Tại Triển lãm Vietnam Telecomp cuối tháng 11 vừa qua, bên cạnh hoạt động giới thiệu sản phẩm, còn có một số hội thảo đi sâu vào sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam.

Trong đó, đại diện các nhà mạng điện thoại di động như Vinaphone, MobiFone và Viettel cũng đưa ra không ít đánh giá sát sườn vào sự dịch chuyển mà ngành viễn thông VN đang trải qua, đặc biệt là vấn đề OTT (dịch vụ nhắn tin, gọi điện, gửi hình thông qua internet).

Vai trò Mobile broadband và mạng cố định

Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng, đối với nhiều nước thì viễn thông giờ đây là một hạ tầng quốc gia, tức không chỉ phổ cập mà nhà nước còn sẵn sàng bỏ tiền đầu tư ở những khu vực khó khăn. Nhờ đó, viễn thông trở thành nền tảng để đạt những mục tiêu khác, điển hình như đào tạo từ xa.

Trong đó, Mobile broadband (internet di động băng thông rộng) là cơ hội để phổ cập khi đang có sự bùng nổ mạnh mẽ của điện thoại di động. Ông Hùng dẫn số liệu thống kê cho thấy mật độ điện thoại đã đạt đến gần 100% trên toàn thế giới. Còn Mobile broadband hiện nay chỉ đạt ở mức gần 30%, nhưng tăng trưởng rất nhanh với tốc độ 40% và đối với các nước đang phát triển thì tốc độ nó còn cao hơn nữa, tạo cơ hội phổ cập internet. Đó là vì trong khi một máy vi tính cá nhân có mức giá 400 USD và chi phí đường truyền ADSL khoảng 10 USD/tháng, thì giá một chiếc điện thoại di động thông minh khoảng 50 USD và chi phí dùng 3G hằng tháng khoảng 2 USD. Như vậy, Mobile broadband giúp mọi người dễ dàng tiếp cận internet hơn.

Bên cạnh đó, ngành viễn thông còn đang chứng kiến sự trở lại của mạng cố định, vốn từng bị cho rằng “sẽ chết”. Tuy nhiên, mạng cố định giờ đây sẽ là mạng cố định băng rộng. Ở những nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng của mạng cố định băng rộng là 40% mỗi năm. Đặc biệt, mạng cố định đang dần khẳng định vai trò nền tảng cho mạng di động băng rộng. Đó là vì, theo ông Hùng, mạng di động băng rộng trong tương lai là những trạm rất nhỏ, mỗi gia đình lắp một trạm, hoặc mỗi tòa nhà có 1 trạm. Như thế, phải có một đường internet băng rộng đến từng hộ gia đình, từng tòa nhà.

Thay đổi khái niệm nhà mạng

Những thay đổi của ngành viễn thông đang khiến khái niệm "nhà cung cấp dịch vụ" thay thế khái niệm "nhà mạng". Trước đây, doanh thu gọi điện chiếm 100% doanh thu của nhà mạng thì nay chỉ còn 75%, phần còn lại thuộc về các dịch vụ khác như nhắn tin ngắn, truyền thông đa phương tiện. Vài năm nữa, doanh thu từ gọi điện được dự báo sẽ chỉ còn chiếm 25%. Vì thế, các công ty viễn thông phải chuyển sang các lĩnh vực khác. Nhờ đó, giá trị của ngành viễn thông sẽ không chỉ là 3 - 3,5% GDP, mà sẽ đạt 10 - 15% GDP, tạo ra cơ hội lớn cho các nhà mạng.

Chính vì những thay đổi đó, ông Hùng còn đề ra chủ trương rằng các nhà mạng nên hợp tác với OTT. Ông thẳng thắn thừa nhận: “Viettel hiện nay có hơn 30.000 nhân viên trong và ngoài nước. Trước đây đó là niềm tự hào lớn, nhưng bây giờ lại là mối lo. Hiện giờ lại xuất hiện những công ty 10 người và vốn 100.000 USD. Thường thường, sự sáng tạo nhỏ bao giờ cũng tốt hơn sự sáng tạo lớn”.

Thế giới lại đang chuyển sang một giai đoạn cần sự sáng tạo để đưa viễn thông, công nghệ thông tin và điện tử vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì thế, nếu không học được bài học về hành động, sáng tạo, chăm sóc khách hàng như các doanh nghiệp nhỏ thì các doanh nghiệp lớn “không có cửa” về dài hạn. Ông đưa ra ví dụ, Kakao chỉ vài năm trở lại đây tăng trưởng mấy trăm phần trăm, mà Kakao chỉ có 200 người. Chính vì thế, các nhà mạng bắt buộc phải hợp tác, làm ăn với hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các nhà cung cấp OTT. Đây chính là lối thoát cho các nhà mạng.

Theo Thanh Niên




Bình luận

  • TTCN (0)