Chiếc kính của Russell bị hư hị hoàn toàn sau vụ tấn công.

Sự việc xảy ra với Kyle Russell, phóng viên 20 tuổi của trang công nghệ Business Insider khi anh này mang chiếc kính Google Glass ra đường ở thành phố San Francisco (Mỹ) thì bất ngờ một phụ nữ trẻ tuổi đã phát hiện ra chiếc kính thông minh mà Russell đang mang trên mặt và hét lớn “Kính” trước khi tấn công Russell và cố gắng giật chiếc kính ra khỏi mặt anh.

Russell và 2 người bạn đi cùng đã cố gắng chạy thoát nhưng người phụ nữ vẫn đuổi theo 3 người trước khi bắt kịp, giật chiếc kính ra khỏi mặt Russell và ném mạnh xuống đất trước khi bỏ đi.

“Giọng điệu khi cô ấy hét lớn “Kính” và cách mà cô ấy đập vỡ chiếc kính cho tôi thấy rằng phá hủy chiếc kính là mục đích chính của cô ấy khi đuổi theo chúng tôi”, Russell cho biết khi được hỏi ý kiến về việc mục đích của người phụ nữ là nhằm đánh cắp hay phá hủy chiếc kính.

Russell mô tả người phụ nữ ở độ tuổi 20, tóc được chải ngược ở giữa và cạo ở 2 bên, mặc một chiếc áo khoác màu da và mang bốt. Russell cho biết trước khi gặp người phụ nữ đã tấn công mình, anh đã đi qua một đám đông biểu tình chống Google ở trên phố, nhưng người phụ nữ này lại đi đến từ phía đối diện và Russell không nghĩ rằng cô có liên quan đến đám đông biểu tình kia.

Sau vụ tấn công, chiếc kính Google Glass phiên bản thử nghiệm có giá 1500 USD đã không thể phản hồi với khẩu lệnh hay cảm ứng trên thiết bị, “nó đã trở nên vô dụng”, Russell cho biết.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên một người bị tấn công vì mang kính Google Glass. Hồi cuối tháng 2 vừa qua, Sarah Slocum, biên tập viên của trang tin Newsdad cũng đã bị tấn công trên đường phố San Francisco vì mang kính Google Glass. Lí do mà Slocum đưa ra cho vụ tấn công nhằm vào mình chỉ vì cô mang chiếc kính Google Glass trên mặt.

Vào thời điểm ý tưởng về chiếc kính thông minh Google Glass được giới thiệu, nhiều người đã lo ngại về sự riêng tư và cá nhân khi một thiết bị ghi hình mọi lúc mọi nơi luôn hiện diện trên gương mặt sẽ gây ra những khó chịu và bối rối cho người đối diện. Hẳn sẽ không ai có thể cảm thấy thoải mái khi người đối diện mình mang Google Glass mà không biết được họ có đang ghi hình lại cuộc nói chuyện và hành động của mình hay không.

Tại nhiều quốc gia đã từng có những cuộc biểu tình để ngăn chặn sự xuất hiện của Google Glass tại quốc gia mình. Ngoài ra, nhiều quán bar và nhà hàng tại Mỹ cũng cấm khách hàng mang Google Glass vào bên trong vì lo ngại sự bất tiện cho những khách hàng khác.

Rất có thể đây là một trong những lí do để có những người ghét sự ra đời của chiếc kính thông minh này, thay vì trông đợi nó, và sẵn sàng tất công những ai đang mang Google Glass, như thể họ đang hướng máy quay vào chính mình.

Theo Dân Trí




Bình luận

  • TTCN (0)