Xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) đạt 22,92 tỉ USD trong năm 2012, tăng trên 110,4% so với năm 2011. đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn nhập khẩu gần 3,5 triệu USD.

Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa), tại thời điểm này, ngành phần mềm Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ đứng thứ hai tại Nhật Bản, đứng trong Top 10 nước xuất khẩu khẩu phần mềm trên thế giới. Công ty Phần mềm FPT đã thành công ấn tượng với doanh số xuất khẩu 81 triệu USD và cũng là công ty Việt Nam đầu tiên có tên trong Top 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu do Global Services (Ấn Độ) và NeoGroup (Mỹ) đánh giá. Công ty KMS Technology chuyên cung cấp dịch vụ gia công phần mềm cho thị trường Mỹ cho biết, trong năm 2013, họ đã nhận được đơn đặt hàng gia công phần mềm và hiện có đủ việc làm cho cả năm.

Chưa khỏi ngưỡng gia công

Theo Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam năm 2013 do Bộ Thông tin & Truyền thông phát hành, tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2012 đạt 25,5 tỉ USD, tăng ngoạn mục 86,3% so với năm 2011. Sự tăng trưởng cao này do duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử với trên 23 tỉ USD doanh thu và chiếm tới 90,4 % tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT. Tuy nhiên, công nghiệp phần mềm và nội dung số cũng tăng trưởng nhưng tốc độ chậm tương ứng là 3,1% và 6,0%, trong đó sự tăng trưởng lĩnh vực phần mềm là thấp nhất trong cả ba lĩnh vực.

Bà Tô Thị Thu Hương - Vụ Phó Vụ CNTT, Bộ Thông tin & Truyền thông, cho biết quan điểm của Bộ vẫn tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số. Tuy nhiên, do thị trường và đối tác của ngành công nghiệp phần mềm chủ yếu là gia công cho các đối tác, tập đoàn nước ngoài. Do đó, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế cũng khiến các Tập đoàn và doanh nghiệp làm phần mềm, dịch vụ phần mềm tại Việt Nam bị tác động nhiều.

"Chập chững" làm dịch vụ

Những nỗ lực không ngừng trong thời gian qua của các DN phần mềm Việt Nam đã được thế giới ghi nhận. Dù vậy, nghịch lí là doanh thu từ gia công phần mềm của VN rất nhỏ. So thứ hạng "ngôi sao" của Việt Nam trong lĩnh vực gia công phần mềm toàn cầu với doanh thu thực tế đặt ra câu hỏi phải chăng các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam và toàn ngành phần mềm nói chung không biết tận dụng thế mạnh của mình để kiếm tiền hay là các nghiên cứu quốc tế trên đã "tô hồng" tiềm năng của Việt Nam?

Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc Chiến lược của Tập đoàn FPT, chúng ta đang bị “đóng khung” trong chiếc áo gia công. “Chúng ta đang ở đâu?”, “Chúng ta muốn đi đâu?” là điều trăn trở vị giám đốc chiến lược của tập đoàn FPT. Kinh tế thế giới chia làm ba nhóm: Sản xuất gia công, Cung cấp dịch vụ và Sáng tạo sản phẩm. Sản xuất gia công rất dễ kiếm tiền nhưng hiện nay việc cần phải làm là vạch ra lộ trình phát triển để nâng cấp công nghệ về dài hạn, thay vì “đi kiếm tiền” dễ dàng như trước.

Ông Hòa phân tích, có những dịch vụ đôi khi chỉ cần tìm ra điểm gặp nhau giữa cung - cầu, cung cấp được sản phẩm là có thể kiếm được tiền. Gần 20 năm nay Mỹ đã chuyển giao việc sản xuất cho các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam để theo hướng dịch vụ. Ngưỡng phát triển cao nhất là sáng tạo sản phẩm và những nước này mất từ 4 - 5 năm để tạo ra một sản phẩm và sau đó thu được rất nhiều tiền từ bản quyền sáng chế.

Vị Giám đốc của FPT nhấn mạnh, còn chưa có sản phẩm sáng tạo "Made in Vietnam" thì chúng ta mãi mãi làm gia công cho nước khác. Ông Hòa thẳng thắn chia sẻ hiện số tiền FPT mang về thì IBM, Ocracle đã thu lại 60% và tập đoàn này chỉ được hưởng "phần xương". FPT hiện mới mấp mé bước ra khỏi ngưỡng gia công và chập chững bước vào làm dịch vụ. Còn rất xa để thực hiện giấc mơ "Made in Vietnam" trong sáng tạo và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực CNTT.

Theo Thế giới & Việt Nam




Bình luận

  • TTCN (0)