Microsoft mua lại Nokia và Facebook thâu tóm Instagram là những thương vụ đình đám trong giới công nghệ thời gian vừa qua, đồng thời nó cũng cho thấy tiềm lực tài chính đầy ấn tượng của rất nhiều các công ty công nghệ hiện nay.

Thương vụ Rakuten mua lại Viber hay Facebook mua lại WhatsApp với số tiền khổng lồ trong đầu năm 2014 đã trở thành những chủ đề nóng để bàn tán trong cộng đồng cư dân mạng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng các công ty này còn thực hiện vô số những vụ mua bán sáp nhập (M&A) khác mà giá trị của mỗi thương vụ trung bình đều rơi vào khoảng 10 triệu USD.

Vậy công ty công nghệ nào sở hữu số vụ thâu tóm lớn nhất trên thế giới? Dưới đây là top những công ty công nghệ không chỉ mạnh tay chi tiền mua lại các công ty khác mà còn thực hiện nhiều vụ mua bán sáp nhập nhất trong lịch sử.

Twitter

Twitter là dịch vụ mạng xã hội miễn phí cho phép người sử dụng đọc, nhắn và cập nhật các mẩu tin nhỏ gọi là tweet, một dạng tiểu blog. Twitter được sáng lập bởi Jack Dorsey năm 2006. Twitter có hơn 500 triệu người đăng kí sử dụng với hơn 340 tweet mỗi ngày.

Twitter đã thực hiện 22 vụ mua bán kể từ khi công ty này được thành lập. Thương vụ đầu tiên là vụ mua lại công cụ tìm kiếm xã hội Summize năm 2008. Sau đó, đặc biệt phải kể đến việc Twitter đã chi ra 40 triệu USD mua lại TweetDeck năm 2011. Và trong năm 2013, công ty này đã mua lại hãng Vine, Bluefin Labs và Spindle Labs.

Apple

Apple Inc. là tập đoàn công nghệ máy tính của Mỹ có trụ sở chính đặt tại Silicon Valley ở San Francisco, tiểu bang California. Apple được thành lập bởi Steve Jobs ngày 1 tháng 4 năm 1976 dưới tên Apple Computer, Inc., và đổi tên vào đầu năm 2007. Hiện Apple đã trở thành hãng điện thoại lớn thứ nhất thế giới, đứng trước Nokia và Samsung.

Apple đã bắt đầu tiến hành các vụ mua bán từ năm 1988, bắt đầu với thương vụ mua lại hãng Network Innovations. Tính đến thời điểm hiện tại, Apple đã thực hiện 48 vụ mua bán. Thương vụ đình đám nhất của công ty này là vụ mua lại hãng NeXT với mức giá khổng lồ 404 triệu USD năm 1997.

Trong năm 2013, Apple cũng đã thực hiện hàng loạt vụ thâu tóm các công ty nhỏ, như công ty đằng sau cảm biến Kinect, ứng dụng Cue, ứng dụng nén dữ liệu trên di động... và đặc biệt là thương vụ 200 triệu USD mua lại Topsy Labs - một công ty phân tích sản phẩm khác nhau được thực hiện để tìm kiếm và lấy dữ liệu từ các cuộc trò chuyện xảy ra trên các phương tiện truyền thông xã hội như Twitter và Google+.

Facebook

Facebook là một website mạng xã hội truy cập miễn phí do công ty Facebook, Inc điều hành và sở hữu tư nhân. Facebook được sáng lập bởi Mark Zuckerberg năm 2004 cùng với những người bạn học của mình. Facebook hiện có hơn 500 triệu thành viên tích cực trên khắp thế giới. Với con số ấy, Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất, tiếp theo sau là MySpace và Twitter.

Ngoài việc mua tên miền facebook từ thefacebook.com, công ty này đã thực hiện 36 vụ thâu tóm khác. Thương vụ đầu tiên là vào năm 2007 khi Facebook mua lại Parakey. Trong vòng ba năm sau đó, Facebook đã mua ConnectU với giá 31 triệu USD, FriendFeed với giá 47,5 triệu USD, và một số bằng sáng chế từ Friendster với giá 40 triệu USD. Đặc biệt, vụ thâu tóm lớn nhất của Facebook được thực hiện vào năm 2012 khi mua lại Instagram với giá 1 tỉ USD. Trong năm 2013, Facebook đã mua lại hãng Atlas, Hot Studio, Parse và Monoidics.

Yahoo

Yahoo! Inc. là một tập đoàn đại chúng Hoa Kì với mục tiêu trở thành "dịch vụ Internet toàn cầu hàng đầu cho người tiêu thụ và giới doanh nghiệp". Yahoo! được sáng lập bởi hai sinh viên cao học tại trường Đại học Stanford là David Filo và Jerry Yang vào tháng 1 năm 1994 và được thành lập vào ngày 2 tháng 3 năm 1995.

Yahoo đã thực hiện tổng cộng 87 thương vụ thâu tóm từ năm 1997, bắt đầu với việc mua lại công cụ tìm kiếm Net Controls với giá 1,4 triệu USD. Thương vụ giá trị nhất của Yahoo được diễn ra năm 1999 khi công ty này mua lại công ty phát thanh Broadcast.com với giá 5,7 tỉ USD. Một số vụ mua lại quan trọng khác là GeoCities, eGroups, và Del.icio.us. Trong năm qua, Yahoo đã mua lại tổng cộng 21 công ty bao gồm cả Tumblr, Playerscale, Rondee, RockMelt và IQ Engines.

Microsoft

Microsoft là một tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kì đặt trụ sở chính tại Redmond, Washington; chuyên phát triển, sản xuất, kinh doanh bản quyền phần mềm và hỗ trợ trên diện rộng các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến máy tính. Công ty được sáng lập bởi Bill Gates và Paul Allen vào ngày 4 tháng 4 năm 1975. Nếu tính theo doanh thu thì Microsoft là hãng sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới.

Microsoft đã thực hiện thương vụ thâu tóm đầu tiên của công ty vào năm 1987 khi mua lại hãng Forethought với mức giá 14 triệu USD. Đặc biệt, thương vụ lớn nhất của công ty này là vụ mua lại Skype vào năm 2011 với giá 8,5 tỉ USD. Microsoft cũng mua lại Nokia với giá 7,2 tỉ USD và aQuantive với giá 6,33 tỉ USD.

Google

Google là một công ty Internet có trụ sở tại Hoa Kì, được thành lập vào năm 1998. Sản phẩm chính của công ty này là công cụ tìm kiếm Google, được nhiều người đánh giá là công cụ tìm kiếm hữu ích và mạnh mẽ nhất trên Internet. Giám đốc của Google là Larry Page, một trong hai người sáng lập ra công ty.

Bắt đầu từ năm 2001, Google đã thực hiện 128 thương vụ thâu tóm. Trong đó đặc biệt phải kể đến hoạt động thâu tóm công ty điện thoại Motorola đình đám với mức giá cao ngất ngưởng 12,5 tỉ USD. Bên cạnh đó, thương vụ mua lại Youtube của Google cũng được nhắc đến rất nhiều. Đây là 1 trong những thương vụ thành công và nổi tiếng nhất của Google. Tháng 10/2006, Google đã bỏ ra số tiền khổng lồ lên đến 1,65 tỉ USD. Mặc dù đã mua lại nhưng Google không tích hợp Youtube với dịch vụ Google Video của mình và vẫn để Youtube hoạt động như 1 kênh riêng.

Theo VOV/Therichest



Bình luận

  • TTCN (0)