Root là thuật ngữ chỉ sự can thiệp trực tiếp vào các file hệ thống của một thiết bị Android để dành quyền sử dụng cao nhất. Ảnh: Tomsguide.

Do sự đa dạng của thiết bị, bài viết không đi sâu vào chi tiết quá trình thực hiện root trên một thiết bị Android cụ thể nào, mà chỉ đề cập đến những ưu và nhược điểm từ việc root máy.

Nếu là một người dùng Android, chắc hẳn cụm từ “root máy” và những câu hỏi đại loại như root máy nghĩa là gì, được và mất gì từ việc này sẽ là những điều bạn quan tâm.

Về cơ bản, root một thiết bị Android là việc dành quyền điều khiển cấp cao nhất để can thiệp trực tiếp vào những tập tin hệ thống của chính thiết bị đó. Với những thiết bị Android nguyên bản (chưa được root) khi mới mua về, người dùng chỉ có quyền sử dụng thiết bị tương tự như tài khoản khách (Guest) trên máy tính Windows.

Những thuận lợi

Thuận lợi đáng kể nhất là nắm toàn bộ quyền “sinh sát” trên những tập tin hệ thống của hệ điều hành cũng như toàn bộ thiết bị Android của mình.

Ảnh
Root máy cho phép di chuyển ứng dụng từ ROM sang thẻ nhớ rời, góp phần cải thiện dung lượng lưu trữ của thiết bị Android. Ảnh: Samzkingdom.

Với quyền hạn "tối cao" này, việc cài đặt thêm những ứng dụng cho phép thiết lập xung nhịp bộ xử lí một cách thủ công (thậm chí cao hơn mức quy định của nhà sản xuất), hay đặt lại “vị trí” bộ nhớ Cache của các ứng dụng như Play Store, Maps, trình duyệt... có thể thực hiện khá dễ dàng.

Bên cạnh việc cài đặt thêm những ứng dụng mạnh mẽ (ngoài kho ứng dụng trực tuyến) vào hệ thống, người dùng còn có thêm lựa chọn gỡ bỏ các ứng dụng được cài đặt sẵn trên máy trước khi xuất xưởng; di chuyển các ứng dụng từ ROM sang thẻ nhớ rời. Điều này thực sự có ý nghĩa đối với những thiết bị Android vốn có dung lượng ROM giới hạn.

Việc root máy còn đặc biệt có ý nghĩa với đối tượng người dùng có kinh nghiệm, thích tìm tòi khám phá, bởi họ có thể vận dụng tối đa sức mạnh thiết bị của mình. Cụ thể như việc tạo mới hoàn toàn một file ảnh sao lưu toàn bộ hệ thống dự phòng trên thẻ nhớ tốt hơn rất nhiều nếu như so sánh với tính năng recovery mặc định trên thiết bị Android nguyên bản.

Một lí do đáng giá nữa chính là việc cài đặt hẳn một bản ROM khác thay thế cho bản ROM gốc của thiết bị. Những bản ROM thay thế này thường là những phiên bản Android mới hơn đã được các nhà phát triển khác nhau tùy biến về giao diện hiển thị, mức tiêu thụ pin hay sửa lỗi theo ý họ để hoạt động tối ưu hơn. Một số thiết bị Android trên thị trường thường xuyên có những bản ROM cập nhật mới trên những trang web chuyên cung cấp có uy tín như XDA-Developers, AndroidSpin.

Và những bất lợi

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi đầy hấp dẫn, việc root một thiết bị Android cũng có những điểm bất lợi riêng của nó. Đáng kể nhất là chế độ bảo hành của hãng và khả năng khôi phục nếu quá trình root thất bại.

Ảnh
Root máy đồng nghĩa với việc từ chối quyền được bảo hành miễn phí từ nhà cung cấp thiết bị. Ảnh: Blogspot.

Việc root máy là quyết định của mỗi cá nhân, do đó, hãy luôn nhớ rằng mọi hãng sản xuất đều từ chối bảo hành những thiết bị Android (đã root) ngay cả khi thời hạn vẫn còn hiệu lực. Hiện tại, chỉ một số ít các thiết bị Android có thể un-root (khôi phục lại trạng thái ban đầu) trong khi hầu như phần lớn các máy khác sẽ trở thành “đồ chặn giấy” vĩnh viễn nếu như quá trình root bất thành.

Ngoài ra, root thành công không hoàn toàn đồng nghĩa với việc hiệu năng “cỗ máy” của bạn sẽ được tăng gấp bội. Một số ít người dùng Android cũng đã cho biết thêm rằng trong khi cố gắng cải thiện về tốc độ cũng như thêm những tính năng mới, họ đã đánh mất tất cả những tính năng vốn có của thiết bị cho dù quá trình root diễn ra một cách suôn sẻ. Thêm vào đó, việc root máy và cài đặt một bản ROM khác thay thế cũng sẽ khiến thiết bị Android có nguy cơ lây nhiễm virus cao hơn.

Tóm lại, việc root máy hoàn toàn khác nhau trên mỗi thiết bị Android và là quyết định của mỗi người. Vì thế, hãy cân nhắc, tìm hiểu kĩ lưỡng về khả năng tương thích của thiết bị mà mình đang sử dụng trước khi quyết định root hay không.

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (9)
Lâm Hằng  43211

Định root lại con Android mới mua ma đọc xong thấy hơi rợn.... Rolling On The Floor

Hiếu Tròn  25905

Anh có thằng bạn dùng con MobiStar gì đó, mặc định chạy Android 2.3, nó cứ lên 4.0, 4.1, rồi về 2.3 như cơm bữa, vọc tan nát cái máy luôn Big Grin Nghe nó root điện thoại mà như người ta cài Windows cho PC

Jillian  155

Root chỉ làm 1 lần thôi à bạn, cái đó là flash ROM.

Loc Pham  3

đúng rồi đó

cái bạn kia nói là flash rom hay còn gọi là up rom. còn root tức là flash kernel

Tro Choi Vui  373

zậy thì không root nữa

Jillian  155

Cái bài báo giỏi hù người ta. Root máy 99% là không làm brick (hư hay kiểu VN gọi là cục gạch) dc. Trừ khi bạn dùng phần mềm hay cái gì của máy này rồi làm cho máy khác thôi. Thường thường flash ROM mới có nguy cơ làm brick.
Ai cũng nghĩ rooting với ROM flashing là 1 thứ, lầm to.

Loc Pham  3

chưa bao giờ bị tình trạng đấy mặc dù root không thành công khá nhiều. có chăng dùng kernel máy này đem flash cho máy khác mới bị

Jillian  155

Bạn nhắc vụ kernel mới nhớ, bữa trên XDA mình gặp tên nào đó VN, vào lấy kernel và ROM của Galaxy S3 bản att flash lên máy international Laughing Xong lên hỏi tại sao máy không bật lên dc nữa Laughing

Shadow Hunter  2

không hẳn

cho dù không mở lên được nữa thì hầu hết điện thoại android đều có thể dùgn phím tắt để vào emergency mode từ đó flash rom lại, rom này ko được thì dùng rom khác, suy cho cùng thì cũng chả thể nào thành đồ chặn giấy được.