Theo đại diện VTC và FPT, nhằm tránh việc sao chép, 2 đơn vị này sẽ phát triển các định dạng sách điện tử riêng mà chỉ phần mềm đọc của họ mới có thể giải mã được. Ngoài ra, việc phát triển định dạng riêng sẽ giúp tạo ra các cuốn sách điện tử tương tác tốt hơn.

Giúp học sinh, sinh viên tương tác tốt hơn

Đại diện FPT Telecom cho biết, đơn vị này hiện đang trong quá trình triển khai và thương thảo việc hợp tác với các đơn vị phát hành và nắm giữ bản quyền các đầu sách, trong đó bao gồm cả sách giáo khoa, giáo trình, truyện, tạp chí… Trong thời gian đầu, FPT Telecom dự kiến đến cuối năm 2012 sẽ số hóa khoảng từ 300 đến 500 đầu sách. “FPT Telecom mong muốn là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện kho sách điện tử để có thể đáp ứng nhu cầu đọc sách mọi lúc mọi nơi của khách hàng thông qua các thiết bị công nghệ”, đại diện FPT Telecom cho biết thêm.

Theo ông Bùi Trung Ngọc, Phó Giám đốc Mạng Việt Nam Go.vn (VTC Online), mặc dù trong năm 2012, VTC và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã kí biên bản hợp tác xuất bản sách giáo dục điện tử nhưng để số hóa được sách giáo khoa cần phải có các chính sách cụ thể hơn của Nhà nước. Vì thế, giai đoạn đầu (Q4/2012), VTC sẽ tập trung số hóa khoảng vài nghìn cuốn sách tham khảo cho đối tượng tiểu học, THCS và THPT để thăm dò phản ứng của thị trường. “Ngoài Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, VTC đã kí hợp tác với 4-5 nhà xuất bản khác để số hóa sách, tạp chí”, ông Ngọc khẳng định.

Ông Ngọc cho biết, sử dụng sách điện tử sẽ giúp sinh viên, học sinh tương tác tốt hơn với nhà trường, việc truy cập để tra cứu thông tin cũng nhanh và tiện lợi hơn thay vì phải tìm trong hàng trăm trang giấy. Ngoài ra, số hóa sách giáo khoa, sách tham khảo cũng sẽ giúp các em học sinh không phải mang theo những chiếc cặp nặng vài kg.

Cùng quan điểm, đại diện FPT Telecom cũng cho rằng, số hóa sách giáo khoa, giáo trình sẽ giúp các thầy cô giáo, giảng viên và sinh viên không phải tốn kém chi phí, thời gian tìm kiếm địa chỉ mua sách. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm giúp học sinh, sinh viên tìm hiểu, đọc sách mọi lúc mọi nơi, việc sử dụng các thiết bị công nghệ sẽ là vướng mắc cho các đối tượng khách hàng bình dân có thu nhập thấp.

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Công ty Alpha Books, số hóa sách giáo khoa còn giúp Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dễ dàng cập nhật, tinh chỉnh nội dung các cuốn sách hơn thay vì chờ đợi đến những lần tái bản sau. “Chi phí sản xuất các cuốn sách điện tử cũng rẻ hơn rất nhiều so với sách giấy truyền thống”, ông Bình nói.

Nên quy định định dạng sách điện tử chung để dễ quản lí?

Cũng theo ông Ngọc, khó khăn lớn nhất của VTC trong việc số hóa sách là khối lượng sách quá lớn, như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có đến 240 triệu đầu sách sách giáo khoa, chiếm tới hơn 80% khối lượng sách xuất bản. Vì thế, để có thể số hóa được toàn bộ số lượng sách này sẽ phải tốn rất nhiều thời gian và nhân lực, nhất là khi muốn chuyển từ định dạng tĩnh (các file pdf, epub... truyền thống) sang định dạng sách điện tử tương tác để thuận tiện với người dùng hơn. “VTC mong muốn Nhà nước sẽ có sự hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này để có thể tập trung đầu tư nguồn lực lớn, trước mắt VTC sẽ thực hiện thí điểm một vài cuốn hay, quan trọng trước”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Đối với việc bảo vệ bản quyền các cuốn sách số hóa để chống in ấn, sao chép lậu, VTC sẽ phát triển công nghệ DRM (quản lí bản quyền số - Digital Right Management) riêng của mình mà chỉ phần mềm đọc của VTC mới có thể giải mã được. Bên cạnh đó, việc phát triển định dạng riêng cũng sẽ giúp VTC tạo ra các cuốn sách điện tử tương tác tốt hơn, điều mà các định dạng như pdf hay epub không thể thực hiện được.

Đại diện FPT Telecom cũng cho rằng, việc số hóa sách của FPT Telecom gặp một số khó khăn nhất định như thói quen người dùng (họ đã quen với cách đọc sách truyền thống) hay việc cập nhật tất cả các đầu sách của nhiều đơn vị phát hành và nắm bản quyền sách khác nhau để tập hợp thành một kho sách nhất định, việc tôn trọng bản quyền sách...

Mặc dù vậy, FPT Telecom cũng đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều đơn vị phát hành sách, tác giả vì họ sẽ không phải lo lắng việc sách của mình bị in lậu, bán tràn lan như hiện nay và sẽ đảm bảo hơn về mặt bản quyền, thuận tiện cho khách hàng khi sử dụng…

Đại diện FPT cũng cho biết, trong quá trình phát triển công nghệ truyền hình IPTV, FPT đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc bảo mật tránh sao chép nên FPT sẽ có thể áp dụng các công nghệ này vào việc số hóa sách.

Theo một số chuyên gia, việc mỗi đơn vị tham gia phát hành các định dạng riêng thay vì các định dạng truyền thống như pdf, epub... đúng là sẽ hạn chế được tình trạng sao chép, vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, nếu đứng dưới góc độ cơ quan quản lí, chúng ta sẽ rất khó có các công cụ để tự động kiểm tra các từ khóa nhạy cảm hay nội dung của hàng loạt cuốn sách mà chỉ có thể dùng sức người để xem từng cuốn một. Vì thế, Nhà nước nên sớm xem xét quy định một định dạng, quy trình xuất bản điện tử chung để các doanh nghiệp có thể thực hiện theo thay vì tình trạng “trăm hoa đua nở” như hiện nay.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)