Sinh viên CNTT nên trau dồi thêm ngoại ngữ, kĩ năng mềm để tăng khả năng thành công trong nghề. Ảnh: Chungta.vn.

Mặc dù ngành CNTT đang rất khan hiếm nhân lực, một bộ phận sinh viên theo học ngành này vẫn băn khoăn không rõ học xong mình sẽ làm gì, một số lại cho rằng CNTT làm việc vất vả, lương thấp…

Nguyễn Thanh Thảo, sinh viên năm thứ hai Đại học Nha Trang, cho biết vẫn chưa xác định được sau này sẽ làm phân ngành gì cho phù hợp với nữ. Nếu làm quản lí hệ thống thông tin cần bắt đầu từ đâu. Đoàn Công Chánh, sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế kĩ thuật Phú Lâm, đang học ngành mạng băn khoăn không biết ra trường có xin được việc làm không, “để chuẩn bị xin việc, em cần làm gì từ bây giờ”. Huỳnh Thị Hữu Nụ cho rằng, khi theo nghề CNTT mà muốn đi làm được thì phải bỏ tiền đi học một khóa ở ngoài nữa để có thêm các chứng chỉ như Aptech, NIIT và không biết lấy đâu ra tiền để theo. Thậm chí, có bạn còn tính chuyển ngành. Phạm Thị Dung, sinh viên năm thứ 4 khoa CNTT, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, cho biết: “Em đang băn khoăn không biết có nên học văn bằng kế toán không vì em thấy học lĩnh vực CNTT khó quá. Năm thứ 4 nhưng em không hiểu đã học được những gì rồi”. Một số học viên các trung tâm đào tạo phi chính quy cũng có băn khoăn tương tự. Bàn Văn An chia sẻ: “Em học lập trình viên quốc tế mà chả biết sau này ra trường làm việc ở đâu?”

Không chỉ sinh viên mông lung về ngành họ đang theo học, một số người cũng tỏ ra hoài nghi về tương lai nếu chọn theo ngành CNTT. Bạn Nguyễn Lâm cho rằng “những người học CNTT phải may mắn mới tìm được việc làm trong ngành này”. "Em thích lập trình mà sợ ngành này tiền lương thấp, ít việc làm” bạn Nguyễn Tất Đức bày tỏ. Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng “cường độ làm việc lớn, phải thức khuya liên tục, học quá nhiều công nghệ mới thường xuyên, cộng với đồng lương không cao là nguyên nhân ít người muốn theo ngành này lâu dài”…

Chia sẻ với các bạn trẻ về những quan điểm trên, anh Lâm Quang Nam, một người đã có 20 năm kinh nghiệm trong ngành CNTT, cho rằng có lẽ các bạn trẻ nhận định ngành này chậm thăng tiến (trong quan niệm phổ thông thăng tiến nghĩa là lên chức, lên lương) do mấy năm nay GDP của ta tăng chậm, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp CNTT gặp nhiều khó khăn, vì vậy, mong lên chức, lên cấp, lên lương lúc này có vẻ hơi thiếu thực tế.

Ở giai đoạn 2000-2005, thậm chí đến 2008, có lẽ không ai chê ngành CNTT lương thấp hay chậm thăng tiến. Ngược lại, nhà nhà đổ đi làm CNTT, người người đổ đi học CNTT vì thấy trong ngành này thăng tiến khá nhanh và lương khá cao. Những người bắt đầu đi học/đi làm CNTT cách đây khoảng 5 năm mới là những người đầu tiên thấy ngành này chậm thăng tiến, nghề này lương thấp vì ảnh hưởng chung của suy thoái toàn cầu như đã đề cập ở trên. Đây cũng là thời điểm “cung cao hơn cầu” do nhiều người đổ xô đi học CNTT vào những năm trước 2008.

Giao lưu với các học viên Aptech về chủ đề "Nghề lập trình - Góc nhìn thẳng" ngày 13/4, ông Lê Quang Lượng, Giám đốc điều hành Công ty Luvina (chuyên về gia công phần mềm), nói rằng cách nhìn bi quan về nghề CNTT có chăng chỉ là quan điểm của một bộ phận nhỏ trong xã hội. Thực tế tại Luvina, lập trình viên mới ra trường lương khởi điểm là khoảng 5,5 - 6 triệu đồng/tháng nhưng sau 3-5 năm có thể tăng lên 20 triệu đồng/tháng nếu cá nhân đó có phương pháp làm việc hiệu quả, thành thạo ngoại ngữ, có kĩ năng mềm. Còn theo Payscale.com, website chuyên so sánh về lương, bình quân lương kĩ sư phần mềm (với 4 năm kinh nghiệm) ở Việt Nam gần bằng 4/5 ở Trung Quốc, và cao gấp đôi Ấn Độ.

Đồng quan điểm với ông Lượng, ông Phan Phương Đạt, Phó Tổng Giám đốc FPT Software, chia sẻ thực tế tuyển dụng tại công ty này cho thấy điểm yếu của nhiều sinh viên hiện nay là chỉ có kiến thức nền tảng, không được cập nhật công nghệ, thiếu kĩ năng mềm (như giao tiếp, làm việc nhóm), yếu ngoại ngữ, thái độ và phương pháp làm việc. "Điều này khiến các bạn khó bắt nhịp với thực tiễn của doanh nghiệp cũng như phát triển về sau", ông Đạt nhấn mạnh. "Bên cạnh đó, một bộ phận giới trẻ có xu hướng muốn làm giàu nhanh, trong khi ngành phần mềm lao động trí óc căng thẳng nên họ coi đây ngành này lao động vất vả, lương thấp".

Nói về nghề lập trình, Nguyễn Mạnh Linh, một lập trình viên công ty Gimasys, cho rằng mỗi ngành đều có những áp lực riêng. Với nhân viên kinh doanh họ phải chịu áp lực về doanh số, hay với nhân viên hành chính là ngày làm 8 tiếng thì với lập trình viên, áp lực đặc thù là “over time” (làm việc thêm giờ). Tuy nhiên, theo Linh, áp lực này chỉ diễn ra trong từng giai đoạn của dự án. Khi dự án kết thúc, lập trình viên lại có thời gian nghỉ ngơi dài ngày, có thể tranh thủ đi du lịch xa. Còn Nguyễn Thiện Chính, sinh viên Đại học FPT ví "ngồi code cũng như đi cày. Chỉ có làm vì đam mê mới không thấy vất vả". Cũng theo Chính, CNTT là ngành cực kì rộng lớn và nhiều cơ hội vì CNTT giờ hiện hữu mọi nơi. Còn thu nhập dựa nhiều vào trình độ. "Bản thân mình đã chứng kiến một coder 'cứng' (lập trình viên giỏi về thuật toán, tư duy) lương còn cao hơn quản lý", Chính nói.

"CNTT không phải ngành vất vả, áp lực, lương thấp như nhiều người vẫn nghĩ. Có chăng, các cơ sở đào tạo nên đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hướng nghiệp để sinh viên hiểu hơn về tương lai việc làm sau này. Các sinh viên CNTT cũng nên tìm hiểu kĩ về công việc mình sẽ theo đuổi, lựa chọn công ty có tầm nhìn phù hợp với định hướng của bản thân để phát triển", ông Phan Phương Đạt nhận định.

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (3)
Thật đấy  45

Nghề CNTT thú vị đó chứ...

Bao nhiêu thì gọi là thấp dc nhỉ, mình hồi trước thích CNTT nhưng sợ tiếng anh tồi, không học dc nên đăng ký học thiết kế đồ hoạ, sau ra đi làm chế bản, dàn trang ở cty in, lương tháng tầm 7tr mấy.
Nhưng sau một năm mấy đi làm, mơ ước của mình vẫn còn nên mình nghỉ làm, đi học mấy khoá về thiết kế web, mình mày mò viết extension cho mã nguồn mở, bán trên marketplace hàng tháng cũng dc 6-700$. Mới đây mình nhận support cho vài trang web ở châu Âu dùng mã mở, mỗi trang tầm 1-200$ tháng nên thu nhập hàng tháng ~1500$, tuy không dư dả nhưng đủ để có cuộc sống dễ chịu, hy vọng sẽ ra dc nhiều project để tăng thu nhập.
Về thời gian, địa điểm làm việc là tự do, mình thích làm ở đâu cũng dc, cốt là có ý tưởng (viết extension, và đảm bảo việc support khách hàng, nên mình thì làm khi thì Sài Gòn, Cần Thơ, Bình Phước, Bảo Lộc.. khi thì Nha Trang, Đà nẵng, Hà Nội (mình đi nhà anh em, bà con chơi mỗi nơi 10 ngày, nửa tháng) nói chung cuộc sống khá thú vị, dễ chịu.
Chúc anh em làm CNTT tìm dc hướng đi và hài lòng với nghề nghiệp đã chọn.
(À, mình có 1 ý tưởng good về ứng dụng Android, ai quan tâm thì call: 090 990 1088, mình tên Ý nhé).

tinhphong  41

mình thấy bạn nghĩ sao đơn giản quá, sự thú vị của bạn chẳng qua là may mắn ở hiện tại và giống như mỳ ăn liền còn xét về mặt lâu dài thì nó chẳng là gì. Bạn suy nghĩ cái gọi là Máy tính, hay CNTT nó đơn giản thế thôi sao. Như vậy thì người ta chẳng mở lớp, mở trường, chẳng phải thi đại học và bỏ ra 4-5 năm để đi học làm gì. viết vài cái app hay extension gì đó thì nó chỉ là nghiệp dư thôi, chắc đối với bạn CNTT chỉ có vậy thôi. Tôi nghĩ ai cũng được như vậy thì cuộc đời này quá đẹp rồi, CNTT được gọi là những ngành nhàn rỗi nhất và thú vị nhất chứ ko như người trong nghề mới hiểu được CNTT là cái nghề bạc bẽo, hại não và mệt mỏi nhất đâu.

Thật đấy  45

Ko bạn à...

Sao bạn bít mình nghĩ đơn giản CNTT chỉ có vậy, mình chỉ nói sơ về cách mình sống được với CNTT, còn mì ăn liền hay lâu dài, nghiệp dư hay chuyên nghiệp người trong cuộc mới biết bạn à, không lẽ mọi chiến lược hay cách thức kinh doanh mình bla bla hết?
Học đại học 4,5 năm hay tự học cũng chẳng nói lên gì nhiều, ở VN đầy bạn học xong đi xin việc 4, 5 triệu còn khó hay đi cài win dạo, có mấy ai làm được điều gì to tát như mở cty công nghệ hay phần mềm, đi làm thuê thì cả đời cũng nhàng nhàng nhân viên văn phòng, IT sai vặt thôi...
CNTT đã thâm nhập vào mọi mặt của đời sống và là một nghề ko bao giờ chết, những người nhạy bén thì luôn tìm ra hướng đi cho mình thôi...
Thân!