Samizdat trên thế giới mạng

Sự phát triển mạnh mẽ của thiết bị đọc và dịch vụ kinh doanh sách điện tử đem lại nguồn cảm hứng mới...

Ngày nay, những người có sự am hiểu nhất định về sử dụng mạng internet đều biết rằng việc tự xuất bản, lưu hành một tác phẩm dưới dạng eBook chỉ qua vài thao tác click. Và thế giới những bản thảo cho đến các cuốn sách hoàn chỉnh đang “sống” trên các thư viện mạng, các nhà sách điện tử là vô thiên lủng và khó ngăn chặn.

Samizdat, từ Sadegh Hedayat đến Aleksandr I. Solzhenitsyn

Thực ra, phương thức xuất bản phi chính thức đã có từ xa xưa, nhất là khi công nghệ in ấn còn kém phát triển và trong những xã hội chuyên chế, việc “cung đình hoá” văn hoá, học thuật còn nặng nề.

Người Nga gọi phương thức xuất bản này là samizdat. Gương mặt tiêu biểu cho trào lưu samizdat là nhà văn đoạt giải Nobel Văn học 1970, Aleksandr I. Solzhenitsyn (1918 - 2008), tác giả của một loạt tác phẩm được giới phê bình đương thời đánh giá cao song không được xuất bản công khai trên quê hương: Tầng đầu địa ngục, Khu ung thư, Quần đảo Gulag hay Bánh xe đỏ. Hầu hết những tác phẩm của ông đều được “lưu hành” theo hình thức samizdat (sam: tự thân; izdat: xuất bản, tức người đọc tự nhân bản rồi truyền tay nhau – theo giải thích của Đào Tuấn Ảnh trong lời tựa cuốn Một ngày của Ivan Denisovich, Nhà xuất bản Văn Học, 2011).

Trong phần chú giải bản dịch tiếng Việt bài viết Không sống bằng dối trá của Solzhenitsyn, dịch giả Phạm Ngọc cũng có giải thích khái niệm samizdat như sau: “Samizdat (nghĩa đen là tự xuất bản): trào lưu văn học ngầm, xuất bản tự do, không được in mà chỉ tồn tại dưới dạng viết tay hoặc đánh máy, lưu hành trong giới trí thức Nga sau khi Khrushov lên nắm quyền, và mở ra thời kì tương đối tự do hơn trong văn nghệ. Các tác phẩm như Tầng đầu địa ngục của Solzhenitsyn, Bác sĩ Zhivago của B. Pasternak… là các ví dụ của trào lưu văn học này”.

Tuy nhiên, với trường hợp Pasternak cũng có chuyên gia cho rằng, do có dính dáng đến vấn đề chính trị, nên tác phẩm Bác sĩ Zhivago được xuất bản lần đầu ở Ý trước khi ấn hành tại Nga, nên phải dùng một từ khác thay thế, đó là: ramizdat (nôm na là: xuất bản ở bên kia). Như vậy, có thể hiểu, ramizdat là trường hợp “tập hợp con” của phương thức xuất bản tự do - samizdat.

Trước đó, thế giới cũng đã chứng kiến một hiện tượng kì lạ tương tự ở khu vực văn chương Iran. Tác phẩm Buf-e Kur (Con cú mù, bản dịch tiếng Việt của Hà Vũ Trọng, Phương Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2012) của nhà văn Sadegh Hedayat (1903 - 1951) cũng bị chế độ độc đoán Riza Shah ngăn cản xuất bản tại Iran, cho nên ấn bản ronéo đầu tiên của nó xuất hiện vào năm 1936 tại Bombay, Ấn Độ. Về sau, tác phẩm này có được xuất hiện một cách chính thức tại Iran, song nó luôn “gặp trục trặc” với nhà cầm quyền.

Và ngày nay

Không cần phải đến các tiệm in, photo hay ngồi hì hục viết tay rồi truyền tay, ngày nay, samizdat phổ biến hơn nhờ công nghệ máy tính cá nhân và mạng internet. Vài năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của thiết bị đọc và dịch vụ kinh doanh sách điện tử cũng đem lại nguồn cảm hứng mới cho những nhà văn nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp trên thế giới trong việc tự công bố tác phẩm qua mạng.

Rất nhiều tác phẩm samizdat trên mạng được các công ty sách, nhà xuất bản chính thống kiếm tìm xuất bản công khai, thường được gọi là “văn học mạng”, “văn học blog”. Trong khi đó, ngược lại, nhiều tác phẩm khó lách được lưỡi kéo kiểm duyệt cũng dễ dàng tìm thấy vị trí, thậm chí, tiếng vang, doanh thu khi samizdat trên mạng.

Các nhà phát hành lớn đến các công ty cung cấp dịch vụ tự xuất bản toàn cầu như Amazon, CBC hay Harlequin đều đẩy mạnh mảng kinh doanh sách số do tác giả tự xuất bản. Chính điều này làm cho samizdat trong thời đại số có thêm một hình thái mới, dân chủ hơn, văn minh hơn và nhất là tiện ích hơn cho độc giả. Đồng thời, nó cũng mang lại sự cạnh tranh cần thiết cho những nền xuất bản còn chìm đắm trong không khí kiểm duyệt hà khắc và chế độ độc quyền trong phát hành tạo trở lực cho việc tác phẩm tới tay người đọc.

Chắc chắn, đến khi hình thức samizdat trở nên phổ biến, xu hướng thời đại, thì chúng ta sẽ đặt lại vấn đề cốt tuỷ: đâu mới là tính công khai thực sự trong xuất bản?

Theo SGTT



Bình luận

  • TTCN (0)