Một công ty chuyên theo dõi băng thông của các trang web nổi tiếng toàn cầu đã đưa ra một thông tin không mấy ngạc nhiên: rất nhiều người vội vàng chia sẻ đường dẫn lên mạng xã hội ngay sau khi đọc tiêu đề mà không thèm đoái hoài đến nội dung của bài viết.

Chartbeat, một công ty nghiên cứu thị trường, vừa ra đã đưa ra tuyên bố rằng số lượng người thực sự đọc các bài báo mạng và số lượng người đăng tải tin nhắn Twitter về các bài báo này là hoàn toàn không liên quan tới nhau. The Verge khẳng định hiện tượng nói trên cũng đang tồn tại trên Facebook.

"Số lượng tweet (trạng thái trên Twitter) và lưu lượng truy cập vào bài báo hiển nhiên là tỉ lệ với nhau. Tuy vậy, các bài báo được đọc nhiều nhất và các bài báo được đăng tải lên Twitter nhiều nhất không tương đồng với nhau", nhà nghiên cứu dữ liệu John Schwartz của Chartbeat khẳng định.

Ông Schwartz không muốn chỉ ra lí do dẫn tới hiện tượng này. Tuy vậy, The Verge đã tự đưa ra một số phỏng đoán rất thuyết phục: hiện tại, các đường dẫn trên mạng xã hội chủ yếu được truy cập từ các thiết bị di động, và trên smartphone, tablet, con người thường dành ít thời gian để đọc báo.

Đây không phải là lần đầu tiên các trang tin thế giới chỉ ra hiện tượng "không cần đọc, share đã!" từ phía người dùng. Năm ngoái, Slate đã đưa ra lời giải thích vì sao mọi người thường chỉ đọc lướt qua các bài báo trên mạng xã hội: con người đang bị tràn ngập trong các thông tin số.

Với số lượng nội dung quá đồ sộ trên News Feed, trên trang báo điện tử của bạn mỗi ngày, sẽ chẳng có gì khó hiểu khi bạn chỉ vội vàng đọc vài đoạn đầu tiên rồi kéo đến cuối trang để "nắm" được thông tin cần biết. Thậm chí, nếu bạn còn đủ kiên nhẫn đọc được… 1/5 bài viết, bạn vẫn còn cẩn thận hơn rất nhiều người dùng đang chia sẻ nội dung lên Twitter, Facebook mà không cần biết nội dung thực sự là gì!

Theo VnReview




Bình luận

  • TTCN (0)