Trong khuôn khổ Dự án hợp tác ASEAN, Viện Chiến lược TT&TT mới đây đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Các biện pháp thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT tại các nước ASEAN” tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có đại diện các nước trong khu vực ASEAN, chuyên gia về sở hữu trí tuệ của Công ty Microsoft, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Bản quyền (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các đơn vị thuộc Bộ TT&TT.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lã Hoàng Trung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT đã nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn cho các cơ quan quản lí nhà nước về sở hữu trí tuệ và các doanh nghiệp CNTT trong khu vực ASEAN thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực ASEAN về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT.

Phát biểu tại hội thảo, ông Triệu Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của CNTT trong thời gian qua và tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT đối với sự phát triển của ngành CNTT trong thời gian sắp tới.

Tại hội thảo, đại diện các nước trong khu vực ASEAN đã chia sẻ kinh nghiệm về tình hình triển khai việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT ở nước mình, đồng thời cũng đưa ra những khuyến nghị để đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT.

Cụ thể, các nước đề xuất hình thành một nhóm công tác đặc trách về sở hữu trí tuệ cho ngành ICT trong khối ASEAN. Các giải pháp kĩ thuật được cái đại biểu đưa ra là thúc đẩy phần mềm nguồn mở và miễn phí (FOSS) và điện toán đám mây… và giải pháp đào tạo là nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực ICT.

Tại Hội thảo này, đại diện Công ty Microsoft đã đưa ra những con số về tình hình vi phạm bản quyền đối với các sản phẩm của Microsoft.

Đại diện của Microsoft cũng cho biết người tiêu dùng phải tốn 25 tỉ USD và 1,5 tỉ giờ trong năm 2014 vào việc giải quyết các vấn đề an ninh do phần mềm độc hại trong các phần mềm vi phạm bản quyền tạo ra. Trong số các máy tính được mua ở 11 quốc gia trong năm 2013 với phần mềm vi phạm bản quyền, 61% máy bị nhiễm phần mềm độc hại.

Theo một cuộc thăm dò của Microsoft, 28% người trả lời thăm dò cho biết các lỗ hổng do mạng, máy tính hay lỗi trang web xảy ra đều đặn trong vài tháng và nhiều hơn. Trong số các nguyên nhân lỗi, 65% liên quan đến phần mềm độc hại trên máy tính của người lao động.

Còn theo một nghiên cứu sao chép bất hợp pháp phần mềm toàn cầu của BSA năm 2011 được công bố tháng 5/2013, hơn một nửa số người sử dụng máy tính cá nhân trên thế giới - 57% - cho rằng họ vi phạm bản quyền phần mềm. Con số này bao gồm 31% số người cho biết họ vi phạm toàn bộ thời gian, phần lớn thời gian và thỉnh thoảng, và 26% trả lời họ vi phạm nhưng ít khi. Chưa tới 4/10 người cho biết họ “chưa bao giờ” mua phần mềm hoàn toàn không phép.

Theo ICTPress




Bình luận

  • TTCN (0)