QH điện tử sẽ nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu QH. Ảnh: Nguyên Vũ.

Kế hoạch đưa CNTT vào ứng dụng trong hoạt động của Quốc hội (QH) đang từng bước được thực hiện. Trong thời gian đầu, QH điện tử được thử nghiệm tại Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường. Sau đó, sẽ được nhân rộng ra các Ủy ban khác của QH. 

Phóng viên của VTC News đã có cuộc trao đổi với TS. Mai Anh, nguyên đại biểu QH khóa 11, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội xung quanh vấn đề này.

- Thưa TS. Mai Anh, từng là đại biểu QH và là một chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, ông đánh giá như thế nào về dự án QH điện tử?

- Việc đưa CNTT vào ứng dụng trong các hoạt động của Quốc hội là cần thiết. Việc làm này cũng phù hợp với tinh thần của Nghị định 64 về việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước do Chính phủ ban hành. 

Thực ra, Văn phòng QH đã triển khai ứng dụng CNTT rất sớm để nâng cao năng lực hoạt động và phục vụ các hoạt động của QH. Từ năm 2003, QH đã bàn đến việc xây dựng một đề án về QH điện tử. Do đó QH đã thành lập Ban chỉ đạo CNTT QH và đến năm 2005 đã có quyết định thành lập Ban soạn thảo dự án QH điện tử. Tuy nhiên việc triển khai chậm nên đến nay vẫn chưa có một văn bản đề án nào chính thức được trình lên để phê duyệt. 

- Theo ông, mục tiêu của đề án QH điện tử là gì và lợi ích mà nó mang lại như thế nào?

 - Đây là một câu hỏi quan trọng được đặt ra khi xây dụng đề án QH điện tử. Ứng dụng CNTT trong hoạt động của một tổ chức luôn mang lại những lợi ích nhất định. Điều quan trọng khi thiết kế, xây dựng một đề án Tin học hóa là phải xác định được mục tiêu và đề án sẽ đem lại những lợi ích cụ thể nào. 

Mục tiêu chung của đề án QH điện tử là nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu QH, của đoàn đại biểu QH và các cơ quan của QH; nâng cao mối liên kết giữa QH, đại biểu QH và cử tri. Và đối tượng thụ hưởng đề án này cũng là đại biểu QH, đoàn đại biểu QH, các cơ quan của QH và cử tri cả nước. 

Thực tế QH và đại biểu QH của ta hoạt động chủ yếu trong hai kỳ họp mỗi năm. Chúng ta có đại biểu chuyên trách, có đại biểu kiêm nhiệm. Đại biểu kiêm nhiệm do hạn chế về địa lý, về thời gian nên hoạt động QH của các đại biểu này chủ yếu tại các kỳ họp. 

Từ thực tế này, mục tiêu cụ thể của QH điện tử là làm sao cho mỗi đại biểu có điều kiện để hoạt động cả năm, thậm chí mọi thời gian trong ngày, trong tuần; làm sao giảm dần sự cách biệt về hoạt động giữa đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm qua việc kết nối mạng. 

Bằng ứng dụng CNTT trong hoạt động, các đại biểu có thể trao đổi, hoạt động thường xuyên trên mạng giữa hai kỳ họp. Việc kết nối mạng giũa các cơ quan QH, đoàn đại biểu QH và các đại biểu QH cùng với các công cụ thông tin của QH được hỗ trợ bởi CNTT&TT còn làm tăng mối quan hệ giữa QH, đại biểu QH với cử tri. Làm cho mối quan hệ này được thường xuyên hơn, không chỉ hạn chế trong việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. 

Một lợi ích nữa có thể nhìn thấy rõ là nếu sử dụng mạng internet mà có quy chế hoạt động trên mạng, các vấn đề được giải quyết trong mỗi kỳ họp trước đây sẽ được bàn thảo, góp ý, thống nhất trước kỳ họp qua mạng, do dó sẽ làm giảm được thời gian họp của mỗi kỳ họp, giảm được đáng kể lượng tài liệu khá lớn hàng chục cân giấy trong một nhiệm kỳ mà ta vẫn phải in, phải gửi cho các đại biểu. 

Ảnh
TS. Mai Anh, nguyên đại biểu QH khóa 11, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh.

  - Có những đại biểu QH trước đó ít sử dụng máy tính thì có “ngại” khi QH điện tử trở thành hiện thực không, thưa ông? 

- Vấn đề đó không quan trọng mà quan trọng là chủ trương có quyết tâm làm hay không. Đại biểu QH có người thạo CNTT, có người không thạo nhưng nếu chúng ta có chủ trương xây dựng hệ thống công cụ CNTT hỗ trợ hoạt động của QH thì chúng ta có thể đào tạo. Ngay ở những nước châu Âu phát triển, nghị sĩ mới vẫn được QH tổ chức đào tạo miễn phí về CNTT trong 2 tuần nếu có nhu cầu. 

Khi QH điện tử đi vào hoạt động, ngoài trang bị kiến thức, công cụ thì cần có quy định rõ ràng về việc sử dụng hệ thống mạng CNTT của QH trong quy chế hoạt động của đại biểu. 

- Thưa TS, vậy việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của QH có diễn ra dễ dàng không?

- Bất cứ ứng dụng CNTT nào hỗ trợ hoạt động, điều hành của một tổ chức đều có khó khăn. Tuy nhiên, để đưa CNTT vào QH lại thuận lợi hơn so với các hoạt động ứng dụng CNTT khác như thương mại điện tử, chính phủ điện tử… Vì khi chúng ta ứng dụng CNTT trong 1 tổ chức, có 2 vấn đề mấu chốt. 

Thứ nhất là quy chế công tác và nội dung thông tin trên mạng. Quy chế hoạt động của QH đã rất rõ ràng với quy chế hoạt động của đại biểu, của các đoàn đại biểu, rồi nội quy, quy trình của các kỳ họp, quy trình làm luật đã được luật hóa, nội dung các kỳ họp đều rất rõ ràng. Các chức năng lớn của QH như làm luật, giám sát, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước,… đều có nội dung rất cụ thể do vậy việc triển khai đề án QH điện tử theo tôi có thuận lợi hơn. 

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, dù có thuận lợi như vậy, một dự án tin học hóa hoạt động của một tổ chức chỉ có thể thành công nếu người đứng đầu tổ chức có quyết tâm, và thể hiện quyết tâm ấy bằng các văn bản pháp quy để đảm bảo cho hệ thống có thể hoạt động.

- Thưa ông, bước đầu cần ứng dụng CNTT trong hoạt động nào của QH? 

- Trên thế giới, nhiều nước đã có QH điện tử, nhưng ở mỗi nước mỗi khác. Có nước tập trung vào thư viện điện tử để cung cấp thông tin cho nghị sĩ. Vì mỗi nghị sĩ có trang web riêng, thường xuyên tiếp xúc cử tri qua mạng rồi. 

Nhưng theo quan điểm của tôi, QH điện tử của Việt Nam bước đầu cần tập trung hình thành hạ tầng mạng CNTT&TT của QH có kết nối với đại biểu QH, các cơ quan QH, đoàn đại biểu QH; Hình thành hệ thống thông tin tốt phục vụ cho hoạt động của QH, đại biểu QH; hoàn thiện hệ thống CNTT&TT phục vụ phòng họp trong các kỳ họp và bổ sung quy chế hoạt động của đại biểu QH cùng các nội dung liên quan đến hoạt động trên môi trường mạng. 

- Xin cảm ơn TS!

Theo VTCnews 



Bình luận

  • TTCN (0)