Sau 25 năm ra đời và phát triển, thế giới Web đã chứng minh nhận định của nhiều người là sai lầm, kể cả người đó có là thiên tài như Bill Gates.

Tháng 3/1989, nhà khoa học người Anh Tim Berners-Lee xuất bản bài báo nói về hệ thống “quản lí thông tin” cho thư viện của mình. Cố vấn của ông, Mike Sendell, bình luận: “Mơ hồ nhưng thú vị”. Sendell không thể đúng hơn.

Đề xuất của Berners-Lee mong muốn cải thiện khả năng chia sẻ thông tin giữa các trường đại học và nhà nghiên cứu khắp thế giới, mở đường cho World Wide Web ngày nay. Nhiều học giả tiếp nối Sendall khi tiên đoán thế giới web có thể và không thể thay đổi xã hội như thế nào. Không phải tất cả đều đúng, ngay cả những người thiên tài nhất.

Bill Gates (2004): Thư rác sớm trở thành quá khứ

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, nhà sáng lập Microsoft tự tin thư rác sẽ sớm trở thành quá khứ. Gates cho rằng bộ lọc email và thách thức con người đặt ra như buộc người gửi phải giải một ô chữ trước khi gửi thư có thể cắt giảm lượng email không mong muốn. Ông còn nhắc đến giải pháp phạt tiền người gửi nếu tin nhắn bị trả lại.

Tuy nhiên, thực tế bộ lọc thư rác cũng không giúp ích gì. Tháng 12/2013, theo số liệu của Greenview Data, chúng chiếm 68% hộp thư đến.

Newsweek (1995): Website không bao giờ thay thế báo chí

15 năm trước khi bán mình vì áp lực quảng cáo, tạp chí Newsweek từng xuất bản bài báo chống lại thế giới web của tác giả Clifford Stoll. Ông gọi web là “mảnh đất dầy dữ liệu bỏ đi”, phàn nàn những tiếng nói đáng tin cậy bị đám đông lộn xộn nhấn chìm. “Sự thực là không cơ sở dữ liệu trực tuyến nào có thể thay thế tờ báo hàng ngày”.

Thực tế chứng minh tác giả đã hoàn toàn sai lầm. Chắc chắn giờ này, Stoll đang đọc bài báo này qua Internet.

Robert Metcalfe (1995): Internet sẽ bị phá hủy?

Robert Metcalfe không phải người mù mờ công nghệ, ông còn là kĩ sư được đánh giá cao và là một trong những người sáng lập công nghệ Ethernet. Tuy nhiên, ông lo ngại sự tiếp cận Web sẽ bị quá tải. Khi ngày càng nhiều người kết nối, Metcalfe cho rằng Internet sẽ “giống như sao băng và nhận kết thúc thê thảm vào năm 1996”.

Thực tế, Internet dường như bùng nổ khi Gmail, Facebook, Twitter gặp sự cố gián đoạn chỉ trong vài giờ. Song, nó vẫn sống.

Newsweek (1995): Không ai mua hàng qua Internet

Tác giả Stoll chế giễu cái gọi là “cộng đồng ảo”, nghi ngờ Web có tác động thực tiễn đến chính phủ và băn khoăn ai có thể hoàn thành bất kì công trình nghiên cứu nào nhờ vào “ma trận” thông tin trên mạng.

Về bán lẻ, ông cho rằng việc thiếu kết nối sẽ kết liễu Web khi nói đến doanh số bán hàng. Ông đưa ra bằng chứng trung tâm mua sắm nơi ông sống trong một buổi chiều còn làm ăn tốt hơn toàn bộ Internet trong một tháng. “Ngay cả khi có phương pháp đáng tin cậy để gửi tiền qua Internet, mà thực tế không có, mạng Internet thiếu đi gia vị cần thiết nhất: người bán hàng”, ông viết.

Sau gần 20 năm, có lẽ bản thân tác giả đã nhận ra sự sai lầm khi chứng kiến sự bùng nổ của buôn bán qua mạng, điển hình là Amazon.

Theo ICTnews/CNN




Bình luận

  • TTCN (0)