Apple là “ông lớn” công nghệ tiếp theo thừa nhận cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Mỹ.

Sau Google, Microsoft và Facebook, đến lượt một “ông lớn” công nghệ khác là Apple thừa nhận cung cấp thông tin cho chính phủ Mỹ, tuy nhiên hãng này khẳng định các thông tin trên iMessage, FaceTime, chi tiết địa điểm và các yêu cầu trên “trợ lí ảo” Siri vẫn được giữ bí mật.

Mới đây Apple đã lên tiếng xác nhận hãng hãng đã nhận được trung bình từ 4 đến 5 ngàn yêu cầu giám sát từ chính phủ Mỹ về các người dùng của Apple kể từ tháng 12/2012 cho đến hết tháng 5/2013.

“Từ 1/12/2012 đến 31/5/2013, Apple đã nhận được khoảng 4.000 đến 5.000 yêu cầu từ các nhà thực thi pháp luật tại Mỹ về thông tin khách hàng”, Apple cho biết trong một thông báo vừa được phát hành ngày hôm nay. “Trong số 9.000 đến 10.000 tài khoản và các thiết bị được xác định trong những yêu cầu được gửi đến từ chính phủ có liên quan đến các vụ điều tra hình sự và các vấn đề an ninh quốc gia”.

Apple cho biết những yêu cầu chủ yếu đều từ cảnh sát nhằm mục đích điều tra tội phạm, tìm kiếm trẻ em bị mất tích, định vị bệnh nhân bị mắc chứng Alzheimer bị đi lạc hoặc cố gắng để ngăn ngừa các vụ tự sát…

Apple nhấn mạnh rằng hãng đã đánh giá kĩ càng các yêu cầu và chỉ cung cấp thông tin khách hàng khi có lệnh của chính phủ và tòa án.

“Bất kể mọi trường hợp, đội ngũ luật sư của chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc đánh giá kĩ càng từng yêu cầu, và nếu thích hợp, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin cần thiết và chính xác nhất cho các cơ quan chính phủ”, Apple cho biết. “Trên thực tế, khi chúng tôi nhận thấy những mâu thuẫn hoặc những yêu cầu không chính xác, chúng tôi từ chối cung cấp thông tin”.

Bên cạnh đó Apple khẳng định rằng không cho phép bất kì ai hay chính phủ nào có quyền truy cập trực tiếp vào máy chủ của hãng để lấy các thông tin mà họ muốn, mà chỉ cung cấp thông tin theo yêu cầu.

Apple cũng cho biết một số loại dữ liệu và thông tin của khách hàng không bao giờ được bàn giao bởi lẽ hãng không lưu trữ những dạng dữ liệu này.

“Chẳng hạn những cuộc hội thoại thực hiện qua iMessage hay FaceTime được bởi vệ bởi chế độ mã hóa nên không ai, ngoại trừ người gửi và người nhận, có thể nhận được hay xem được chúng. Apple không thể giải mã những dữ liệu này. Tương tự, chúng tôi không lưu trữ các thông tin liên quan đến vị trí của người dùng, tìm kiếm bản đồ hay những yêu cầu của người dùng đối với Siri”, Apple cho biết.

Trước đó vào năm 2011, Apple từng “dính” một vụ bê bối khi bị cáo buộc bí mật thu thập thông tin về vị trí hiện tại của người dùng, tuy nhiên sau đó Apple đã phủ nhận điều này và cho rằng đó chỉ là một lỗi về lập trình trên nền tảng iOS.

Động thái thừa nhận cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Mỹ của Apple được thực hiện sau khi Google, Microsoft và Facebook đã tiên phong thừa nhận hành động tương tự vào hồi tuần trước.

Trước đó, Google là hãng tiên phong trong việc thừa nhận có cung cấp thông tin của người dùng cho chính phủ Mỹ. Hồi thứ 6, Facebook cũng đã thừa nhận động thái tương tự khi cho biết mình đã nhận được khoảng 9.000 đến 10.000 yêu cầu cung cấp thông tin người dùng trong trong nửa năm 2012, liên quan đến 18.000-19.000 tài khoản người dùng.

Microsoft sau đó cũng cho biết hãng đã nhận được 6.000-7.000 yêu cầu tương tự trong nửa năm 2012, liên quan đến 31.000-32.000 tài khoản khách hàng.

Theo Dân Trí

 



Bình luận

  • TTCN (0)