Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh chuyện chọn công nghệ nào cho việc cung cấp dịch vụ truyền hình cáp sắp tới khi mà hàng loạt doanh nghiệp đang chuẩn bị nhảy vào thị trường này.

Mới đây, Viettel, FPT và AVG tuyên bố muốn tham gia lĩnh vực truyền hình trả tiền bằng việc cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Còn theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), hiện có tới vài chục doanh nghiệp xin làm dịch vụ truyền hình trả tiền. Trong đó, riêng VTV dự kiến thành lập 5 doanh nghiệp hạ tầng trực thuộc để làm truyền hình cáp. Ngoài ra, Đài Truyền hình TP.HCM cũng tiếp tục xin lập công ty truyền hình cáp.

Theo như định hướng của các doanh nghiệp muốn nhảy vào lĩnh vực truyền hình cáp thì họ sẽ chọn cáp đồng trục. Thế nhưng, trả lời giới truyền thông mới đây, Tiến sĩ Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết: “Một đơn vị mới gia nhập thị trường cần tránh sử dụng công nghệ lạc hậu và phù hợp với quy hoạch phát triển. Ví dụ như cáp đồng trục thì không nên phát triển, mà phải là công nghệ số. Cáp đồng trục không phải không cung cấp được dịch vụ công nghệ số, nhưng Viện khuyến nghị nên kéo cáp quang, bảo đảm được việc cung cấp dịch vụ 3D TV chứ không nên làm mới công nghệ cũ. Còn với doanh nghiệp đã có truyền hình cáp rồi thì cần sớm chuyển sang công nghệ số”.

Các chuyên gia cho rằng, phải phân biệt được công nghệ truyền dẫn và phương tiện truyền dẫn. Mỗi công nghệ đều có những ưu và nhược điểm riêng. Chẳng hạn nếu dùng phương tiện truyền dẫn là cáp xoắn khi cung cấp truyền hình cáp thì mỗi nhà phải có 1 đôi dây, khi đi trên cột điện sẽ tạo thành một bó dây rất to lên tới mấy trăm đôi, số lượng sử dụng sẽ hạn chế. Ví dụ trong 200 đôi cáp, khi cung cấp tín hiệu cho các thuê bao chỉ dùng được 100 đôi cáp vì có khả năng bị nhiễu sang nhau. Vì thế, các nhà cung cấp dịch vụ khi đấu nối cho khách hàng, phải nhìn số cáp xem đứng ở đoạn nào, xem xét phải cách ra bao nhiêu sợi thì mới cung cấp cho khách hàng tiếp theo. Trong khi đó, nhà cung cấp dịch vụ phải treo cả bó cáp to trên cột điện trông không đảm bảo mĩ quan đô thị, dễ bị đổ, bị đứt nên hay phải thay cáp.

Còn nếu truyền dẫn cho dịch vụ truyền hình cáp bằng Internet cáp quang (FTTH) có ưu điểm là công nghệ mới, truyền dẫn tốt nhưng giá thành gấp 4 lần so với cáp đồng trục và cáp đồng xoắn. Cáp quang còn có nhược điểm là đoạn đi vào nhà thuê bao không thể bẻ cong quá vì nếu bị bẻ cong, tín hiệu sẽ quay ngược lại. Hơn nữa, việc bảo quản cáp quang rất phức tạp, khi bị đứt là phải thay toàn bộ dây nên mất thời gian và chi phí. Khi cung cấp tín hiệu truyền hình trên cáp quang hoặc cáp đồng xoắn, khách hàng phải có thiết bị giải mã (set-top-box). Hiện thiết bị này rẻ nhất cũng khoảng 50 - 60 USD nên khách hàng phải đầu tư lớn.

Giới chuyên môn cho rằng, sở dĩ các doanh nghiệp chọn cáp đồng trục để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp vì những ưu điểm như cáp đồng trục có nhiều lớp vỏ và một lớp chống nhiễu ở ngoài, khi uốn cong cũng không bị mất tính đồng trục nên không ảnh hưởng đến chất lượng truyền dẫn và nhiều thuê bao trên 1 đường cáp; sử dụng cáp đồng trục là truyền dẫn có thể cung cấp cả truyền hình số và analog; đầu tư cáp đồng trục để cung cấp truyền hình cáp cũng rẻ hơn các công nghệ khác và khi cung cấp truyền hình số thì giá thiết bị giải mã chỉ khoảng 25 - 30 USD/chiếc.

Các chuyên gia cho rằng việc sử dụng cáp đồng trục không phải công nghệ, mà chỉ là phương tiện cho những nhà cung cấp truyền hình cáp đưa dịch vụ đến nhà thuê bao bởi hiện nay cáp quang đã được kéo đến gần nhà dân. Mặc dù công nghệ FTTH được cung cấp nhưng cáp đồng trục vẫn phát triển tốt. Ở những nước như Philipines, Thái Lan, Indonesia vẫn cấp phép cho các nhà cung cấp dịch vụ sử dụng dụng cáp đồng trục cung cấp truyền hình cáp. Như vậy, chưa thể khẳng định cáp đồng trục là công nghệ lạc hậu khi mà nó vẫn phát huy hiệu quả. Cũng có ý kiến cho rằng cơ quan quản lí Nhà nước nên thể hiện rõ quan điểm trung lập về công nghệ và chỉ quản lí về chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Doanh nghiệp sẽ dựa trên thị trường và xu hướng công nghệ để lựa chọn công nghệ nào phù hợp nhất.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)