Chi phí thiết bị cao và nhận thức chưa tốt của người dùng là những nguyên nhân chính dẫn đến việc công nghệ LTE chưa thể đặt chân đến các nước đang phát triển.

Năm 2012, 63% các nhà mạng tại khu vực châu Á đều đã hoặc đang triển khai dịch vụ dữ liệu di động 4G. Điều này đồng nghĩa với việc, mobile Internet đặc biệt là LTE đang thu hút sự quan tâm lớn nhất từ các nhà mạng. Tuy nhiên, “đang” triển khai không có nghĩa là người dùng châu Á sẽ sớm được phổ cập kết nối 4G. Trên thực tế, ngoại trừ các nước đã phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, tốc độ phổ cập 4G tại châu Á đang hết sức chậm chạp.

Với khoảng gần 34,6 triệu thuê bao LTE tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên tổng số 3,45 tỉ thuê bao, 4G vẫn là ước mơ xa vời tại nhiều thị trường?

Chưa đủ điều kiện

Leslie Shannon - Giám đốc chiến lược marketing về các giải pháp LTE của Nokia Solution & Networks (NSN) cho biết, nhận thức người dùng là một vấn đề quan trọng. Tại các thị trường đang phát triển, không nhiều người biết và quan tâm đến LTE. Đối với phần lớn những người dùng di động nói trên, họ không quan tâm mình đang dùng LTE hay không. Đối với họ 3G, thậm chí 2G đều sử dụng được. Do đó, cho đến khi người dùng chưa nhận thức được sự khác biệt của LTE, chưa thể triển khai 4G tại các thị trường đó được.

Bắt đầu có những thay đổi

Có một điểm cần chú ý là một lượng lớn người dùng tại châu Á dùng thiết bị di động để xem video. Đây chính là tiền đề để triển khai mạng LTE bởi LTE cho tốc độ tải dữ liệu nhanh gấp nhiều lần so với tốc độ tối đa ở mức 7.2 Mbps của 3G.

Tuy nhiên, giá thành quá cao của các thiết bị tích hợp LTE cũng là một rào cản lớn, đặc biệt là tại các thị trường châu Á, nơi Samsung hay Apple đều bị sụt giảm doanh số do sự xâm chiếm của các mẫu điện thoại giá rẻ. Bà Leslie cho biết, những thay đổi tích cực sẽ diễn ra khi thiết bị tích hợp LTE có giá thành rẻ hơn.

Giải pháp thay thế

Trong khi chờ đợi các thiết bị LTE có giá rẻ hơn, người dùng có thể chọn cách khác để tận dụng lợi thế về tốc độ của nó. Các thiết bị dạng Mi-Fi có thể là một cách giúp sử dụng LTE mà không cần phải mua một chiếc điện thoại LTE.

Mi-Fi – thiết bị có thể biến sóng 4G thành một mạng Wi-Fi cá nhân có chi phí chỉ khoảng 50 – 90 USD. Bằng cách sử dụng một thiết bị Mi-Fi, cùng với một SIM 4G, người dùng có thể bỏ qua một chiếc smartphone có tích hợp 4G.

Di động chính là xu hướng lớn nhất của làng công nghệ hiện tại. Tại một số nước đang phát triển, người ta thậm chí còn bỏ qua kỉ nguyên PC để tiến thẳng lên di động.

Mặc dù có nhiều rào cản, lượng thuê bao LTE tại châu Á có thể đạt mức 72,1 triệu. Con số này có thể tăng cao hơn nữa khi nhà mạng China Mobile của Trung Quốc khẳng định, họ sẽ phủ sóng toàn quốc mạng 4G vào cuối năm. Ngoài ra, nếu các smartphone tích hợp 4G có giá bán rẻ hơn, tốc độ phủ sóng 4G LTE có thể sẽ tăng gấp nhiều lần tại châu Á.

Theo Zing




Bình luận

  • TTCN (0)