Game online nở rộ trong thời gian tới cũng làm tăng nguy cơ lừa đảo trực tuyến

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Internet ở Việt Nam, khiến cho lừa đảo trực tuyến cũng ngày càng gia tăng và nhiều hình thức rất đa dạng.

Xảy ra nhiều nhưng ít đề phòng

Theo khảo sát mới đây mà Kaspersky Lab thực hiện và công bố trong thời gian vừa qua, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tỉ lệ gia tăng lừa đảo trực tuyến cao nhất và người dùng cũng được xếp vào đối tượng bị tấn công thường xuyên từ hình thức này. Hãng bảo mật này cũng cho biết, mục tiêu các tin tặc tấn công và lừa đảo trực tuyến chủ yếu là dịch vụ của Yahoo!, Google, Facebook và Amazon khi nó được dùng tấn công lừa đảo người dùng thường xuyên nhất.

Mặc dù được các hãng bảo mật trong nước lẫn ngoài nước cảnh báo, nhưng có một điều thực tế người Việt vẫn không chú ý đề phòng mà vẫn liên tục bị các tin tặc tiến hành lừa đảo.

Chẳng hạn, một trong những hình thức lừa đảo trực tuyến đơn giản đang xảy ra với Yahoo! và mạng xã hội Facebook hiện nay, hacker chiếm tài khoản người dùng, xong chat với những người có trong danh sách bạn của họ cùng áp dụng một cách thức rất đơn giản, nhờ mua thẻ cào điện thoại di động. Thế nhưng, rất nhiều người vẫn bị lừa bởi thủ đoạn quen thuộc này và mới đây vào tháng 6/2013, công an Thừa Thiên Huế, đã bắt một nhóm chuyên hack nick Yahoo! để tiến hành hình thức lừa đảo ở trên với số tiền lên đến hàng tỉ đồng.

Nhiều chuyên gia bảo mật chia sẻ, người Việt Nam rất ít đề phòng các nguy cơ lừa đảo trực tuyến, đặc biệt trên các cộng đồng lớn như mạng xã hội và Facebook là một điển hình. Công ty an ninh mạng Bkav cũng nhiều lần đưa ra cảnh báo về sự gia tăng các hình thức lừa đảo trên phương tiện này, nhưng rất nhiều người vẫn luôn sẵn sàng nhấp vào các đường link mà hacker chia sẻ để tiến hành “bẫy” họ trên đó, khiến cho tài khoản và thông tin cá nhân liên tục bị đánh cắp.

Bên cạnh đó, hình thức lừa đảo trực tuyến trong thời gian qua còn nở rộng ở các diễn đàn, trang web liên quan đến thương mại điện tử. Những hình thức lừa đảo phổ biến trong lĩnh vực này chủ yếu là bán hàng “nhái”, hàng kém chất lượng, hoặc lập ra những website “ma” lừa người dùng mua hàng nhưng thực tế món hàng đó không có thật…Các phương tiện truyền thông cũng đã nhiều lần phản ánh, nhưng có vẻ như tất cả đều được bỏ ngoài tai.

Sẽ nở rộ trên nhiều lĩnh vực

Bên cạnh những lĩnh vực trên, theo các chuyên gia về bảo mật, lừa đảo trực tuyến sắp tới sẽ nở rộ trên nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là trên điện thoại di động và trò chơi trực tuyến.

Theo ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc công ty Nam Trường Sơn (NTS Security), đơn vị độc quyền phân phối Kaspersky ở Việt Nam, người dùng di động hiện tại đang đối mặt với rất nhiều nguy hiểm và sẽ gia tăng trong thời gian tới. Theo ông, xu hướng công nghệ đang chuyển qua thời kì hậu PC và xu hướng Mobility ngày càng tăng trưởng mạnh, người dùng ngày càng sử dụng smartphone nhiều hơn do mức giá ngày càng rẻ. Họ đăng nhập Yahoo!, đăng nhập mạng xã hội như Facebook, lướt web và thực hiện các giao dịch về thương mại điện tử ngay trên thiết bị này, khiến cho nó trở thành mồi ngon cho các hacker. Theo ông Vũ, hiện có tất nhiều mối nguy cơ bảo mật xảy ra với người dùng điện thoại di động và trong đó có lừa đảo trực tuyến.

Bên cạnh đó, việc Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ 1/09, trong đó việc game online được cấp phép trở lại, game online sẽ xuất hiện với số lượng lớn, cũng đang được xem là nguy cơ làm tăng lừa đảo trực tuyến trong thời gian tới.

Theo đại diện một nhà phát hành game cho biết, vấn đề lừa đảo trong game online thực tế đã xuất hiện khá nhiều trong thời gian qua, điển hình như công ty VNG đã từng phải nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp khi hàng loạt dịch vụ, website của công ty mình bị kẻ xấu giả mạo để lừa đảo người dùng.

Tuy nhiên, theo vị đại diện này, hình thức lừa đảo VNG mắc phải vẫn có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp được. Nhưng vấn đề phức tạp trong thời gian tới chính là lừa đảo trực tuyến diễn ra ngay trong game giữa người chơi với người chơi. Đặc biệt, ở Việt Nam vẫn chưa công nhận tài sản “ảo”, nên việc lừa đảo này rất khó có thể xử lí và thực tế cũng chẳng có văn bản luật nào quy định về vấn đề này.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)