Facebook hoặc phải chấp nhận thua WhatsApp ở các thị trường ngoài nước Mỹ, hoặc thâu tóm WhatsApp trước khi dịch vụ nhắn tin này bành trướng thêm. Và họ đã chọn cách thâu tóm dịch vụ này.

Với 450 triệu người dùng có đăng nhập hàng tháng và hơn 1 triệu người đăng kí mới mỗi ngày, WhatsApp là một trong những dịch vụ đang dẫn đầu cuộc đua nhắn tin trên di động, trong khi Facebook Messenger phải theo sau ở khoảng cách rất xa. Điều này được thể hiện rất rõ trong bản đồ về thị phần của các dịch vụ nhắn tin.

Vì lí do trên, Facebook hoặc phải đầu hàng đối thủ này ở các thị trường ngoài nước Mỹ, hoặc phải thâu tóm WhatsApp trước khi dịch vụ nhắn tin này bành trướng thêm. Và họ đã chọn cách thứ hai.

Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh mới đây, Facebook cho biết, bản cập nhật Facebook Messenger hồi tháng 11/2013 đã làm tăng lưu lượng sử dụng thêm 70%, với số lượng tin nhắn gửi đi tăng rất mạnh. Nhưng đa phần trong số đó là tin nhắn của người dùng tại Mỹ và Canada. Còn ở những nơi khác, Facebook vẫn chậm chân trong cuộc đua ứng dụng nhắn tin. Mãi tới năm 2011, Facebook Messenger mới được trình làng sau khi Facebook mua lại dịch vụ nhắn tin Beluga, và vào thời điểm đó họ chủ yếu tập trung vào tin nhắn theo nhóm.

WhatsApp được giới thiệu vào năm 2009 với trọng tâm là một ứng dụng nhắn tin di động nhanh, đơn giản và đẹp mắt. Trong khi thị trường nhắn tin di động thế giới bị phân chia cho rất nhiều dịch vụ cạnh tranh lẫn nhau, WhatsApp vẫn giành được thị phần đáng kể trong khi Facebook Messenger có thị phần rất khiêm tốn.

Không giống như thị trường mạng xã hội trên máy tính cá nhân, cuộc đua tin nhắn trên di động không có người dẫn đầu nổi bật nào. Tuy nhiên, WhatsApp đang hoàn toàn thống thị các thị trường bên ngoài nước Mỹ, ví dụ như châu Âu và Ấn Độ. Facebook lại không có khả năng thâu tóm các đối thủ châu Á như WeChat. Vì thế, rõ ràng mua lại WhatsApp sẽ đem về nhiều lợi ích chiến lược cho Facebook.

Bản đồ về thị phần các dịch vụ nhắn tin bên trên được trang TechCrunch lập cách đây hơn một năm dựa trên các dữ liệu của Onavo, một công ty từng là đối thủ của Facebook. Sau khi Facebook mua lại Onavo hồi tháng 10/2013, TechCrunch không thể truy cập dữ liệu về lưu lượng sử dụng, mà chỉ theo dõi được xếp hạng trong các dịch vụ nhắn tin trong các kho ứng dụng.

Vậy điều gì đã xảy ra trong năm vừa qua? WhatsApp có vẻ đã dẫn trước rất xa ở các thị trường đang phát triển và Facebook không có hi vọng bắt kịp. Trong bài đăng blog thông báo mua lại WhatsApp, Tổng giám đốc Mark Zuckerberg của Facebook cũng nói rằng WhatsApp đang trên đà đạt 1 tỉ người dùng.

Trong suốt 2 - 3 năm, Facebook từng được cho là không mặn mà với việc mua lại WhatsApp, nhưng sau những thay đổi trong năm vừa qua, rõ ràng Facebook chỉ còn cách mua lại WhatsApp nếu không muốn thua đối thủ này. Kết quả cuối cùng là một thương vụ thâu tóm trị giá 16 tỉ USD.

Theo dữ liệu khảo sát của Jana Mobile, WhatsApp được sử dụng phổ biến hơn Facebook Messenger ở một số quốc gia đang phát triển. Tại Ấn Độ, Brazil và Mexico, số người được phỏng vấn dùng WhatsApp nhiều hơn gấp 12 tới 64 lần so với người dùng Facebook Messenger. Facebook thực sự muốn chinh phục số lượng người dùng lớn ở những quốc gia đông dân này.

Theo ICTnews/Tech Crunch




Bình luận

  • TTCN (0)