Một loại thiết bị GPS cho xe máy đang được bán trên thị trường.

Chỉ dưới 2 triệu đồng, người dùng có thể sở hữu bộ thiết bị định vị GPS để giám sát hiệu quả chiếc xe máy, xe đạp điện, nhất là để hỗ trợ tìm lại phương tiện nếu bị kẻ gian đánh cắp.

Theo tìm hiểu của ICTnews, hiện trên thị trường đang có tới gần hai chục loại thiết bị định vị GPS được sản xuất dành riêng cho xe máy. Có thể kể đến một số thương hiệu như Moto Tracker, GPS GT6X, GT02, GPS Tracker MT090 … với giá bán từ 1,1 - 4 triệu đồng, xuất xứ Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc…, đang do một số doanh nghiệp trong nước cung cấp.

Về tính năng, với anten thu sóng GSM (băng tần 850/900/1800/1900 MHZ) và GPS, các thiết bị đều cho phép người dùng xác định vị trí của xe theo thời gian thực trên bản đồ, xác định lộ trình, xem lại lịch sử quãng đường đã đi, thậm chí là có thể tra được thông tin xe dừng ở đâu, trong thời gian bao lâu…

Kích cỡ của các thiết bị đều rất nhỏ gọn, chỉ tương đương với bao thuốc lá trở xuống nên có thể lắp ở những vị trí nhỏ hẹp trên hầu hết các dòng xe máy đang được bán trên thị trường hiện nay.

Ngoài việc “ăn điện” trực tiếp từ ac-quy, thiết bị GPS cho xe máy còn được gắn sẵn pin bên trong để đảm bảo “liên lạc thông suốt” trong trường hợp nguồn ac-quy của xe bị ngắt. Ngoài ra, một số loại có giá bán từ trên 2 triệu đồng còn có khả năng chống thấm nước, chịu được nhiệt độ cao, thời tiết khắc nghiệt.

Qua tìm hiểu của ICTnews, bên cạnh việc sắm thiết bị định vị, thì để thiết bị có thể “vận hành”, người dùng cần chi thêm số tiền khoảng 600.000 - 700.000 đồng, bao gồm: phí sử dụng phần mềm giám sát (khoảng 500.000 – 600.000 đồng tùy theo nhà cung cấp, thời hạn sử dụng trong 1 năm), tiền mua SIM điện thoại để lắp vào thiết bị và đăng kí gói dịch vụ Internet 3G trọn gói của các nhà mạng (từ 20.000 – 40.000 đồng/1 tháng) để duy trì kết nối, cho phép SIM gửi dữ liệu về phần mềm qua Internet.

Sau khi lắp đặt, chủ các phương tiện chỉ cần soạn tin theo cú pháp (được quy định riêng với từng loại thiết bị do nhà cung cấp thiết lập) rồi gửi đến số điện thoại được lắp trong thiết bị định vị là sẽ nhận được vị trí của xe qua tin nhắn SMS, đồng thời có thể giám sát trực tuyến bằng điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính xách tay thông qua bản đồ Google Map, trang web của từng nhà cung cấp dịch vụ...

Ví dụ, hiện khách hàng của công ty VNET GPS sẽ tra qua trang vitrixemay.com, khách hàng của công ty PMG sẽ tra cứu qua trang www.vngts.com...

Ảnh
"Mổ xẻ" bên trong một thiết bị.

Trao đổi với ICTnews, anh Quang, một người chuyên lắp đặt thiết bị định vị xe máy tại phố Huế (Hà Nội), khách hàng chủ yếu là những người sử dụng xe tay ga có giá trị cao như Honda SH, Spacy, Vespa Piaggio LX, Liberty…

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cùng với nạn trộm cắp xe máy hoành hành thì cũng có không ít người sử dụng xe tay ga giá trị từ 20 – 30 triệu đồng cũng lắp ngay sau khi mua xe.

“So với thời điểm cách đây 1 năm thì thị trường cũng xuất hiện nhiều loại hơn, giá bán cũng giảm hơn từ 300.000 – 500.000 đồng”, anh Quang nói.

Cũng theo một chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi xe máy tại phố Trương Định, hiện nhiều gia đình sắm xe máy, thậm chí là cả xe đạp điện trị giá hơn chục triệu đồng cho con cái đi học cũng gắn thêm thiết bị GPS trong xe để tiện giám sát, quản lí hàng ngày.

Lưu ý khi mua và lắp thiết bị

“Tiền nào của nấy”, với các sản phẩm có giá bán tầm 3 – 4 triệu đồng trở lên được đánh giá cao hơn hẳn loại rẻ hơn về độ nhạy của chíp GPS, đồng thời việc hoạt động trong thời gian dài cũng ổn định, chính xác hơn...

Theo một số thành viên diễn đàn ô tô xe máy otofun.net, khi mua thiết bị định vị cho xe máy, người tiêu dùng cần tìm hiểu kĩ về thương hiệu, chất lượng sản phẩm, nên lựa chọn sản phẩm đã được Trung tâm đo lường (Cục Viễn thông, Bộ TT&TT) đo kiểm và cấp giấy chứng nhận hợp quy, chế độ bảo hành và hỗ trợ kĩ thuật dài hạn (thông thường các thiết bị được bảo hành 12 tháng).

Bên cạnh đó, việc lắp đặt cũng cần được chú trọng đó là tìm đến những địa chỉ uy tín để đề phòng sự cố ngoài ý muốn có thể xảy ra như chập cháy hệ thống điện.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)