Loại bao da silicon bây giờ đã có thêm chất liệu nhám chống bám vân tay, không thấm nước, nhẹ hơn so với các loại bao da.

Trên thị trường đang có nhiều loại vỏ cho điện thoại, máy tính bảng chất liệu mới, bên cạnh những loại vỏ cao cấp thiết kế theo cá tính từ pha lê Swarovski của Áo hoặc khắc laser trên miếng dán da theo yêu cầu.

Đối với những người dùng smartphone, máy tính bảng cao cấp, việc lựa chọn thêm một bộ vỏ (case) lắp thêm vào máy nhằm tạo sự khác biệt giữa đám đông, thu hút sự chú ý của nhiều người là điều không còn xa lạ. Gần đây, có 3 xu hướng mới đang được nhiều người dùng lựa chọn là sử dụng những loại vỏ chất liệu lạ hoặc những loại vỏ cao cấp thiết kế theo cá tính từ pha lê Swarovski của Áo hoặc khắc laser trên miếng dán da theo yêu cầu.

Bà Trần Thu Hiền, phụ trách sản phẩm của Phukiengiare.vn cho biết, hiện nay các thương hiệu vỏ dành riêng cho điện thoại hoặc máy tính bảng chủ yếu là Nillkin, Rock, SGP, Moshi… Tất cả đều được sơn tĩnh tiện, chống trầy xước, cách nhiệt tốt, chi tiết sắc xảo, màu sắc kiểu dáng không lòe loẹt và được làm theo xu hướng tối giản.

Chẳng hạn, loại vỏ nhựa kết hợp silicon thế hệ mới (còn gọi là vỏ da silicon). Loại này có độ bền tốt hơn, không thấm nước, chống bám vân tay và chống trầy xước. Khi gắn vào điện thoại sẽ không có cảm giác tăng thêm độ dày như những loại vỏ trước đây, nhẹ hơn và có đủ kiểu cho các dòng điện thoại smatphone cao cấp khác như Samsung, Sony, LG... Giá từ 160 nghìn cho đến 260 nghìn đồng.

Đối với iPhone 5, hiện tại đã có loại vỏ silicon mới có độ dẻo, mềm và mỏng hơn trước đây vì bộ khung bằng nhôm của điện thoại này dễ trầy xước hơn nên các hãng sản xuất buộc phải sáng tạo riêng. So với các mẫu silicon cũ dành cho iPhone 4, điểm khác biệt của mẫu mới là mặt bên trong của bộ vỏ có thiết kế dạng tổ ong li ti giúp tăng thêm độ đàn hồi, chống trầy xước tốt hơn.

Một xu hướng khác là người dùng đang chuyển qua dùng các loại vỏ “xuyên thấu”, chỉ bảo vệ bộ khung nhôm của điện thoại, hay còn gọi là "bumper case". Sản phẩm chủ yếu bao bọc bộ khung viền của điện thoại còn mặt trước và sau để lộ hoàn toàn. Theo lí giải của bà Hiền, đôi khi dùng bộ vỏ da hoặc nhựa gắn vào điện thoại sẽ che hết vẻ đẹp của sản phẩm nên một số người dùng chuyển qua loại này để vừa thấy được sản phẩm đẹp mà vẫn bảo vệ an toàn. Loại này chỉ có một khuyết điểm là phải dùng ốc vít để xiết lại.

Riêng với chất liệu nhôm, có thêm những thiết kế mới như mặt nhôm được khắc nhiều lớp tạo thành hoa văn 3D nếu gặp phản chiếu ánh sáng. Hoặc miếng nhôm được phay mỏng, nhẹ hơn để giúp ôm gọn vào điện thoại, tạo cảm giác “siêu mỏng” không dầy như những loại vỏ nhựa.

Những loại vỏ dành riêng cho máy tính bảng thì không có nhiều sản phẩm mới, chất liệu da hoặc nhựa vẫn được các hãng sản xuất dùng thường xuyên, chỉ bổ sung màu sắc tươi hơn như vàng, xanh lá hoặc cam để phù hợp cho những người dùng năng động.

Ảnh
Chất liệu nhôm đã được thiết kế đẹp hơn hoặc chuyển qua các loại "bumper case".

Ông Trần Mạnh Hiệp, phụ trách cửa hàng Khắc Tên ở TP HCM chia sẻ, miếng lót da dán ở mặt sau lưng điện thoại đã đa dạng về hình thức và kiểu dáng rất nhiều so với trước đây. Hiện tại, chất liệu da để làm miếng lót đã có nhiều loại hơn như da rắn, trăn, cá sấu, bò, đà điểu… Trong đó, da bò nhờ thuộc loại da sáng trắng nên có thể thực hiện thêm một bước mới là khắc thêm hình ảnh cá nhân, gia đình hoặc bạn bè lên. Ngoài ra, các miếng lót da bây giờ không đơn thuần là ở mặt sau lưng mà còn có thể chuyển thành dạng bảo vệ cả trước và sau (flip cover), gập mở như sổ tay, loại này đang được nhiều người dùng ưa thích vì tạo cảm giác như một bộ vỏ da bảo vệ điện thoại nhưng có độ mỏng và nhẹ hơn.

Còn đối với những loại da sần như rắn, cá sấu, đà điểu... ngoài màu sắc đen và nâu đã có thêm những màu mới là đỏ hoặc trắng. Trong đó, màu đỏ khi khắc hình ảnh vào sẽ có đường nét ấn tượng hơn. Còn những tông màu đen và trắng phối hợp với nhau khi gắn với sản phẩm sẽ tạo độ tương phản cao. Thậm chí, có những kiểu thiết kế cho phép phối hợp và ghép 2 màu da lại với nhau, kiểu này đẹp và lạ mắt nhưng đòi hỏi công sức và thời gian làm nhiều hơn.

Ảnh
Da rắn, đà điều, cá sấu, bò là chất liệu thường dùng. Trong đó da bò (trơn, trắng) nên có thể khắc hình ảnh gia đình, bạn bè.

Quy trình thực hiện của Khắc Tên gồm 4 bước, đầu tiên khách hàng lựa chọn mẫu, sau đó nhân viên thiết kế sẽ ghép trên máy cho ra hình ảnh đầu tiên, sau khi đồng ý, sẽ chuyển qua công đoạn khắc laser và cuối cùng là đem thành phẩm dán vào mặt lưng của điện thoại. Toàn bộ quá trình mất khoảng 20 phút và chi phí thực hiện từ 100 đến 300 nghìn đồng một lần, tùy theo kích thước của thiết bị di động.

Đối với laptop, miếng da ngoài việc dán ở mặt lưng màn hình còn có thể dán ở 2 bên phần rê chuột, giúp cho việc gõ phím êm ái hơn. Với máy tính bảng, có thể thực hiện việc ghép 2 miếng da tạo thành một kiểu thiết kế ấn tượng.

Ảnh
Khách hàng lựa chọn mẫu, sau đó sẽ được xem thử mẫu thiết kế trên máy rồi mới thực hiện khắc và dán lên thiết bị di động.

Miếng dán da hiện nay được nhiều người dùng lựa chọn vì sản phẩm tạo được nét đặc trưng riêng thông qua những hình vẽ theo cá tính hoặc sở thích. Anh Hiệp cho biết thêm, có nhiều khách hàng trong một năm thay đổi miếng dán từ 4 đến 5 lần, tùy theo sở thích của từng mùa hoặc theo những biểu tượng câu lạc bộ bóng đá, hoặc logo của các hãng xe… Việc thay thế cũng dễ dàng "như thay áo" vì mặt sau của miếng dán chủ yếu là loại keo hai mặt rất dễ lột bỏ.

Xu hướng tạo miếng lót da theo cá tính ngày càng được nhiều người dùng quan tâm, thậm chí có khách hàng là kiến trúc sư tự mình vẽ kiểu và yêu cầu cửa hàng đặt làm riêng cho một bộ sản phẩm để dán trên laptop, điện thoại, máy tính bảng, túi xách và máy ảnh… Chi phí có khi lên đến gần vài triệu đồng bởi công đoạn thực hiện có khi chưa đạt yêu cầu và khách hàng sẳn sàng trả thêm tiền để yêu cầu làm lại cho đến khi hài lòng mới thôi, ông Hiệp tiết lộ.

Ảnh
Bộ vỏ hoa văn thiết kế 3D sử dụng pha lê Swarovski có giá từ 1 triệu đến 1,3 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Vũ, quản lí cửa hàng Thái Lâm mobile chia sẻ, những người thích làm nổi bật mình giữa đám đông thì những bộ vỏ điện thoại không đụng hàng sẽ tạo nên một sự khác biệt. Do vậy, thị trường cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều mẫu vỏ có thiết kế cao cấp sử dụng các loại pha lê Swarovski của Áo với nhiều màu sắc và kiểu dáng sặc sỡ.

Những loại vỏ này được chú trọng nhiều đến phần đính pha lê do những nghệ nhân thực hiện thủ công. Một bộ vỏ như vậy sẽ có giá từ 500 nghìn đến 1,3 triệu đồng. Thiết kế đa phần là theo 2 dạng: loại hình các con vật, logo nổi tiếng như rồng, phụng, chim công hoặc các thương hiệu thời trang, xe hơi và loại thứ hai là các tranh phong cảnh, hoặc các hoa văn gồm nhiều lớp pha lê chồng chất lên nhau, tạo nên góc nhìn lập thể 3D. Càng sử dụng nhiều pha lê thì bộ vỏ càng đắt tiền, còn những thiết kế về logo hoặc thú vật là sử dụng khuôn mẫu đúc kim loại tạo nên nên chi phi thấp hơn.

Người dùng nếu lựa chọn những bộ vỏ này cần lưu ý khi sử dụng phải cẩn thận vì điện thoại lúc này đã trở thành một vật trang sức đẹp mắt, ấn tượng, dễ gây sự chú ý nên không thể vứt bừa bãi hoặc tùy tiện nhét vội vàng vào túi xách, balô vì có thể làm trầy xước hoặc bị tác động mà rơi mất các viên pha lê đính kèm trên bộ vỏ, mất đi vẻ đẹp thẩm mĩ vốn có.

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (0)