MobiFone có “đội ngũ tốt nhất so với các mạng di động khác sẵn sàng quản lý và khai thác mạng 3G”.

Trong tháng 5/2008, Bộ TT&TT sẽ chính thức phát hồ sơ thi tuyển 3G để chọn ra 4 "thí sinh" có bài thi tốt nhất nhận giấy phép 3G. Báo BĐVN đã phỏng vấn ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone về việc MobiFone chuẩn bị cho kỳ thi tuyển quan trọng này và quyết tâm giành giấy phép 3G.

Bộ TT&TT sẽ đưa ra nhiều tiêu chí để thi tuyển 3G như nguồn nhân lực, tiềm lực tài chính, khả năng đầu tư… Vậy theo ông, Bộ nên chọn những tiêu chí nào là tiêu chí cơ bản?

Cuộc thi tuyển để nhận giấy phép 3G sẽ khẳng định những bước trưởng thành của ngành thông tin di động Việt Nam, kể cả trong quản lý và khai thác kinh doanh.

Bộ TT&TT đặt ra mục tiêu thi tuyển 3G nhằm chọn ra nhà cung cấp hội đủ điều kiện tốt nhất để sớm đưa dịch vụ 3G đến cho nhiều người dân với giá cả thấp và tránh lãng phí tài nguyên. Do vậy, đề bài mà Bộ TT&TT đưa ra nên hướng đến các tiêu chí như kinh nghiệm khai thác, năng lực tài chính, số lượng khách hàng, kênh phân phối và đội ngũ nhân lực tốt để những nhà khai thác này có thể cung cấp dịch vụ ngay sau khi nhận được giấy phép.

Khi thi tuyển 3G, cần tránh trường hợp xét theo tiêu chí "ưu tiên" mạng nhỏ. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp lấy giấy phép như "vật trang sức" đánh bóng thương hiệu, gây lãng phí tài nguyên tần số quốc gia.

Chính phủ cho phép thi tuyển 3G đã thể hiện tính minh bạch, vấn đề là quá trình thi tuyển và các tiêu chí sẽ được thực hiện như thế nào.

Tôi được biết là Bộ TT&TT rất quyết tâm để kỳ thi tuyển 3G làm thí điểm cho việc cấp phép các dịch vụ sau này theo hướng công khai minh bạch.

Mới đây, ông đưa ra quan điểm nên cấp phép 3G cho các mạng 2G đã có nhiều thuê bao. Vậy đâu là cơ sở cho quan điểm này?

Thông thường, các nước cấp phép 3G cho nhà khai thác 2G để từ đó phát triển lên vì trong thời gian đầu dịch vụ 3G rất ít khách hàng. Thị trường 3G sẽ dần thay thế cho 2G, như vậy nhà khai thác phải có thời gian quá độ mà vẫn đạt doanh thu. Theo hướng đi này, mạng 3G sẽ có sơ sở hạ tầng tốt, cơ sở dữ liệu khách hàng mạnh và thị phần lớn.

Cấp phép 3G cho các mạng 2G giảm được suất đầu tư do tận dụng được cơ sở hạ tầng của mạng 2G nên có điều kiện giảm giá thành.

3G là dịch vụ cao cấp hỗ trợ cho mạng 2G, khi 3G phát triển sẽ có chính sách quay lại hỗ trợ cho khách hàng 2G và các thuê bao di động Việt Nam được hưởng lợi từ giấy phép 3G nhanh nhất. Nếu mạng di động 2G còn ít khách hàng hay chưa triển khai sẽ rất khó có cơ hội để phát triển tốt dịch vụ 3G vì mất rất nhiều thời gian để thu hút khách hàng và không có lợi thế giảm giá nên dễ thất bại.

Tôi tin rằng, mục tiêu để chọn lựa việc cấp phép 3G của Bộ TT&TT sẽ hướng đến làm sao để cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho xã hội, tiết kiệm tài nguyên cũng như nguồn lực cho quốc gia.

Theo ông, việc thi tuyển có những mặt trái nào không?

Nếu cấp phép 3G không tốt sẽ gây ra nhiều hậu quả. Ví dụ ở châu Âu những năm 1999 - 2000 đã có cuộc khủng hoảng viễn thông do cấp phép 3G sai bởi mục tiêu của một số chính phủ là làm sao bán được giấy phép 3G với giá "đắt" nhất. Thất bại này đã kéo theo sự suy thoái của các nhà cung cấp thiết bị viễn thông.

Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp cấp phép cho các mạng di động không có năng lực triển khai, sau đó mạng này lại bán giấy phép cho doanh nghiệp khác. Trong trường hợp này cũng chưa có ví dụ nào về sự thành công. Vì vậy, chủ trương thi tuyển 3G của Bộ TT&TT là rất đúng. Vấn đề là phải chọn đúng các mạng di động xứng đáng để trao giấy phép.

Trong tháng 5, Bộ TT&TT sẽ phát đề thi tuyển 3G, MobiFone đã chuẩn bị gì cho việc này?

MobiFone đã chuẩn bị nguồn tài chính mạnh để triển khai 3G; đồng thời thử nghiệm xong cơ sở hạ tầng của mạng 3G kết nối với 2G. Ngoài ra, chúng tôi đã cùng với một số đối tác như France Telecom trình diễn dịch vụ 3G. Tôi khẳng định rằng MobiFone đang có đội ngũ tốt nhất so với các mạng di động khác sẵn sàng quản lý và khai thác mạng 3G.

Nếu được cấp phép 3G trong năm 2008 thì doanh thu từ dịch vụ này đã có nhiều hay chưa? Theo ông, nếu được cấp phép các mạng di động sẽ tiến lên 3G theo công nghệ nào?

Nếu được cấp phép 3G trong năm 2008 thì nhanh nhất phải đến đầu 2009 các mạng mới có thể triển khai cung cấp dịch vụ 3G. Ở thời điểm này, nhu cầu sử dụng của khách hàng chủ yếu là dịch vụ thoại. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, nhà khai thác 2G bị quá tải về tần số nên sẽ sử dụng tần số 3G để phân tải tần số chống nghẽn cho 2G. Những nước phát triển mạnh 3G như Nhật Bản mới có doanh thu từ dịch vụ 3G chỉ khoảng 17%. Nếu mạng di động 3G ở Việt Nam được cấp phép cung cấp dịch vụ thì ban đầu cũng chỉ có 2- 3% doanh thu từ 3G.

Trên thế giới, xu hướng phát triển 3G từ mạng GSM lên WCDMA rất mạnh, trong khi đó từ CDMA lên CDMA 2000 1x EVDO lại không nhiều. Tôi cho rằng ở Việt Nam các mạng di động nếu được cấp phép 3G sẽ phát triển theo hướng WCDMA.

Cảm ơn ông!

(Theo ICTnews)


Bình luận

  • TTCN (0)