Sau hơn 10 năm phát triển, khái niệm nội dung số vẫn chưa được hiểu một cách rõ ràng, thống nhất tại Việt Nam, dẫn đến việc những chính sách hỗ trợ, quản lí của Nhà nước chưa thực sự bám sát thị trường.

Thừa nhận thực tế này tại "Hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc về Công nghiệp nội dung số" diễn ra sáng 27/3, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho rằng, đây chính là một nguyên nhân quan trọng khiến cho tỉ trọng của nội dung số trong ngành công nghiệp CNTT nói chung vẫn còn ở mức khá khiêm tốn.

Cụ thể, Sách trắng CNTT 2012 do Bộ TT&TT phát hành cho biết, tổng doanh thu ngành Công nghiệp CNTT đạt 25 tỉ USD trong năm 2011, nhưng đóng góp của ngành nội dung số mới chỉ dừng ở mức 1,1 tỉ USD. Đây là con số chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của Việt Nam, như nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều nhận định. Bên cạnh đó, việc ngành công nghiệp nội dung số chưa đạt tỉ trọng lớn trong bức tranh CNTT nói chung còn là một thiệt thòi cho chính Việt Nam, bởi theo ông Đường, so với công nghiệp phần cứng, CN phầm mềm, nội dung để lại cho Việt Nam "giá trị gia tăng lớn hơn".

Quản hay phát triển?

Trở lại với bài toán chính sách đã nêu từ đầu, ông Đường thẳng thắn chỉ ra rằng, với các cơ quan quản lí hiện tại, câu hỏi lớn nhất là nên "đối xử" với ngành công nghiệp nội dung số như thế nào.

Có một thực tế không thể phủ nhận là thị trường nội dung đã tăng trưởng chóng mặt và đạt đến đỉnh cao trong những năm 2008-2009. Thế nhưng một vài năm trở lại đây, nhiều hiện tượng, mặt trái đã xuất hiện như tin nhắn rác, thư rác, nhiều loại hình nội dung không lành mạnh (nhắn tin để xem bói, cá độ ...), với tần suất và mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Những loại hình kinh doanh kiểu này tuy không nhiều, theo ông Đường, nhưng lại có tác động rất lớn đến cá nhà làm chính sách và gây bức xúc trong xã hội. Rồi thì mặt trái của game online, của mạng xã hội cũng gây nhiều quan ngại. "Đúng là những con sâu này đã làm hỏng nồi canh chung", vị đại diện của Bộ TT&TT bức xúc.

Chính vì thế, từ chỗ rất được quan tâm như công nghiệp phần mềm, ngành công nghiệp nội dung số bắt đầu "bị e ngại, không biết nên phát triển theo hướng nào". Kết hợp với khủng hoảng kinh tế thế giới trong giai đoạn này, thị trường nội dung số đã tăng trưởng chậm lại rõ rệt và dự kiến doanh thu 2012 chỉ đạt khoảng 1,3 -1,5 tỉ USD. So với tốc độ tăng trưởng 20-40% những năm đỉnh cao thì tốc độ tăng trưởng hiện tại chỉ còn trên dưới 10%.

Cũng vì không biết nên phát triển theo hướng nào cho phù hợp mà các chính sách ưu đãi doanh nghiệp nội dung số cũng trở nên loay hoay. Khó lại càng chồng khó khi ở Việt Nam, doanh nghiệp vừa sản xuất nội dung, vừa cung cấp dịch vụ là mô hình rất phổ biến. Rất hiếm doanh nghiệp chuyên sản xuất nội dung như ở nước ngoài nên tách bạch ra để xây dựng chính sách hỗ trợ là việc không đơn giản với cơ quan quản lí.

"Vấn đề là cần xác định những dịch vụ nào cần hỗ trợ, cần ưu đãi, những dịch vụ nào cần quản lí, thậm chí là dịch vụ nào thì phải cấp phép, phải quản lí chặt", ông Đường nêu vấn đề. "Các văn bản quy định cũng cần làm rõ, quản lí nội dung số nên làm như quản lí báo chí, hay nên coi nội dung số là một ngành công nghiệp đơn thuần".

Vừa thiếu lượng lại vừa yếu chất

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNG thừa nhận, các doanh nghiệp sản xuất nội dung số Việt Nam hiện rất khó cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài do thua kém cả về chất lượng lẫn số lượng nhân lực.

Ông Minh có dẫn lại trường hợp của một game online của VNG, một game mà theo ông đã được đầu tư rất mạnh tay trong thời gian gần 4 năm, với cốt truyện, nhân vật, đồ họa hoàn chỉnh. Ngân sách quảng bá cũng rầm rộ và thậm chí còn mời cả hoa hậu Việt Nam làm gương mặt đại diện hình ảnh. Thế nhưng thực tế khi phát hành thì lại "thất bại thảm hại". "Đơn giản là người dùng không chơi", ông Minh chia sẻ thẳng thắn.

Lí giải cho nguyên nhân thất bại của game này, ông Minh khẳng định không thể trách giới trẻ đã "quay lưng với game lịch sử" mà phải tự nhận thấy chất lượng game Việt Nam chưa cao, không đọ được với các game lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc. "Game của họ 10 điểm, ta 8 điểm thì còn có cơ hội. Nhưng nếu ta chỉ có 4 điểm thì không thể đấu lại được". Sự chênh lệch quá lớn về năng lực con người là điểm mấu chốt khiến Việt Nam thiếu sản phẩm tốt, hấp dẫn.

Một điểm yếu "chí mạng" nữa của các DN sản xuất nội dung Việt là thiếu tính sáng tạo. Để minh chứng cho nhận định này, ông Minh cho biết, khi làm việc với các đối tác Nhật Bản, bản phác thảo đồ họa của VNG đã từng bị trả lại với tỉ lệ trên 50%. "Đối tác Nhật cho biết, họ có thể nhận ngay ra hình vẽ của chúng ta là copy ở đâu, từ mắt, tay chân, bối cảnh...đều không phải do ta tự sáng tạo ra".

Và tất nhiên, bài toán nguồn nhân lực cũng không thể không nhắc đến, khi số lượng người sản xuất được game ở Việt Nam theo ước tính của ông Minh chỉ khoảng 1000 người. Đây đều là những người có thừa đam mê nhưng chưa trải qua bất cứ trường đào tạo nào về phát triển game, bởi thực tế là tại Việt Nam cũng chưa có cơ sở đào tạo nào như vậy. Để so sánh, nguồn nhân lực phát triển game ở Trung Quốc lên tới 300.000 người.

"Nói thật là doanh nghiệp Việt không khỏi cảm thấy hụt hơi khi phải cạnh tranh với các nước khác. Tốc độ của ngành công nghiệp nội dung số là phải cực nhanh, thế nhưng doanh nghiệp Việt lại phải vừa chạy, vừa vượt chướng ngại vật". Do đó, các doanh nghiệp thực sự mong mỏi một chính sách hỗ trợ có tính thống nhất, rõ ràng, nhất quán từ phía Nhà nước.

Phải chấp nhận thất bại

Đại diện đến từ Hàn Quốc, ông Choi Youn-Chel thuộc KOCCA đồng tình rằng, việc xây dựng một thể chế, chính sách toàn diện, khép kín, từ khâu sản xuất cho đến áp dụng và tiêu thụ nội dung trong đời sống là hết sức quan trọng. Đây là việc mà chính phủ Hàn Quốc đã làm rất tốt, nhờ vậy mà ngành công nghiệp nội dung nói chung và nội dung số nước này đã phát triển vượt bậc trong thời gian qua. (KOCCA là cơ quan Sáng tạo Nội dung Hàn Quốc, trực thuộc Bộ VH-TT-DL nước này, là nơi chịu trách nhiệm hỗ trợ Chính phủ xây dựng các chiến lược, chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, phát triển nội dung số).

Hiện Hàn Quốc đã ban hành cả Luật về phát triển công nghệ nội dung số, trong khi Việt Nam vẫn chưa có luật mà mới chỉ đề cập đến nội dung số trong Đề án nước mạnh. Ông Choi cũng khẳng định, Việt Nam cần sớm giải quyết được khâu định nghĩa khái niệm về nội dung số và các chính sách đối với nội dung số. "Nếu không dứt điểm được sớm thì sẽ gây nhiều rắc rối trong quá trình sử dụng, phát triển và hoạch định chính sách về sau".

Thực tế tại Hàn Quốc đã chứng minh, ngành công nghiệp nội dung số hoàn toàn có thể đạt tới quy mô lớn và tạo ra khối lượng việc làm cao cho Chính phủ. Số liệu năm 2012 cho thấy, thị trường nội dung nói chung nước này đạt hơn 8,8 tỉ USD, còn nội dung số (gồm game, các ứng dụng OTT...) cũng đạt tới hơn 2,8 tỉ USD doanh thu.

Đề xuất cho Việt Nam, đại diện KOCCA khuyến nghị Chính phủ cần hỗ trợ mạnh cho các doanh nghiệp, các đơn vị cá nhân nhỏ lẻ có năng lực sản xuất nội dung. "Để phát triển ngành công nghiệp nội dung số thì việc cần làm là phải tăng được khả năng sản sinh ra nội dung số, cũng như đảm bảo cơ sở hạ tầng để các thành phần tư nhân tham gia sáng tạo nhiều hơn nữa". Việc này cần được tiến hành song song, đồng bộ, tương tác với chính sách phát triển ngành công nghiệp nội dung số ở tầm vĩ mô thì mới đạt hiệu quả cao nhất, ông Choi phân tích.

Tuy nhiên, đặc thù của thị trường nội dung số là có tính rủi ro rất cao, do đó, Chính phủ cũng cần có phương án đối ứng trước với những rủi ro đó, nhất là ở giai đoạn đầu xây dựng thị trường. "Việt Nam hãy tạo cơ hội khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả thử nghiệm thất bại", phía Hàn Quốc kết luận.

Theo Vietnamnet



Bình luận

  • TTCN (0)