễn thông, Internet cũng như sử dụng đủ mọi dịch vụ AIM, Yahoo Messenger, GoogleTalk… Kể từ ngày 16/2/2012, Apple cũng cung cấp phiên bản thử nghiệm của công cụ mới này cho người dùng Lion (có tại đây). Hiển nhiên, điều thú vị nhất của iMessage là khả năng cho phép bạn gửi tin tới bất kì ai đang sử dụng iPhone, iPad hay iPod (yêu cầu iOS 5). Đây là một kênh thông tin tiện lợi so với những gì đang có từ trước tới nay.

Thậm chí, khi tin nhắn được hồi đáp, bạn có thể nhận nó trên mọi thiết bị cá nhân có đăng kí sử dụng iMessage (vốn hoàn toàn miễn phí). Đáng chú ý, người dùng giờ đây có thể kéo – thả hình ảnh và phim vào cửa sổ tin nhắn để gửi đi như một tin MMS.

Cuối cùng, iMessage cũng vận hành chặt chẽ hơn với Facetime – dù cho công cụ đàm thoại hình ảnh này vẫn bị tách biệt thành ứng dụng riêng trong Mountain Lion. Bạn có thể chuyển qua lại giữa hai ứng dụng tiện lợi bằng một cú nhấn trong cửa sổ của cả hai. Mọi nội dung chat sẽ được bảo toàn.

Notification Center và “khách VIP” cho Email

Một trong những tính năng được mong đợi nhất trên iOS đã có mặt trong Mac OS X mới. Notification Center cho phép tạo ra các banner hiển thị tin nhắn, lịch nhắc, thông báo từ ứng dụng… đã được tích hợp và sẽ hiển thị trong vòng 5 giây mỗi khi có sự kiện cần “nhắc nhở” người dùng. Điều thú vị nằm ở chỗ bạn có thể dùng hai ngón tay để quét ngang trên touchpad của máy nếu muốn mở bảng thông báo tổng thể (bao gồm toàn bộ các thông báo có trong Notification Center). Người dùng có thể nhấn dấu X ở bên cạnh tên mỗi ứng dụng để xóa toàn bộ các tin nhắc của ứng dụng đó.

Hiện tại, Apple chưa cho phép xác lập quyền vận hành của các ứng dụng đối với tính năng mới này nhưng nhiều khả năng phiên bản cuối cùng của Mountain Lion sẽ có thứ này. Theo những thử nghiệm thực tế, Notification Center hoạt động tốt cả trên màn hình Launch Pad cũng như trong các ứng dụng vận hành ở chế độ toàn màn hình. Thú vị hơn, khi thiết lập một số đối tượng là VIP trong sổ địa chỉ Mail, bạn sẽ nhận được thông báo từ Notification Center mỗi khi có email từ những người tương ứng.

Nhắc việc với Reminders và Notes

Hai ứng dụng Reminders và Notes có thể nói là “đặc sản” của iPad được đưa lên Mac OS X mới. Tương tự như phiên bản iPad, Reminders cho phép bạn tạo danh sách các việc cần làm và đặt lịch hạn thời gian kèm theo mức độ quan trọng. Cả Notes và Reminders đều cho phép đồng bộ ngược từ iPhone hay iPad lên lại Mac OS X – một điều quan trọng mà phần lớn các ứng dụng tương tự từ các nhà sản xuất thứ ba không có được. Thậm chí, Notes trên Mountain Lion còn “xịn” hơn so với bản của iPad. Bạn có thể bổ sung hình ảnh hoặc định dạng văn bản trong đó.

Nó cũng hỗ trợ cả các liên kết URL cho phép việc ghi chú được hiệu quả và ngắn gọn hơn. Tương tự như trên iPad, bạn có thể chia sẻ các đoạn ghi chú qua email nhưng với Mountain Lion, việc “đính” chúng lên Desktop sẽ là điểm cộng lớn cho những người dùng bận rộn. Nhiều khả năng trong iOS thế hệ tiếp theo, các tính năng này sẽ được cập nhật ngược trở lại iPad.

Tương tác nhanh mạng xã hội với Share Sheets

Với Mountain Lion, những chiếc máy tính Mac đã trở nên gần gũi hơn với mạng xã hội – một phần lớn nhờ tính năng Share Sheets. Share Sheets cho phép bạn chia sẻ các nội dung ngay từ các ứng dụng đang dùng – dù cho đó là một trang web trong Safari, một mẩu ghi chú trong Notes hay bức hình từ Preview… Chỉ với nút bấm Share, bạn có thể mở tính năng chia sẻ nội dung. Dĩ nhiên, tùy thuộc vào ứng dụng mà tác vụ này có thể khác nhau chút ít.

Chủ yếu Mountain Lion sẽ đưa bạn tới một trong ba ứng dụng Email, Message hoặc Twitter. Ngoài ra bạn cũng có thể bắt gặp AirDrop, QuickTime, Flickr…

iPhoto chia sẻ hình ảnh qua cả iMessage và Twitter

Nếu như iOS 5 đánh dấu sự hiện diện của mạng xã hội Twitter trong các sản phẩm di động “táo” thì Mountain Lion lần đầu tiên đưa Twitter tích hợp vào các hệ máy tính cá nhân Mac. Giờ đây, bạn có thể nhìn thấy hình ảnh đại diện của Twitter trong ứng dụng Contact của OS X Tương tự như với iOS, hiện tại đây vẫn là lựa chọn duy nhất về mạng xã hội mà Apple cung cấp cho người dùng – dù cho nhiều người hẳn sẽ muốn đến với Facebook hơn. Bên cạnh đó, cả Twitter hay iMessage mới đều có khả năng tương tác chia sẻ hình ảnh với iPhoto thay vì chỉ một số dịch vụ giới hạn khép kín như trước đây.

Gatekeeper Security- “thần hộ vệ” cho Mac

Dù hiện tại Mac gần như “miễn nhiễm” với các thành phần gây hại (virus, công cụ gián điệp, mã gây hại…), nhưng khi những sản phẩm dòng này càng trở nên thông dụng, những mối ẩn họa càng có nhiều khả năng xuất hiện hơn. Điều này khiến cho Apple phải đi trước một bước với Gatekeeper. Tính năng mới này cho phép bạn lập một danh sách “trắng” những ứng dụng an toàn dựa trên mã đặc biệt của các nhà cung cấp (Developer ID) và được kiểm soát thông qua App Store. Mỗi nhà phát triển ứng dụng có thể đăng kí riêng cho mình một ID với mức phí 99 USD/năm.

Mountain Lion có ba lựa chọn thuộc nhóm Security & Privacy cho phép người dùng chọn phương án xử lí các ứng dụng đã tải về từ mạng Internet. Chế độ mặc định “Anywhere” được đặt cho bản phát triển do hiện tại chưa có nhiều các ứng dụng được cài mã xác nhận. Tuy nhiên, điều này chắc sẽ thay đổi khi phiên bản HĐH chính thức được giới thiệu. Ngoài “Anywhere”, Apple còn cung cấp cả “Mac App Store and identified developers” và “Mac App Store”.

Với lựa chọn cuối, người dùng sẽ có thể đảm bảo mức bảo mật tối đa đồng thời tận dụng được các tính năng bình luận chất lượng ứng dụng mà Apple tích hợp trong Mac App Store. Thử nghiệm mở một ứng dụng chưa được đăng kí mã nhận diện từ Web dẫn tới cảnh báo ứng dụng không có nguồn gốc từ một nhà phát triển có đăng kí và khuyến cáo người dùng nên xóa nó đi. Trong trường hợp này, người dùng vẫn có thể chọn phương án cho phép chạy bằng cách giữ Ctrl và khởi động ứng dụng trong Finder.

Game Center - trung tâm giải trí cho iOS và cả Mac OS X

Cùng Mountain Lion mới, Apple đã mang Game Center từ iOS lên Mac OS X. Dịch vụ này cho phép người dùng tìm kiếm các trò chơi mới, thống kê kết quả chơi, cạnh tranh với bạn bè… Bạn cũng có thể mời bạn bè cùng chơi game ngay khi đang làm việc trên Mac OS X thay vì phải lấy iPad hoặc iPhone như trước đây. Tương tự như trên phiên bản iOS, Game Center sẽ hoạt động như một mạng xã hội cho phép bạn giữ liên lạc với các game thủ khác.

Hiện tại, số người dùng Game Center đã vượt ngưỡng 100 triệu và tăng lên không ngừng – phần lớn nhờ vào việc các trò chơi trở nên thông dụng trên Mac App Store. Cùng với xu hướng các trò chơi phát triển nhanh chóng trên nền Mac, rõ ràng Game Center có tiềm năng phát triển mạnh khi được chuyển qua nền tảng mới này. Đây cũng là nền tảng cho phép Mac OS X cạnh tranh tốt hơn với Windows trong vai trò HĐH phục vụ giải trí. Trong phiên bản thử nghiệm đầu tiên của Mountain Lion, Game Center chưa hiện diện nhưng Apple cho biết sẽ tích hợp sớm trong các bản build tiếp theo.

Trình chiếu nội dung màn hình với AirPlay Mirroring

Airplay cũng là tính năng được hé lộ nhưng chưa tích hợp trong phiên bản Mountain Lion đầu tiên. Tuy nhiên những gì Apple trình diễn cũng đem lại một cái nhìn sơ bộ về tính năng này. Cụ thể, khi kết nối máy tính Mac vào cùng mạng nội bộ với Apple TV, Mac sẽ được nhận diện và hiển thị trình đơn cho phép bạn chọn hiển thị nội dung lên màn hình TV. Những thử nghiệm từ nhiều nguồn tin khác nhau cho thấy Airplay trên Mountain Lion hỗ trợ tốt (ở mức giới hạn) 720p - mức này thấp hơn so với 1080p của WiDi mà Intel vốn đã tung ra thị trường từ vài năm nay. Tuy nhiên, AirPlay lại có thế mạnh về tính tiện dụng cùng hiệu năng tốt hơn. Bạn có thể stream bất cứ nội dung gì từ máy tính bất kể đó là bài thuyết trình, thư viện ảnh, phim hay thậm chí là trò chơi điện tử ra màn hình ngoài – tương tự như iPhone 4S hay iPad 2 đang có hiện tại.

Có thể thấy trong điều kiện doanh số bán hàng của các hệ thống máy tính Mac ngày càng tăng, việc Apple ngày càng mở rộng tính năng cho Mac OS X là điều dễ hiểu. Thực tế, có thể coi Mountain Lion là phiên bản mở rộng, bổ sung thêm nhiều tính năng thú vị độc quyền của iPad lên nền tảng Lion vốn đã thành công. Việc mở rộng khả năng của iCloud trong OS X mới cũng đưa máy tính bảng và máy tính cá nhân của Apple lại gần nhau hơn – rõ ràng là một bước tiến thông minh. Trong khi đó, ở góc độ thử nghiệm ban đầu, Mac OS X 10.8 ưu việt và hoàn thiện hơn so với phiên bản 10.7 Lion hiện tại.

Tuy nhiên độ ổn định của phiên bản mới cần được cải thiện trước khi tung ra thị trường. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến từ phía người dùng vẫn mong muốn có sự tích hợp của mạng xã hội vào HĐH – điển hình như Facebook. Dĩ nhiên, Apple có thừa thời gian để xem xét và hoàn thiện Mountain Lion trước khi đưa ra cộng đồng – đặc biệt là trong tình hình Lion vẫn “ổn” như hiện nay.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)