Tăng doanh thu từ kinh tế internet tại Việt Nam rất cần chính sách thúc đẩy của các cơ quan quản lí nhà nước

Với hơn 1/3 dân số (khoảng 31 triệu người) sử dụng, truy nhập, thị trường internet Việt Nam được coi là rất tiềm năng. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ TT&TT thì doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ internet trong năm 2012 chỉ đạt 15.000 tỉ đồng.

Theo Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT&TT), hiện cả nước có 55 DN được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ internet cố định, trong đó có 47 đơn vị đã triển khai và trong số này chỉ có 16 DN có báo cáo thường xuyên với cơ quan quản lí.

Về truy nhập internet di động, có 4 nhà mạng kinh doanh gồm Viettel, MobiFone, Vinaphone và Vietnamobile. Tổng dung lượng kết nối giữa các DN đi quốc tế hiện có 486 Gbps. Thị phần internet cố định với hơn 5 triệu thuê bao thuộc về 5 nhà cung cấp VNPT, FPT, Viettel, CMC, SCTV (Truyền hình cáp Saigon Tourist); thị phần internet di động thuộc về 3 nhà mạng lớn với 98% thị phần đạt khoảng 19 triệu thuê bao.

Năm 2012, doanh thu từ thị trường internet của các nhà cung cấp dịch vụ đạt 15.000 tỉ đồng, trong đó internet 3G là 5000 tỉ đồng (một số liệu không chính thức khác do DN đưa ra là doanh thu từ internet năm 2013 ước đạt hơn 20.000 tỉ đồng).

Với những thông tin như kể trên cho thấy doanh thu từ "kinh tế internet" tại Việt Nam rất thấp. Có một số nguyên nhân được chỉ ra vì sao thị trường truy nhập internet vẫn thấp, trong đó các nhà quản lí cho rằng trước hết là internet tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển ở các thành phố lớn mà chưa phát triển ở vùng nông thôn…

Thứ hai, giữa các nhà cung cấp có sự cạnh tranh quyết liệt về giá nên liên tục có các chương trình khuyến mãi ưu đãi cho khách hàng, từ đó làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận.

Thứ ba, việc phát triển nội dung, trong đó có thương mại điện tử trên internet hiện vẫn nghèo nàn, chưa hấp dẫn. Riêng với nguyên nhân thứ ba có thể dễ nhận thấy, trang công cụ tìm kiếm Google, mạng xã hội Facebook của nước ngoài đều đang rất được nhiều người Việt sử dụng, mà như vậy họ thu hút quảng cáo trực tuyến lớn. Có nghĩa là họ không chỉ trực tiếp thu lợi nhuận từ các đơn vị quảng cáo sản phẩm mà còn thu tiền gián tiếp của chính người dân trong nước sử dụng dịch vụ của họ (vì chi phí quảng cáo của DN tại đây được tính vào giá thành bán cho người dân Việt Nam).

Tổng Giám đốc Công ty CP VNG cho rằng, dự đoán từ nay đến năm 2018, số lượng người dùng internet tại Việt Nam sẽ đạt 60 triệu người, trong đó 40 triệu người truy nhập bằng máy tính. Dự kiến doanh thu từ kinh tế internet (gồm dịch vụ nội dung, internet) là 100.000 tỉ đồng. "Miếng bánh" này sẽ là cơ hội lớn cho các DN cung cấp dịch vụ nội dung và internet.

Tuy nhiên, trả lời được câu hỏi bao nhiêu phần trăm thị phần từ con số 100.000 tỉ đồng thuộc về các DN trong nước vẫn không dễ, vì từ thực tế hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài vẫn đang nắm thị phần. Các chuyên gia, quản lí DN cho rằng, trước hết, giữa các DN (gồm nhà mạng và DN cung cấp nội dung) cần có sự hợp tác, dẹp bỏ những "trục trặc" hiện nay về tỉ lệ ăn chia doanh thu, hay thỉnh thoảng lại "chơi xấu" nhau để cắt kết nối…, để cùng đưa ra những dịch vụ, tiện ích, có lợi, thu hút người sử dụng.

Nhiều ý kiến cho rằng, để các nhà cung cấp dịch vụ trong nước phát triển, tăng doanh thu từ kinh tế internet rất cần chính sách thúc đẩy của cơ quan quản lí nhà nước. Bên cạnh việc đưa ra chính sách khuyến khích, thậm chí mang tính bắt buộc việc phải duy trì hợp tác, thì vẫn cần có những quy định khung về sự hợp tác giữa DN cung cấp dịch vụ internet, nhà mạng với DN cung cấp dịch vụ nội dung - đó chính là căn cứ pháp lí cơ bản để cùng phát triển.

Theo Hà Nội Mới




Bình luận

  • TTCN (0)