Chương trình Táo Quân trên Youtube đã bị gỡ bỏ dù vẫn tìm thấy liên kết

Việc Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) lên tiếng đòi YouTube bồi thường bản quyền chương trình Táo quân 2014 một lần nữa cho thấy trong cuộc chơi bản quyền, nhất là với các đối tác nước ngoài, chúng ta vẫn còn nhiều điều quá mơ hồ.

Trong thông tin đầu tiên CNC gửi đi, đơn vị này không chỉ đưa ra danh sách các trang mạng khai thác chương trình Táo quân 2014 không phép, mà còn cho biết sẽ khởi kiện cả YouTube - trang chia sẻ lớn nhất thế giới hiện nay. Cũng theo đơn vị này, việc các trang mạng vô tư đăng tải chương trình đã khiến công ty bị thiệt hại với mức 3000đ/lần xem. Đây là con số không hề nhỏ nếu dựa vào tổng lượt xem chương trình trong thời gian qua trên các trang này.

Theo bà Bích Ngọc - đại diện của CNC, sau khi CNC phản ánh, YouTube đã gỡ hết các clip Táo quân 2014 lẫn clip chương trình Gặp nhau cuối tuần (mà CNC là đơn vị độc quyền khai thác bản quyền trên internet). Tuy nhiên, công ty vẫn yêu cầu YouTube phải bồi thường và thực hiện chính sách kiểm soát ngay từ khâu đầu tiên thay vì chỉ xử lí khi người dùng đã vi phạm. Thế nhưng, khác với thông tin ban đầu, hiện bà Ngọc lại cho là CNC không có ý định khởi kiện YouTube.

Việc này cũng tương tự như trường hợp Lê Kiều Như tuyên bố sẽ khởi kiện Apple khi truyện của cô được rao bán trên Appe Store trong một thời gian dài mà người nhận tiền không phải là cô. Số tiền mà cô cho biết sẽ yêu cầu Apple chi trả lên đến 100.000 USD. Thế nhưng, sự việc chỉ bùng lên, gây ồn ào từ tuyên bố của Lê Kiều Như rồi chìm lấp mất. Trao đổi với chúng tôi, luật sư đại diện cho Lê Kiều Như cho biết, nếu kiện phiên tòa sẽ diễn ra tại Mỹ, kéo theo nhiều điều phức tạp khác nên sau gần một năm, phía Lê Kiều Như vẫn đang… cân nhắc!

Thực tế, Apple hay YouTube đều hoạt động dựa trên một cơ chế giống nhau, là cơ chế mở dành cho người dùng. Bất cứ người dùng nào cũng có thể đăng tải nội dung mình muốn lên hai trang này, miễn cam kết tuân thủ tác quyền và sẽ chịu trách nhiệm nếu xảy ra tranh chấp. Khi nhận được văn bản từ phía Lê Kiều Như, Apple đã gỡ nội dung số của cuốn sách xuống, thông báo điều đó với cô và với người đăng tải nội dung đó. Chuyện này cũng diễn ra với khiếu nại của nhà văn Bùi Anh Tấn và một vài tác giả Việt Nam khác, khi tác phẩm của họ bị rao bán trái phép trên Apple Store. Và, chỉ có thế! Tương tự, YouTube cũng đã gỡ các clip nằm trong khiếu nại của CNC, đồng thời khóa tất cả tài khoản của những người đã đăng tải nhưng không hề đề cập đến việc bồi thường.

“Trong quá trình ba năm làm việc với YouTube, chúng tôi nhận thấy chính sách của YouTube là tin tưởng người dùng. Người dùng sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm với những nội dung mà họ đưa lên YouTube (điều này cũng có trong phần xác nhận của người dùng khi bắt đầu upload nội dung lên YouTube). Vì vậy, khi phát sinh vấn đề không chỉ vi phạm bản quyền mà còn là bôi nhọ người khác, phát tán những nội dung không lành mạnh v.v… thì YouTube sẽ có sự phối hợp với người khiếu nại để xử lí kịp thời. Nội dung mà CNC bị vi phạm là do người dùng đưa lên YouTube chứ không phải chính hệ thống YouTube đưa lên; họ cũng đã kịp thời xử lí khi nhận khiếu nại của CNC”, bà Vinh Hạnh - đại diện Công ty POPs, đối tác cao cấp tại Việt Nam của YouTube cho biết.

Thực tế, YouTube đã từng bị kiện với nội dung tương tự tại Mỹ, nhưng thắng kiện vì cơ chế mở của YouTube là hợp pháp tại Mỹ và YouTube cũng đã tích cực tháo dỡ, khóa các tài khoản vi phạm khi phát sinh khiếu nại.

Với những gì đã diễn ra, nhất là tuyên bố khởi kiện nhưng sau đó lại bảo không, khó tránh sự hoài nghi về việc các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam đòi kiện các “ông lớn” là YouTube, Apple thời gian qua chỉ là một chiêu tự quảng bá. Mặc khác, cho dù tuyên bố đó là nghiêm túc thì vẫn cho thấy cá nhân, tổ chức này còn quá mơ hồ trước những “đối thủ” của mình. Cuộc chơi bản quyền, nhất là trong hành trình bơi ra biển lớn, cần phải có sự hiểu biết hơn rất nhiều.

Theo Phụ Nữ Online




Bình luận

  • TTCN (0)