Trong khuôn khổ hội thảo Hợp tác phát triển công nghệ thông tin và truyền thông vừa diễn ra tại TP Huế, vấn đề an ninh, an toàn thông tin trở thành vấn đề nóng trên bàn nghị sự.

Khi các hoạt động trong xã hội đều được điều khiển từ máy tính, hơn lúc nào hết an ninh, an toàn thông tin là vấn đề không chỉ giới chuyên môn mà cả Chính phủ các nước đặc biệt quan tâm.

Giới công nghệ thông tin (CNTT) và tất cả những ai quan tâm, sử dụng Internet hẳn vẫn chưa quên sự cố 3 tờ báo mạng Việt Nam là Vietnamnet, Dân trí và Tuổi trẻ bị vi rút tấn công hồi tháng 7/2013 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong gần 3 tuần. Dẫn tới việc, người sử dụng không thể truy cập vào các trang báo điện tử này.

Nếu những sự cố trên, hoặc tương tự xảy ra với các website của Chính phủ, các cơ quan Nhà nước… thì hậu quả sẽ như thế nào? Đó chỉ là một đơn cử về vô số các trường hợp máy tính bị các Hacker tấn công. Theo thống kê của BKAV, trong năm 2012 vẫn có tới 2203 website của các cơ quan doanh nghiệp tại Việt Nam bị tấn công, chủ yếu thông qua các lỗ hổng trên hệ thống mạng.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng, công ty BKAV cho biết: “Trong năm 2013, hàng tháng trung bình có khoảng 300 các website của các cơ quan doanh nghiệp bị hacker tấn công làm thay đổi giao diện, đăng các thông tin sai lệch và phá hoại hoạt động của website đó".

Thực tế trên đòi hỏi cần phải có giải pháp hữu hiệu hơn cho vấn đề an ninh, an toàn thông tin. Đặc biệt, những cuộc tấn công, phát tán phần mềm gián điệp vào các cơ quan, doanh nghiệp đang là hình thái mới của giới tội phạm mạng mang tính chất quốc gia.

Ông Nguyễn Minh Đức cho biết thêm: “Giải pháp đầu tiên là nhận thức của lãnh đạo và chủ trương đưa ra giải pháp về an toàn thông tin ngay từ khâu ban đầu, khi thiết kế hệ thống hạ tầng mạng cũng như trong các phần mềm. Chúng ta cần triển khai các giải pháp về phòng chống virus, các bức tường lửa để phát hiện tấn công, đảm bảo cho hệ thống mạng được an toàn”.

Trên tầm vĩ mô, Đảng và Nhà nước ta đã xác định CNTT là một trong những nền tảng quan trọng của phương thức phát triển mới. Bên cạnh đó, CNTT còn là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển, là nhân tố không thể thiếu để nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, năng suất lao động và chủ động hội nhập quốc tế. . .

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT-TT cho biết: “Phải nâng cao nhận thức đặc biệt trong cấp lãnh đạo, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi và có hiệu quả. Phát triển CNTT tập trung vào phần mềm và dịch vụ CNTT, đầu tư vào CNTT từ nhiều nguồn một cách có hiệu quả”.

Đó cũng là tinh thần chung của Dự thảo Nghị quyết của Bộ chính trị về CNTT đang được lấy ý kiến trước khi ban hành, nhằm tạo hành lang pháp lí cho phát triển CNTT. Đặc biệt, đảm bảo vấn đề an ninh, an toàn thông tin trong tình hình mới, khi các cuộc tấn công đang gia tăng và tính chất ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn.

Theo VTV




Bình luận

  • TTCN (0)