Thị trường điện thoại quốc tế chiều về đang bắt đầu có dấu hiệu phá giá và chuyển lậu lưu lượng.

Các nhà cung cấp dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về cho biết, thị trường này đang đối mặt với nguy cơ chuyển lậu lưu lượng điện thoại quốc tế chuyển về và bắt đầu có dấu hiệu bán phá giá.

Doanh nghiệp ào ạt tái chiếm thị trường

Sau khi cơ quan quản lí nhà nước mở cửa thị trường cung cấp dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về thì có tới gần chục doanh nghiệp của Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ như VNPT, Viettel, FPT, Đông Dương Telecom, Vishipel, VTC, Hanoi Telecom, SPT. Thế nhưng, khi thị trường bị cạnh tranh quá đà, một số doanh nghiệp buộc phải từ bỏ cuộc chơi.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này cho biết, tính đến tháng 9/2012 các doanh nghiệp viễn thông vẫn chỉ thu của đối tác nước ngoài có 2,6 cent cho mỗi phút gọi từ nước ngoài về Việt Nam. Mức giá này gần như bằng với giá thành của dịch vụ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp âm thầm rút lui khỏi thị trường. Đến tháng 9/2012 chỉ còn 5 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ là VNPT, Viettel, Hanoi Telecom, CMC, FPT Telecom. Phát biểu tại thời điểm đó, ông Hoàng Sĩ Hóa, Tổng giám đốc SPT thừa nhận các doanh nghiệp lớn như VNPT và Viettel vẫn có ưu thế trong kinh doanh dịch vụ này bởi họ có hạ tầng.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay sau khi Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp họp bàn quyết liệt xử lí vấn đề chống phá giá, đồng thời đưa ra hành động nâng cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về thì ngay lập tức thị trường này đã có chuyển biến mạnh và giá cước được nâng lên trên giá thành của dịch vụ.

Tại cuộc họp triển khai kế hoạch năm 2013 của Bộ TT&TT mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel đã chính thức kiến nghị Bộ TT&TT nâng cước dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về. "Các cuộc gọi về thì khách hàng ở nước ngoài vẫn phải trả cho nhà khai thác nước ngoài từ 50 cent đến 1 USD, nhưng chỉ trả cho doanh nghiệp Việt Nam 4 cent. Tăng cước kết nối chiều về sẽ làm tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Mỗi năm có khoảng 4,5 tỉ phút điện thoại quốc tế chiều về, nếu chúng ta tăng 2 cent/phút thì mỗi năm Việt Nam có thêm 90 triệu USD cho đất nước. Do đó, Viettel đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu tăng cước kết nối chiều về từ 4,1 cent lên 6 cent", ông Hùng nhấn mạnh.

Tháng 1/2013, Bộ TT&TT đã có buổi họp với các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ và chấp thuận đề xuất nâng cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về lên 6,1 cent/phút. Với mức cước đó, Viettel và VNPT sẽ có thêm lợi nhuận khoảng vài trăm tỉ mỗi năm. Trong khi đó những doanh nghiệp nhỏ hơn như CMC, FPT, Hanoi Telecom cũng thu được lợi nhuận được vài chục tỉ mỗi năm. Đây là số lợi nhuận không nhỏ đối với tất cả doanh nghiệp.

Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về đã xoay chuyển từ dịch vụ lỗ sang dịch vụ có lãi, thậm chí lãi không hề nhỏ. Chính điều này đã thôi thúc các doanh nghiệp vốn lâu nay "thoái ẩn giang hồ" quay trở lại tìm kiếm lợi nhuận.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom cho biết, hiện Viettel đã mở kết nối cho tất cả các doanh nghiệp cũ và mở thêm cho GTel vừa mới tham gia cung cấp dịch vụ.

Theo ông Vũ Tiến Dương, Phó Ban Kinh doanh của VNPT, gần đây các doanh nghiệp ào ạt trả nợ cước kết nối cho VNPT để quay trở lại cung cấp dịch vụ. Mới đây, VNPT đã mở thêm kênh kết nối cho GTel để cho doanh nghiệp này chính thức ra nhập thị trường. "Hiện chỉ có duy nhất VTC chưa được mở kênh tại VNPT vì đang nợ tiền kết nối của Tập đoàn", ông Vũ Tiến Dương nói.

Nguy cơ phá giá dịch vụ và chuyển lậu lưu lượng

Sau khi thị trường dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về được cải thiện thì bắt đầu xuất hiện nhiều nguy cơ tái phát phá giá và chuyển lậu lưu lượng. VNPT và Viettel đều khẳng định hai doanh nghiệp này đang bán đúng giá đã cam kết là 6,1 cent/phút. Như vậy, việc phá giá sẽ nằm ở các doanh nghiệp nhỏ.

Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, lãnh đạo một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về cho hay, mới đây bắt đầu có hiện tượng một vài doanh nghiệp nhỏ bán phá giá dịch vụ so với cam kết mà họ đã thống nhất với Bộ TT&TT (6,1 cent/phút). "Không chỉ có nguy cơ phá giá dịch vụ để hút lưu lượng mà còn bắt đầu có dấu hiệu lưu lượng được chuyển lậu về Việt Nam. Vì vậy, Bộ TT&TT cùng cơ quan công an cần quyết liệt kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lí kiên quyết những đối tượng làm ăn phi pháp này", vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Ông Vũ Tiến Dương cũng nhận định là tình trạng chuyển lậu lưu lượng điện thoại quốc tế chiều về xuất hiện ngày càng nhiều, VNPT đang phối hợp với cơ quan công an để xử lí vấn đề. Trên thực tế, thực trạng này cũng là điều mà các doanh nghiệp dự báo trước khi bắt đầu cùng nhau nâng cước dịch vụ.

Trong nhiều buổi họp bàn về vấn đề chống bán phá giá dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về, các doanh nghiệp cho rằng Bộ TT&TT cần kiên quyết xử phạt và thu hồi giấy phép của những doanh nghiệp bán phá giá dịch vụ. Điều này sẽ đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và tránh gây thiệt hại cho quốc gia.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (1)
Phong Tat Tau  169

thiệt là khổ...người dùng vẫn khoái giá rẻ...vì chất lượng cũng chẵng có thay đổi theo giá cả mà chỉ thay đổi theo cơ sở hạ tầng kỹ thuật.