Càng ngày người dùng càng chứng kiến sự ra đời và cũ đi nhanh đến chóng mặt của smartphone. Nhưng dù thế nào thì các hãng vẫn phải nhanh chóng cho ra đời sản phẩm mới, vì cuộc đua thị phần giống như khi đã cưỡi lên lưng hổ.

Những cuộc "đổ bộ" ồ ạt

Ngoại trừ Apple vẫn giữ thông lệ mỗi năm cho ra đời một iPhone mới thì hầu hết các hãng khác đều tung ra nhiều smartphone trong một năm. Và nếu như không phải là một người thường xuyên quan tâm đến các sản mới, bạn sẽ thấy cả một ma trận điện thoại thông minh ngập thị trường.

Điểm mặt các ông lớn trên thị trường như Samsung, LG, Nokia, HTC, Sony, Motorola gần đây đều cấp tập tung ra hàng loạt sản phẩm mới. Samsung được cho là đang ra quân với số lượng ồ ạt nhất từ trước đến nay. Mới đây nhất là đội quân Galaxy S4 hùng hậu với cả loạt smartphone ăn theo tên gọi S4.

Trong khi đó, LG cũng không chịu kém cạnh với Series L và G. Nokia tranh thủ dòng Lumia đang tăng doanh số, Sony với họ Xperia, HTC với One và Butterfly. Motorola sau một thời gian im hơi lặng tiếng sau khi về tay Google cũng vừa cho ra mắt cả loạt Droid trước sự kiện ra mắt Moto X. Blackberry sau khi tung ra các mẫu máy Z và Q thì sắp tới có thể còn có thêm loạt A-Series, R-Series và M-Series,...

Tại các cửa hàng bán lẻ, nhiều smartphone mà khách hàng chưa kịp biết đến đã trở thành "đồ cổ", nhiều "bom tấn" vừa ra mắt chưa được vài tuần đã trở thành "bom xịt", bị hạ giá thê thảm và nhanh chóng bị lãng quên. Dù vậy, người dùng sẽ còn được chứng kiến nhiều smartphone mới nữa trong mùa thu tới hoặc muộn nhất là dịp mua sắm cuối năm. Cuộc đua sẽ còn tiếp diễn...

Ảnh
Chỉ một tháng sau khi ra đời, HTC First chỉ còn có giá 1 USD (khi đi kèm hợp đồng)

Nhà sản xuất nếm trái đắng

Nhiều hãng sản xuất smartphone phải gắng gượng hết sức để tung ra sản phẩm mới trong tình cảnh cận kề bên bờ vực phá sản.

Sự hậu thuẫn từ phía người dùng cũng là một lí do chính đáng để các hãng cần phải có các sản phẩm mới. Số người dùng smartphone ngày càng tăng cao, ngay cả khi nền kinh tế được cho là đang suy thoái. Smartphone giờ đây cũng không còn ranh giới rõ ràng với các điện thoại phổ thông nếu xét về giá thành nên số smartphone vượt điện thoại phổ thông sẽ diễn ra nhanh chóng với khoảng cách ngày càng được nới rộng hơn. Q2/2013 đã chứng kiến sự vượt lên mạnh mẽ của smartphone thì điện thoại phổ thông giảm đến 20% số lượng bán ra so với cùng kì năm trước.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh giành giật thị phần mới thực sự là áp lực khiến các hãng phải tung ra các dòng smartphone mới cả về kiểu dáng lẫn sức mạnh và các ứng dụng.

Ảnh
Apple vẫn duy trì được sức nóng mỗi lần ra sản phẩm iPhone mới

Không phải hãng điện thoại nào cũng làm được cái điều mỗi năm chỉ ra một smartphone mới mà vẫn nắm giữ doanh số ngất ngưởng như Apple. Cuộc rượt đuổi của các hãng điện thoại khác buộc phải đánh vào số lượng, tung ra nhiều sản phẩm để có được thị phần và doanh thu đủ sức cho các chặng tiếp theo của cuộc đua, nếu không muốn chỉ một khoảng thời gian ngắn sau đó, tên của mình sẽ biến mất trên bản đồ thị phần smartphone toàn cầu.

Bài học thấm thía với Nokia khi để mất ngôi vương nhanh chóng khi quá chậm đổi mới và ngủ quên trên chiến thắng. Dù gần đây dòng máy Lumia đã có doanh số tốt hơn nhưng nguy cơ phải bán mình của Nokia vẫn cận kề.

RIM từng là hãng công nghệ đi tiên phong trên thị trường smartphone với sản phẩm di động BlackBerry nhưng kết quả tài chính Q2/2013, dù số lượng điện thoại bán ra tăng nhưng vẫn lỗ tới 84 triệu USD.

Motorola cũng là một thương hiệu đình đám tại Mỹ, nhưng cũng đã phải bán mảng Motorola Mobility chuyên phát triển và sản xuất di động cho Google hồi tháng 5/2012.

Ngay cả Sony và HTC cũng đang trong tình cảnh khốn khó. Tính đến Q1/2013, HTC đã sụt giảm đến 98% lợi nhuận so với cùng kì năm trước, một kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử 16 năm kinh doanh của công ty. Đầu năm nay, Sony cũng phải bán cả tòa nhà trụ sở chính tại New York để bù lỗ.

Đằng sau những chiếc smartphone hào nhoáng và những khoản lợi nhuận có thể đưa các công ty trở thành những gã khổng lồ, cũng không ít những trái đắng, thậm chí buộc họ phải dừng cuộc chơi.

Người dùng cũng dễ sập bẫy

Khi một smartphone mới ra đời, nhà sản xuất sẽ đưa ra những yếu tố mới, những tiện ích đáng để người dùng phải móc hầu bao. Tuy nhiên, nếu bị ám ảnh với cuộc chơi chạy đua theo công nghệ, người dùng dễ bị sập bẫy.

Ảnh
Các tín đồ của Apple xếp hàng dài mỗi lần iPhone mới lên kệ

Nhiều hãng điện thoại khi ra đời smartphone mới chỉ cần tập trung vào một vài tính năng thời thượng. Đơn cử như việc các dòng smartphone Android nổi tiếng với việc nâng cấp sức mạnh vi xử lí, thậm chí nó trở thành tiêu chí của cuộc chạy đua khi các hãng muốn ra một sản phẩm mới. Tuy nhiên, với hầu hết người dùng, việc xác định sức mạnh vi xử lí của sản phẩm mới là rất mơ hồ.

Vì thế, sẽ có nhiều cải tiến trên smartphone, nhiều ứng dụng mới được tích hợp mà hoặc là người dùng chẳng bao giờ đụng tới hoặc nó chẳng được như những gì mà các hãng hứa hẹn.

Nhưng nếu đã bị cuốn vào cuộc chơi và mất kiểm soát, người dùng sẽ dễ dàng bị móc hầu bao mà không hề hay biết.

Theo Vietnamnet




Bình luận

  • TTCN (0)