Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Nam Thắng. Ảnh: Hữu Hải.

Tại lễ kỉ niệm 15 năm Internet Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Nam Thắng đề cập ba vấn đề đối với tương lai của Internet tại Việt Nam.

Ba chủ trương lớn trong chính sách phát triển Internet tại Việt Nam được Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề cập là phát triển nội dung, ứng dụng trên Internet, đảm bảo môi trường Internet an toàn, tin cậy và có môi trường pháp lí tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài và vươn ra quốc tế.

Theo ông Thắng, 15 năm qua, Việt Nam đã tập trung rất nhiều nguồn lực cho phát triển hạ tầng Internet. Điều này giống như việc hình thành một xa lộ thông tin rất lớn nhưng nếu không có xe cộ đi lại thì không thể thúc đẩy Internet phát triển. “Bộ Thông tin Truyền thông sẽ đề nghị Chính phủ tạo mọi điều kiện thúc đẩy phát triển các ứng dụng, các dịch vụ nội dung trên Internet. Đây là những chủ trương phù hợp với tinh thần của nghị định thay thế Nghị định 97 đang trình Chính phủ - quản lí Internet nằm thúc đẩy phát triển bền vững".

TS.Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nhận định quan điểm quản lí ở mỗi giai đoạn là khác nhau. Từ quan điểm “quản được đến đâu thì mở đến đó” (trong công nghệ thông tin gọi là 1.0) đến “quản lí phải theo kịp phát triển” 2.0 đã tạo ra những thay đổi rất lớn. “Tôi không thể hình dung Internet phát triển mạnh đến như vậy, đặc biệt là tác động của Internet đến toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa”, ông nói. "Trong tình hình mới, chúng ta cần có quản điểm mới, đó là quản lí phải thúc đẩy phát triển, 3.0, tức là quản lí không chỉ là 'cởi trói, chạy theo' mà chúng ta phải có tầm nhìn, định hướng cho tương lai".

Theo ông Trực, những thách thức mới hiện nay chính là lo ngại an ninh, an toàn cho người sử dụng, quốc gia (thay vì lo lộ bí mất Nhà nước, tuyên truyền văn hóa đồi trụy như trước đây). Chiến tranh mạng cũng có thể xảy ra, vì vậy, đối phó trong quản lí cũng khác. Không phải vì lo ngại mà cản trở sự phát triển của người khác, đòi hỏi nhiều giấy phép con… mà phải dùng các biện pháp hành chính, luật pháp, cả các biện pháp kĩ thuật, giáo dục đào tạo. Đó chính là quản lí để thúc đẩy phát triển.

Ông Huỳnh Kim Tước, đại diện Facebook tại VN, cho rằng thông điệp “quản lí theo hướng khuyến khích phát triển” rất hữu ích cho Việt Nam: “Việt Nam có cơ hội 'nhảy cóc' (đi tắt đón đầu) và đáp ứng được hay không là do quản lí. Tôi rất đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Lê Nam Thắng và TS. Mai Liêm Trực rằng nên khuyến khích thay vì hạn chế phát triển. Điều này khiến Facebook và nhiều công ty trên thế giới như Google, eBay... đang nhắm đến Việt Nam đều cân nhắc việc đầu tư lâu dài tại đây".

Internet tại Việt Nam được manh nha hình thành từ hệ thống e-mail do nhóm các nhà khoa học của Viện Công nghệ thông tin thiết lập và sự kiện tên miền của Việt Nam chính thức được đăng kí và xuất hiện trên bản đồ thế giới. Hành trình để Việt Nam chính thức gia nhập vào mạng Internet toàn cầu bắt đầu từ ngày 19/11/1996 khi lần đầu tiên tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII họp bàn về Internet đã đưa ra quyết định cho phép mở Internet vào Việt Nam.

Hành trình 15 năm của Internet tại Việt Nam đã đạt được kì tích: Việt Nam đứng vị trí 18/20 quốc gia có số người sử dụng Internet đông nhất trên thế giới. Nhiều khách quốc tế khi đến Việt Nam rất bất ngờ khi thấy người người, nhà nhà đều dùng Internet ở mọi nơi từ quán café, các điểm truy cập Wi-Fi với tốc độ chấp nhận được. Điều này khác hẳn ở các nước phát triển như Singapore, Mỹ,… Internet ở Việt Nam có thể truy cập miễn phí ở nhiều nơi trong khi ở nhiều quốc gia, truy cập Internet tại các điểm công cộng bị tính phí.

Dù vậy, Internet tại Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn giữa thành thị và nông thôn. Tỉ lệ người dùng Internet ở thành thị là 19,7% trong khi ở nông thôn chỉ 5,5%. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp cũng như khả năng tăng trưởng hơn nữa của Internet tại Việt Nam.

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (0)