Lenovo Thinkpad Twist với màn hình vừa xoay vừa gập được, cho phép đặt máy ở nhiều tư thế.

Giá cao, thiết kế chưa hợp lí là cảm nhận chung của số đông người tiêu dùng khi nói về các laptop có màn hình xoay, trượt hay lật... thay cho nắp gập truyền thống.

Cùng với sự ra mắt của hệ điều hành Windows 8 cuối năm 2012, các hãng đã giới thiệu nhiều laptop thiết kế lạ như màn hình xoay, lật hay màn hình trượt, thậm chí hai màn hình... Mục đích chung của các thiết kế này là có thể nhanh chóng biến laptop thành máy tính bảng (do đó gọi chung là laptop biến hình) nhờ khả năng hỗ trợ màn hình cảm ứng của hệ điều hành mới.

Đầu năm 2013, hầu hết các hãng sản xuất phần cứng đều có laptop biến hình bán trên thị trường, như Lenovo có Thinkpad Twist màn hình xoay, gập ở 4 tư thế; Sony Vaio Duo 11 và Toshiba Satellite U920T với bàn phím trượt; Dell XPS Duo 12 với màn hình lật 360 độ hay Asus ra laptop hai màn hình Taichi...

Tuy nhiên, ghi nhận của Số Hóa về phản hồi ban đầu của người dùng là các sản phẩm này giá còn khá cao, hơn thế, nếu để cân nhắc lựa chọn về tính năng của các thiết bị thì người dùng cũng chưa thật hài lòng. Ví dụ, model Dell XPS Duo 12, không ít ý kiến trên các diễn đàn công nghệ cho rằng đây là thiết kế “nửa nạc nửa mỡ”, “lạ thôi chứ không phù hợp”, “trông nửa mùa"… Anh Vũ Anh Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) đánh giá chiếc laptop màn hình lật này có thể biến thành máy tính bảng nhưng chưa phù hợp để mang đi mang lại vì hơi nặng.

Với Sony Vaio Duo 11, anh Thái Minh (TP HCM) cho rằng thiết kế trượt của sản phẩm hay nhưng không khả dụng lắm, “tôi không cần một máy tính xách tay giấu được bàn phím" nếu là máy tính bảng thì lại "hơi thô". Còn anh Huỳnh Minh Thiên (Tân Bình, TP HCM) lại cho rằng thiết kế đẹp nhưng bàn phím nhỏ, giá cũng còn cao…

Ảnh
Dell XPS Duo 12 với màn hình lật giúp biến chuyển linh hoạt giữa laptop và máy tính bảng.

Bên cạnh thiết kế, laptop biến hình cũng còn bị nhiều người dùng nhận xét là giá trên trời. “Cấu hình tương đương nhau nhưng so với laptop thường, laptop biến hình có giá cao gấp đôi, còn so với laptop có màn hình cảm ứng giá cũng phải cao hơn tới 30%, một phần do các thiết bị biến hình được trang bị thêm một số tính năng đặc biệt", một nhân viên kinh doanh của hệ thống siêu thị Thế Giới Di Động chia sẻ.

Ví dụ, với cùng cấu hình chip Core i5, vi xử lí đồ họa Graphic HD4000, RAM 4 GB, SSD 128 GB, laptop màn hình cảm ứng như Sony Vaio T chỉ 23 triệu đồng hay ultrabook của Asus Zenbook UX31 là 28 triệu đồng, còn Dell XPS Duo 12 và Sony Vaio Duo 11 sử dụng cấu hình tương đương nhưng được bán ở mức thấp nhất là 30 triệu đồng. Ngoài ra, với tầm tiền trên dưới 20 triệu đồng, người tiêu dùng vẫn có nhiều lựa chọn cho các laptop có cấu hình ngang bằng, chỉ thay ổ SSD bằng HDD.

Theo phản ánh của các siêu thị, laptop biến hình được người dùng quan tâm và hay tới dùng thử, nhưng số lượng bán đang rất hạn chế. Nhân viên của Thế Giới Di Động cho biết, phần lớn khách hàng đều chỉ xem, sau đó lại chọn mua laptop cùng cấu hình vì laptop biến hình giá cao hơn nhiều quá.

Đại diện siêu thị Trần Anh cho biết, trong số các laptop biến hình, hiện chỉ Sony Vaio Duo 11 có sức mua nhỉnh hơn một chút vì sản phẩm này truyền thông tốt, giá hợp lí (so về cấu hình và các phần mềm đi kèm). Các model khác người dùng chỉ tham khảo.

Ảnh
Sony Vaio Duo 11 với màn hình trượt nằm trong số ít mẫu laptop biến hình được người dùng đánh giá là giá cả hợp lí. Ảnh: Hải Mỹ.

Anh Kiều Xuân Toản, phụ trách ngành hàng laptop của siêu thị Trần Anh, đánh giá “nhu cầu khách hàng mong muốn có laptop sử dụng được gần như máy tính bảng và như một laptop truyền thống là khá cao vì ngay đến iPad hiện vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu làm việc của nhiều người. Vì vậy, các hãng đã chọn theo Windows 8 để giải quyết vấn đề này. Nhưng nhìn chung, thị trường laptop biến hình vẫn chưa thực sự hình thành. Mỗi hãng đều đưa ra một, hai sản phẩm với các ý tưởng khác nhau nhưng phần đa vẫn dừng ở mức độ "triển lãm". Các sản phẩm đã lên kệ chủ yếu mang tính thăm dò thị trường chứ chưa hề có chiến lược kinh doanh, tiếp thị, truyền thông đầy đủ. Bản thân người dùng cũng đón nhận với thái độ khám phá nhiều hơn là thỏa mãn, chưa có những nhu cầu, những phân khúc tiêu dùng rõ ràng.

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (0)