Hình ảnh các phi hành gia trên trạm ISS chụp được khi thả F-1 và hai vệ tinh khác ra ngoài không gian

Ngày 1/11, phòng nghiên cứu không gian FSpace, ĐH FPT ra thông báo về việc chưa thu được tín hiệu từ vệ tinh F-1 sau gần 1 tháng được thả ra ngoài không gian từ Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Ông Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng Nghiên cứu không gian FSpace cho biết: “Ngay sau khi F-1 được thả ra khỏi trạm ISS, trạm mặt đất của FSpace tại Hà Nội và nhiều đài vô tuyến điện khác trên thế giới đã nỗ lực lắng nghe trên 2 tần số 145,980 MHz và 437,485 MHz nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa thu được tín hiệu gì ngoại trừ một vài báo cáo nghe thấy một tín hiệu yếu trên tần số của F-1 trong mấy ngày đầu tiên.

Theo nhận định sơ bộ thì có khả năng mạch sạc của vệ tinh gặp sự cố, khiến cho vệ tinh chỉ đủ năng lượng hoạt động trong vài ngày đầu tiên và sau đó không thể bổ sung được năng lượng từ các tấm pin mặt trời. Hiện tại, nhóm FSpace vẫn đang cùng với đối tác NanoRacks (Mỹ) thu thập thông tin, phân tích các tình huống có thể xảy ra và thử nghiệm với mô hình kĩ thuật EM (bản sao của F-1) trong phòng thí nghiệm để cố gắng tìm hiểu nguyên nhân vấn đề. Nhóm cũng sẽ thử gửi lệnh lên F-1 nhằm khởi động lại bộ vi điều khiển của vệ tinh, tuy nhiên cho đến thời điểm này, FSpace xác định khả năng thu được tín hiệu từ F-1 là rất thấp.

Hiện tại, vệ tinh F-1 đang bay trên quỹ đạo Trái đất với độ cao trung bình 405 km (cận điểm 397 km, viễn điểm 416 km) và được Bộ chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) giám sát với số hiệu 38855 (là vật thể thứ 38855 mà con người phóng lên vũ trụ). Độ cao trung bình của F-1 giảm dần hàng ngày do ma sát với bầu khí quyển, được nhóm FSpace theo dõi và thống kê ở bảng dưới đây. Theo ước tính thì vệ tinh sẽ tồn tại trên quỹ đạo khoảng 5 tháng (đến tháng 3/2013) trước khi rơi xuống thấp và bốc cháy trong bầu khí quyển.

Trước đó, tối 4/10, vệ tinh F-1 đã được thả ra khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bằng cánh tay robot của mô-đun Kibo sau khi được phóng lên vũ trụ trên tàu vận tải HTV-3 bằng tên lửa đẩy HII-B từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản hôm 21/7.

Theo Khám Phá



Bình luận

  • TTCN (0)