Việc thời gian gần đây xuất hiện chiêu trò lừa đảo mới bằng iPhone khiến nhiều người, đặc biệt là những ai ít am hiểu về công nghệ lo ngại, điển hình là trường hợp 2 vợ chồng cùng lúc bị lừa trong 1 ngày vừa qua tại Bình Dương.

Phân biệt “ngay từ cái nhìn đầu tiên”

Ảnh
iPhone giả thậm chí còn có cả lỗ móc dây

Trước kia, việc phân biệt iPhone thật và giả dễ dàng nhờ thiết kế của iPhone nhái có phần thô thì hiện nay, hàng giả nhìn bề ngoài cũng không khác hàng thật là mấy.

Khi cầm máy và chưa bật lên, trước tiên bạn hãy để ý toàn bộ vỏ máy xem thiết kế của máy có thô sơ, ọp ẹp hay khít khao không. Tiếp theo, hãy để ý tới phím Home của iPhone, nếu là đồ giả, phím này sẽ có thiết kế khá thô, lõm xuống và không khít với phần vỏ bên cạnh máy còn iPhone thật thì ngược lại, rất tinh tế. Tiếp theo, hãy lật mặt sau để kiểm tra, chú ý đến camera, nếu vòng viền to hơn, đó chính là iPhone giả.

Ảnh
Phím âm lượng giả (phía trên) và thật (phía dưới)

Tiếp đó, người mua phải thử gỡ nắp sau của máy, nếu gỡ được và tháo được pin, chắc chắn đó là iPhone giả. iPhone thật chỉ tháo được nắp sau khi mở 2 ốc vít phía đuôi máy và pin dính liền không tháo ra được. Tuy vậy, vẫn có một số iPhone "rởm" vẫn có thiết kế không tháo được như iPhone thật.

Bên cạnh đó, bạn phải kiểm tra một số yếu tố khác như thẻ nhớ ngoài, không có khay SIM, lỗ đeo dây, thậm chí cả bút kèm theo, nút âm lượng không có dấu “+” và “–“… iPhone thật không có những đặc điểm trên.

Ngoài ra, một số iPhone giả còn được trang bị 2 SIM 2 sóng cũng là điều dễ dàng nhận biết.

Bật màn hình để kiểm tra

Ảnh
Màn hình hàng giả (phía trái) và thật (phía phải)

Hầu hết các iPhone “dỏm” hiện nay đều chạy HĐH Android thay vì iOS, do đó khi nhìn vào, icon hiển thị trên màn hình khá lòe loẹt, sáng quá hoặc tối quá, không sắc nét và cảm ứng không nhạy.

Bạn nên để ý tới các icon, do chạy Android nên nó sẽ có icon CH Play thay vì App Store, hỗ trợ nghe đài FM radio (iPhone thật không hỗ trợ điều này). Khi chọn vào biểu tượng Safari, một trình duyệt khác hiện lên,…

Nếu bạn có am hiểu chút ít về smartphone, bạn có thể vào phần cài đặt và chọn xem thông tin điện thoại. Ở bảng này sẽ hiện ra đầy đủ thông số bao gồm HĐH, dung lượng bộ nhớ trong… và bạn sẽ dễ dàng nhận ra ngay.

Bạn cũng có thể bật camera máy lên để quay hoặc chụp thử, nếu cho hình ảnh chất lượng tốt, màu sắc và rõ nét thì đó là hàng thật. iPhone giả hiện nay chụp hình hầu như rất kém.

Dùng máy vi tính

Nếu bạn đang ngồi gần máy tính có kết nối mạng và cài iTunes (có thể nhờ những người thạo việc này kiểm tra giùm). Với iTunes, bạn có thể kết nối thiết bị với máy tính bằng dây cáp. Nếu kết nối thành công với iTunes thì bạn đã thành công 1 phần.

Việc tiếp theo là kiểm tra IMEI. Để lấy IMEI, bạn có thể bấm nhanh *#06# hoặc chọn Settings –> General –> About, nhập vào một số trang web kiểm tra IMEI (selfsolve.apple.com hay icloud.com là một ví dụ).

Ảnh
Số Seri của một iPhone 5 giả

Bạn cũng nên kiểm tra số Seri của máy có dạng AABCCDDDEEF trong đó AA là nhà máy sản xuất và ID máy, B là năm sản xuất (số đứng cuối mỗi năm), CC là tuần sản xuất, DDD là Unique Identifier, EE là màu sản phẩm và F là kích cỡ bộ nhớ.

Những cách khác

Trọng lượng máy cũng là điều nên lưu ý, máy thật là những máy có trọng lượng hơi nặng hơn so với máy giả.

Một yếu tố cũng hết sức quan trọng đó là giá cả. Hầu hết những trường hợp bị lừa đảo được ghi nhận đều “ham của rẻ” để rồi ôm hận khi bọn lừa đảo “chào hàng” với 1 cái giá không thể rẻ hơn, đồng thời vẽ nên 1 “bức tranh sống động” nhằm gây sự tin tưởng. Tuy nhiên, bạn nên tỉnh táo trong trường hợp này bởi không có 1 chiếc iPhone 5 nào lại có giá 3-5 triệu đồng cả, tương tự với dòng thấp hơn.

Cuối cùng, nếu bạn không am hiểu lắm về iPhone, hãy gọi điện hoặc nhờ 1 ai đó am hiểu kiểm tra giùm để tránh được những sự cố đáng tiếc xảy ra. Hoặc chắc chắn hơn, bạn có thể nói người bán đó cùng nhau đến một cửa hàng điện thoại gần nhất, nhờ một nhân viên kĩ thuật tại đó kiểm tra trước khi quyết định mua sắm. Tuỳ cửa hàng, mức giá kiểm tra giao động từ 50 đến 100 ngàn đồng.




Bình luận

  • TTCN (0)