Kết thúc một năm đầy biến động, trang công nghệ CNET đã đưa ra các đánh giá tổng quát những điểm nổi bật của Apple trong năm vừa qua.

Cuộc chiến Apple và Samsung vẫn tiếp diễn

Nếu được hỏi trận chiến trên mặt trận pháp lí nào nổi bật nhất và tốn kém nhất trong năm qua, hẳn câu trả lời nhiều nhất sẽ là trận chiến bản quyền công nghệ không có điểm dừng giữa Apple và Samsung. Cuộc chiến tỉ đô của 2 đại gia làng công nghệ bắt đầu kể từ năm 2011 nhưng hồi căng thẳng nhất chính là năm 2012 khi Apple và Samsung so kè nhau tại phiên tòa miền Nam California.

Phiên tòa kéo dài 3 tuần diễn ra dưới sự chứng kiến của nhân chứng cả 2 bên. Trong phiên tòa này, cả Apple và Samsung đã không tiếc công bố rất nhiều bí mật của cả 2, kể cả mẫu thử nghiệm iPhone và iPad đầu tiên mà Samsung cho là "quả táo" đã đạo nhái từ Sony cho đến những bức email nội bộ và các bản thuyết trình của cả 2 phía. Tuy nhiên, dù đưa ra khá nhiều bằng chứng, Samsung vẫn bị xử thua.

Cuộc chiến không dừng ở đây khi gã khổng lồ Hàn Quốc tiếp tục muốn tìm lại công bằng trong một phiên tòa khác diễn ra vào đầu tháng 12 này. Dẫu vậy, kết quả vẫn khiến Samsung thất vọng khi phiên tòa kết luận Apple có thể ra lệnh cấm bán vĩnh viễn đối với ít nhất 8 thiết bị của Samsung tại Mỹ. Nhiều nguồn tin cho biết, rất có thể, xích mích giữa Apple và Samsung sẽ được tiếp tục giải quyết trong một phiên tòa liên quan đến các thiết bị mới khác vào năm 2014.

Những động thái của Apple tại Trung Quốc

Năm 2012 vừa qua đã thể hiện rõ sự quan tâm của Apple tới thị trường Trung Quốc khi đích thân CEO Tim Cook đã có chuyến làm việc đến đất nước này. Từ trước, Foxconn đã là một trong những nhà cung cấp và lắp ráp linh kiện lớn nhất của Apple. Tuy nhiên, cho đến trước năm 2012, dường như hãng vẫn chưa thực sự muốn khai thác thị trường đông dân nhất thế giới này.

Thành tựu mới nhất của Apple tại Trung Quốc đó là doanh số iPhone 5 lập kỉ lục bán ra 2 triệu chiếc chỉ trong vòng 3 ngày đầu tiên. Tuy nhiên, phải nói rằng, trong quá trình chuyển hướng Apple đã gặp không ít bất lợi khi Foxconn liên tiếp bị chỉ trích trong những bê bối có liên quan đến việc bóc lột sức lao động trẻ vị thành niên và điều kiện lao động kém, làm dấy lên những làn sóng phẫn nộ của dư luận nước này đối với Apple.

Đứng trước tình huống này, Cook đã cam kết thay đổi và cải thiện điều kiện lao động tại nhà máy Foxconn và cho biết "Apple quan tâm đến từng người lao động trong dây chuyền cung cứng toàn cầu". Tuy tình hình giờ lao động và điều kiện lao động đã được cải thiện ít nhiều, nhưng vấn đề sử dụng lao động vị thành niên vẫn là bài toán chưa có lời giải của hãng.

Nội bộ ban lãnh đạo có nhiều thay đổi

Trong thời điểm cơn bão Sandy đang tung hoành tại Mỹ thì Apple lại gây chấn động cho làng công nghệ thế giới bằng một cách khác khi tuyên bố sự ra đi của 2 giám đốc quan trọng, và 1 trong số đó là ứng cử viên sáng giá cho chức vị CEO tiếp theo.

Scott Forstall, Giám đốc bộ phận phát triển iOS sẽ rời khỏi Apple vào năm tới, trong khi Giám đốc bộ phận bán lẻ John Browett đã ra đi ngay thời điểm Apple đưa ra thông báo sa thải. Những cái tên được cân nhắc thay thế cho 2 vị trí này này Jony Ive, Eddy Cue và Craig Federighi. Apple cũng đã bổ nhiệm Giám đốc bộ phận phần cứng Bob Mansfield vào vị trí người đứng đầu bộ phận công nghệ di động và bán dẫn.

Đây được coi là lần thay đổi nhân sự rầm rộ nhất kể từ sau khi CEO Steve Jobs qua đời. Quả thật, Tim Cook lên nắm quyền đã làm thay đổi cục diện bộ mặt của hãng.

Giá cổ phiếu biến động và chia cổ tức cực lớn

Giá cổ phiếu của Apple đạt kỉ lục mới trong năm 2012 với 702 USD/ cổ phiếu vào ngày 21/9 - cùng với ngày mà iPhone 5 lên kệ. Tuy nhiên, kể từ phút huy hoàng đó thì cổ phiếu của Apple lại rẽ sang một trang khác khi liên tục rớt giá, thậm chí giảm tới 20% trong 1 tháng. Các công ty phân tích như Merrill Lynch, Jefferies, Evercore và Nomura Equity Research đồng loạt giảm dự đoán giá cổ phiếu của Apple, nhưng vẫn khuyên nhà đầu tư nên mua cổ phiếu của hãng.

Tuy giá cổ phiếu không có một kết thúc hoàn mĩ vào thời điểm cuối năm, nhưng ngay từ đầu năm, Apple đã khẳng định vị trí công ty công nghệ có giá trị thị trường lớn nhất trong lịch sử bằng sự kiện chia cổ tức khủng và mua lại tới 10 tỉ USD cổ phiếu của mình.

Ra mắt iPad Mini và iPhone 5

Ngay từ đầu, iPad Mini đã được coi là thiết bị lí tưởng của rất nhiều khách hàng. Hàng ngày, hàng tuần, trên khắp các mặt báo không thiếu những tin đồn đoán về từng chi tiết nhỏ của siêu phẩm MTB này. Lí do mà iPad Mini được chào đón như vậy là do nó có thiết kế hoàn toàn khác với những thiết bị MTB trước đây của Apple.

Tuy nhiên, từ iPad Mini cho đến iPhone 5 mới được ra mắt gần đây đều không thỏa mãn được sự trông đợi của người dùng khi Apple không đưa ra được những đột phá đáng kể vào thiết bị của mình. Ngoài 2 thiết bị này, iPad (tạm gọi là iPad 3) được ra mắt vào nửa đầu năm cũng gây thất vọng tràn trền cho giới công nghệ với hàng loạt bài phân tích phê bình trên các trang báo công nghệ.

Theo CNET



Bình luận

  • TTCN (0)