Đồng thời, Việt Nam cũng cần có những chuẩn bị mang tính tổng thể và lâu dài để thực thi Công ước trong thực tiễn thương mại quốc tế của Việt Nam.

Theo bà Lại Việt Anh, Trưởng Phòng pháp chế, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương (VEITA), các điều ước đa phương về thương mại điện tử như Công ước về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) được xây dựng khá lâu (1980) trước sự ra đời và phát triển của Internet và thương mại điện tử... gây một số trở ngại nhất định cho thương mại điện tử.

Trong bối cảnh đó, Công ước Liên hợp quốc về Sử dụng chứng từ điện tử trong hợp đồng quốc tế (Công ước TMĐT) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại phiên họp lần thứ 38 tổ chức ngày 23/11/2005 tại New York. Công ước Thương mại điện tử có hiệu lực từ 1/3/2013 và mở ra cho các quốc gia kí kết trong thời gian từ 16/1/2006 đến 16/1/2008, trong thời gian này, đã có 18 quốc gia tham gia kí kết, trong đó bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Philippines. Tính đến đầu năm 2014 đã có thêm 2 quốc gia gia nhập Công ước.

Với Việt Nam, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương cho biết: "Việt Nam đang xem xét tham gia Công ước bởi thực tế trong khoảng 2 năm trở lại đây, TMĐT tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ cùng với sự phát triển của Internet và công cụ giao thương qua mạng Internet. Cục đang rất quyết tâm hoàn thiện khuôn khổ pháp lí đáp ứng với yêu cầu thực tiễn và hiện văn bản pháp lí cho thị trường TMĐT nội địa đã tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, TMĐT vẫn là lĩnh vực mới nên vẫn cần hoàn thiện tiếp. Với tốc độ phát triển TMĐT rất nhanh bởi nó dựa trên nền tảng công nghệ thông tin nên hệ thống văn bản pháp luật cũng cần thay đổi kịp thời để đáp ứng. Do đó, trong Q4/2014, Bộ Công thương sẽ ra Thông tư hướng dẫn về TMĐT".

Có thể nói, Công ước về Thương mại điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng chứng từ điện tử trong thương mại quốc tế và đảm bảo các hợp đồng giao dịch và các loại chứng từ khác được trao đổi bằng phương tiện điện tử cũng có giá trị và hiệu lực thực thi tương tự như bản giấy trong thương mại truyền thống.

Lợi ích trước mắt là tạo bước tiến mới trong quá trình tham gia vào các điều ước quốc tế về thương mại, tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam về thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Từ đó, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật thương mại điện tử trong nước để thống nhất với chuẩn chung của pháp luật quốc tế. Riêng với doanh nghiệp, tham gia Công ước sẽ tạo điều kiện cho việc sử dụng chứng từ điện tử trong giao kết hợp đồng quốc tế, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình giao dịch. Ngoài ra, cũng tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp trong các giao dịch thương mại quốc tế, giảm mức độ sử dụng luật của các nước đối tác.

Theo phân tích của các chuyên gia Dự án EU-MUTRAP, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và nền kinh tế phát triển trong thời kì số hóa hiện nay, việc gia nhập Công ước TMĐT là cần thiết đối với Việt Nam. Các chuyên gia cũng đề xuất Việt Nam cần sớm tiến hành các thủ tục để gia nhập Công ước TMĐT và có những chuẩn bị mang tính tổng thể và lâu dài để thực thi Công ước trong thực tiễn thương mại quốc tế của Việt Nam.

“Việc gia nhập Công ước TMĐT được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Các doanh nghiệp sẽ hạn chế được các tranh chấp phát sinh trong việc lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng điện tử, giảm mức độ sử dụng luật của nước đối tác. Bên cạnh đó, việc gia nhập Công ước TMĐT thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, bổ sung và sửa đổi pháp luật thương mại điện tử trong nước. Tuy nhiên, việc gia nhập Công ước TMĐT của Việt Nam có thể sẽ gặp một số khó khăn, do sự khác biệt giữa pháp luật hợp đồng trong nước và quốc tế, nguồn nhân lực để tham gia và thực thi Công ước, trong đó kinh nghiệm xử lí tranh chấp còn yếu. Đặc biệt, do thương mại điện tử dựa trên nền tảng công nghệ thông tin thay đổi nhanh chóng nên một số vấn đề mới phát sinh chưa được Công ước lường trước như công nghệ điện toán đám mây, chữ kí số… Đây là vấn đề không riêng của Việt Nam mà các nước khác cũng đã vấp phải”, Bà Lại Vân Anh nhấn mạnh.

Theo eFinance




Bình luận

  • TTCN (0)