Ông Nguyễn Bá Thước, Phó tổng giám đốc VNPT

Phóng vệ tinh thất bại là điều hoàn toàn có thể xảy ra đối với công nghệ. Chính vì vậy VNPT cũng đã có một "kịch bản 2" nếu điều không may xảy ra. Ông Nguyễn Bá Thước, Phó Tổng giám đốc VNPT tiết lộ về "kịch bản 2" của sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-1.

Sáng nay vào thời điểm phóng vệ tinh, cảm giác của ông như thế nào? Ông có chuẩn bị cho mình một trạng thái tinh thần nếu chuyện xấu nhất xẩy ra là phóng không thành công?

Từ khi chính thức công bố thời điểm phóng VINASAT-1, toàn VNPT và toàn ngành bưu chính viễn thông đều rất hồi hộp. Trước đây chúng ta chỉ thuê kênh vệ tinh và khai thác. Còn lần này chúng ta quản lý, điều khiển, khai thác một quả vệ tinh của mình. Hơn nữa, đây là quả vệ tinh viễn thông đầu tiên của đất nước. Chính vì vậy, cảm giác hồi hộp lẫn lo lắng đều có trước thời điểm phóng vệ tinh. Và tất nhiên, chúng tôi cũng nghĩ đến trường hợp không may, là phóng không thành công. Đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra đối với công nghệ cao. Nhưng mọi việc đã diễn ra rất tốt đẹp. Sự chuẩn bị kỹ càng của nhà sản xuất, nhà tư vấn, nhà cung cấp dịch vụ phóng, rồi sự nỗ lực của phía chúng ta... nên tất cả đã thành công. Bây giờ thì tôi có cảm giác rất vui, bởi đây là một mốc rất quan trọng trong lịch sử phát triển đất nước nói chung, và ngành viễn thông nói riêng.

Giả sử vệ tinh VINASAT-1 gặp sự cố hôm nay, việc đầu tiên ông sẽ làm là gì?

Đầu tiên là chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin ấy một cách đầy đủ và chính xác nhất, sau đó báo cáo lên Ban Chỉ đạo quốc gia Dự án VINASAT và những cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên chúng tôi cũng cần nói rõ là dù sự cố xẩy ra, thì chúng ta cũng cần bình tĩnh và một mức độ nào đó là yên tâm bởi trước đây mọi trách nhiệm bảo hiểm về vụ phóng vệ tinh VINASAT-1 đã được VNPT chuẩn bị kỹ càng. Đó là sự hợp tác giữa nhà bảo hiểm gốc, nhà môi giới bảo hiểm và 15 nhà tái bảo hiểm trên toàn thế giới. VNPT đã lường đến sự kiện này, và rất vui là nó đã không xẩy ra.

Hiện nay đang có một số đối tác muốn thuê lại quỹ đạo vệ tinh của Việt Nam. Trong trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý, như vậy VINASAT-1 sẽ phải cạnh tranh. Rất có thể sẽ có một doanh nghiệp viễn thông Việt Nam khác tham gia vào lĩnh vực vệ tinh trong thời gian tới. VNPT đã sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh này?

VNPT là một tập đoàn kinh tế kỹ thuật của Nhà nước và được giao thực hiện dự án VINASAT vì lúc đó VNPT hội đủ các điều kiện hơn doanh nghiệp khác. Còn bây giờ, khi đã bước vào một nền kinh tế thị trường, chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh, nhằm đem lại những lợi ích tốt hơn cho xã hội mà trực tiếp là những khách hàng của chúng ta.

Có ý kiến cho rằng dịch vụ của VINASAT là một dịch vụ sinh lãi bởi bằng chứng có những đối tác muốn tham gia vào thuê quỹ đạo vệ tinh của Việt Nam. Ông có đồng ý với quan điểm đó không?

Đó là điều đương nhiên rồi. Nó là dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, hoàn thiện các phương án truyền dẫn. Và chắc chắn nó sinh lãi, khi chúng ta khai thác, kinh doanh nó. Tuy nhiên điều đó như thế nào, thì còn phụ thuộc vào khả năng tiết kiệm chi phí, kỹ năng điều hành và sức thu hút khách hàng của chúng ta...

VNPT đã đề nghị một số chính sách ưu đãi cho VINASAT-1. Vậy đến thời điểm này, chính sách đã được duyệt hay chưa?

Phương án kinh doanh đã được VNPT trình lên Ban chỉ đạo Quốc gia Dự án VINASAT. Trong đó, VNPT xin ưu đãi trong 10 năm không phải nộp phí tần số. Ngoài ra, nhà nước sẽ thành lập quỹ hỗ trợ cho khách hàng khi chuyển đổi thiết bị đầu cuối từ hệ thống vệ tinh đang sử dụng, sang thuê và dùng kênh của VINASAT-1. Việc phục vụ công ích những dịch vụ viễn thông cơ bản cũng sẽ được hưởng sự hỗ trợ từ Quỹ viễn thông công ích của Nhà nước. Với những ưu đãi này, cùng với kinh nghiệm của VNPT, chắc chắn khách hàng ngày càng được hưởng những dịch vụ đầy đủ và giá cả phù hợp nhất.

Một số khách hàng đang sử dụng vệ tinh của các nhà khai thác khác, khi chuyển sang sử dụng vệ tinh VINASAT - 1 sẽ phải thay thiết bị, vậy sẽ phải mất chi phí bao nhiêu?

VNPT sẽ có phương án cụ thể với từng khách hàng. Nhưng tôi cho rằng, sự chuyển đổi này không phức tạp lắm bởi không có sự khác biệt lớn và các thiết bị đầu cuối giữa các hệ thống vệ tinh. Trong công nghiệp viễn thông, cụ thể ở đây là giữa các hệ thống vệ tinh viễn thông nhìn chung là có sự đồng nhất cao. Và đây là điều mà VNPT đã tính đến và có phương án khai thác kinh doanh cụ thể.

Có nguồn tin cho rằng VNPT đang rục rịch chuẩn bị kế hoạch cho một dự án VINASAT-2?

Việc phóng vệ tinh thuộc chương trình quốc gia, bản thân VNPT không thể tự làm. Đương nhiên chúng ta phải nhìn và chuẩn bị cho tương lai. Một số nước xung quanh chúng ta đã có 5 đến 7 vệ tinh để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước họ. Với vị thế đất nước mình, với sự phát triển kinh tế ngày càng năng động và sâu rộng hơn trên thế giới, việc chúng ta có thêm VINASAT-2 trong tương lai là điều hoàn toàn dễ hiểu. VINASAT-1 chúng ta đã chuẩn bị trong gần 13 năm. Có thể VINASAT-2 chỉ chuẩn bị trong vòng 7-8 năm. Rồi những cái tiếp theo nữa và điều đó tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, kỹ năng quản lý và khai thác... Đó là điều tôi bản thân tôi nhìn nhận và hy vọng là sẽ thành hiện thực.

Cảm ơn ông!

(theo ICTnews)

Chuyện không dám kể trước khi phóng VINASAT-1

Trái với suy nghĩ của nhiều người cho rằng tên lửa Ariane5-ECA có một nút bấm để khai hoả tên lửa đẩy, toàn bộ quá trình phóng đều được thực hiện bằng máy tính. Tuy nhiên, vẫn có một nút bấm khác, được sử dụng vào một mục đích mà chỉ đến khi VINASAT-1 đã được phóng thành công, PV VietNamNet mới dám tiết lộ. 

Một ngày sau, khi gặp lại PV VietNamNet, ông Mario tiết lộ: "Thực ra chúng tôi vẫn có một nút bấm khi tiến hành phóng tên lửa. Tuy nhiên, nó chỉ được sử dụng để biến tên lửa Ariane5 thành một... quả pháo hoa khổng lồ mà thôi."

Thực tế, đó là nút bấm duy nhất được sử dụng để phá huỷ quả tên lửa Ariane5 trong trường hợp nó bay ra ngoài phạm vi qũy đạo bay cho phép. Trong mỗi hành trình phóng tên lửa, một quỹ đạo chuẩn đã được xác định sẵn, với 2 đường biên độ cộng trừ cho phép để đảm bảo tên lửa vẫn phóng thành công theo kế hoạch.

Khi vượt ra ngoài 2 đường biên này, độ chính xác sẽ không đảm bảo và quỹ đạo của Ariane5 có thể sẽ gây nguy hiểm. Và đó chính là lúc nút bấm duy nhất bắt buộc phải sử dụng để phá huỷ quả tên lửa ngay khi đang bay.

Đã có vài lần nút bấm này phải được sử dụng, và lần gần đây nhất là vào năm 2002, với lần phóng đầu tiên của phiên bản Ariane5 ECA. Toàn bộ quả tên lửa bị phá huỷ trên không trung chỉ 3 phút sau khi cất cánh. Theo lời kể của anh Nghĩa, một Việt kiều hiện đang sinh sống tại Kourou, nơi có Trung tâm vũ trụ châu Âu, vụ nổ đó đã tạo nên một cảnh tượng không khác gì một quả pháo hoa nổ tung trên bầu trời.

(theo VNN) 




Bình luận

  • TTCN (0)