Theo CMC Telecom, đến năm 2015, đơn vị này sẽ đứng trong top 2 các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tổng thế cho khách hàng và giữ vững vị trí trong top 4 trong lĩnh vực viễn thông với mục tiêu doanh thu khoảng 1.000 tỉ đồng.

Chủ động về hạ tầng để cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng

Ngay từ năm 2007, Công ty CMC đã sớm tham gia vào thị trường viễn thông Internet. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất khi đó là chính sách sở hữu hạ tầng thuộc nhà nước quản lí và đây cũng là lí do lịch sử của việc thành lập 2 công ty CMC Telecom và CMC TI. Năm 2011, Luật Viễn thông có hiệu lực và cho phép mọi thành phần tham gia thị trường viễn thông. Có thể nói đây chính là yếu tố bước ngoặt, tạo cơ hội để Công ty CMC quyết định thực hiện việc hợp nhất hai công ty này thành một cùng với các định hướng đầu tư mạnh mẽ nhất vào tháng 1/2013, khi công ty CMC vừa chính thức bước vào tuổi 20.

Vào giai đoạn khai sinh, CMC Telecom đã có tư tưởng khá mới, đó là “đứng trên vai những người khổng lồ” bằng cách sử dụng hạ tầng của những doanh nghiệp Internet có hạ tầng lớn để cung cấp dịch vụ chuyên biệt, cao cấp hơn cho khách hàng thông qua việc phân lớp khách hàng cho từng loại dịch vụ. “Đây vẫn là tư tưởng xuyên suốt được CMC Telecom áp dụng cho đến hiện tại và còn tiếp tục trong tương lai”, ông Ngô Trọng Hiếu - Phó Tổng giám đốc CMC Telecom chia sẻ.

Cũng theo ông Hiếu, chiến lược chung của CMC Telecom là chủ động hơn về mặt hạ tầng, đồng thời hướng tới cung cấp các dịch vụ tổng thể cao cấp cho khách hàng: từ hệ thống truyền dẫn bảo mật, Data Center, tích hợp dịch vụ phần mềm, dịch vụ quản trị bảo mật đánh giá hệ thống mạng, dịch vụ bảo hành, bảo trì thiết bị… thay vì chỉ cung cấp duy nhất đường truyền như các doanh nghiệp viễn thông khác

CMC Telecom đã có trên 50.000 thuê bao Internet FTTH và trên Truyền hình cáp

Tại Việt Nam, CMC được biết đến là một đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng rộng ứng dụng công nghệ GPON và đang thực hiện thành công mô hình hợp tác với các nhà khai thác truyền hình trả tiền để hiện thực hóa và phát triển mục tiêu hội tụ viễn thông - truyền hình.

Ông Hiếu cho biết, tháng 4/2010, CMC ra mắt dịch vụ Internet cáp quang (FTTH) nhắm đến khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến năm 2011, CMC Telecom mở hướng phát triển mới, đó là các hệ thống dịch vụ Internet trên truyền hình cáp. Thị trường đầu tiên của dịch vụ Internet trên truyền hình cáp của CMC Telecom nhắm đến là Đà Nẵng qua hơp tác với Công ty Truyền hình cáp Sông Thu. Sau 6 tháng thử nghiệm ở Đà Nẵng, CMC Telecom đã có được đánh giá đầy đủ về dịch vụ mới này, khắc phục những điểm yếu về công nghệ mà đơn vị trước gặp phải. Ông Hiếu khẳng định, so với ADSL, Internet trên truyền hình cáp có những ưu điểm hơn hẳn như tốc độ tải lên/tải xuống bằng nhau và tốc độ tối đa có thể lên đến 100 Mbps trên đường cáp đồng trục (trong khi ADSL tối đa chỉ lên đến hơn 10 Mbps). Cho đến nay, CMC Telecom đã có khoảng 17.000 khách hàng ở Đà Nẵng và vươn lên đứng vị trí thứ 2 về thị phần Internet cố định ở địa phương này. Trong khi một nhà mạng lớn khác ở Đà Nẵng chỉ có khoảng trên dưới 10.000 thuê bao ADSL sau 4 năm phát triển.

Sau thành công ở Đà Nẵng, CMC Telecom đã đẩy mạnh dịch vụ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sau kí kết với Đài Truyền hình cáp Hà Nội, Đài Truyền hình cáp Hải Phòng, HTVC (TP Hồ Chí Minh) đầu năm 2013, CMC Telecom kí hợp đồng với Đài Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) - đơn vị truyền hình cáp có thị phần lớn nhất hiện nay. Hiện tổng số thuê bao trên truyền hình cáp của CMC Telecom đạt khoảng 25.000 thuê bao sau 1,5 năm phát triển.

Đến năm 2015, sẽ có mặt tại 20 tỉnh, thành phố

Được biết, sau hợp nhất, vốn chủ sở hữu CMC Telecom đạt 250 tỉ và dự kiến lên thành 500 tỉ đồng vào 2015. Mục tiêu doanh thu tới 2015 của công ty là 1.000 tỉ đồng, có hạ tầng và dịch vụ tại 20 tỉnh, thành phố lớn.

Chia sẻ về định hướng đến năm 2015, ông Hiếu cho biết nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh, CMC Telecom đã và sẽ kết hợp đầu tư hệ thống cáp quang biển để mở rộng băng thông Quốc tế; Tiếp tục hoàn thiện & phát triển chuỗi sản phẩm dịch vụ từ Viễn thông cơ bản đến dịch vụ giá trị gia tăng. CMC Telecom vẫn chú trọng vào thế mạnh cung cấp giải pháp dịch vụ Internet tổng thế cho khách hàng lớn, đồng thời mở rộng tới những khách hàng vừa và nhỏ.

“Trong lĩnh vực viễn thông, Internet, chúng tôi đang nhìn thấy cơ hội các doanh nghiệp có nhu cầu lớn về các dịch vụ viễn thông, kết hợp với các dịch vụ khác như dịch vụ quản trị, cùng xu hướng thuê hạ tầng dịch vụ... CMC đang có đầy đủ các điều kiện quan trọng nhất như giấy phép và hạ tầng viễn thông cơ bản, năng lực cung cấp giải pháp và dịch vụ IT tổng quát, các data center ở 2 miền cùng đội ngũ chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực.”, ông Hiếu nhận định.

Mảng lớn thứ 2 của CMC là mảng dịch vụ Internet cho khách hàng cá nhân dựa trên mạng truyền hình cáp theo xu hướng hội tụ truyền hình, Internet, điện thoại cùng một số dịch vụ gia tăng. Đây cũng là thị trường mà CMC đánh giá rất tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức. Mục tiêu của CMC đến năm 2015 có mặt ở khoảng 20 tỉnh, thành phố lớn với khoảng 300.000 khách hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển thuê bao Internet của CMC sẽ tốt hơn nhiều nếu đơn vị này gia nhập thị trường sớm hơn khoảng 1 năm, khi thị trường FTTH vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia. Với vấn đề này, lãnh đạo CMC Telecom khẳng định, đúng là càng vào muộn thì lớp khách hàng nhắm đến sẽ càng ít do phần lớn người dùng đã thuộc về các “ông lớn”. Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2008, CMC đã gặp rất nhiều khó khăn về mặt giấy phép, quy định quản lí nhà nước để có thể thành lập được Công ty CMC TI với 51% sở hữu của nhà nước. Mặc dù vậy do vào muộn nên CMC luôn phải có sự cân nhắc tìm ra những hướng đi mới, tìm ra một số thị trường ngách mà các doanh nghiệp khác chưa “khai phá”. Chính vì vậy, nếu vào sớm 1 năm thị trường FTTH và khách hàng lớn của CMC có thể sẽ tốt hơn nhưng thị trường Internet trên mạng truyền hình cáp vẫn sẽ phải đến năm 2011 mới triển khai được vì phải đạt đến độ “chín muồi” về công nghệ.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)