Khi công bố ra mắt Btalk hôm 16/4, ông Nguyễn Tử Hoàng, Phó chủ tịch phụ trách phần mềm của BKAV nêu các ưu điểm: chất lượng cuộc gọi miễn phí tốt, tích hợp gọi điện thông thường, gọi miễn phí qua Internet trên cùng một giao diện, thậm chí Btalk còn được quảng cáo là có chất lượng cuộc gọi tốt và ổn định hơn Viber.

Ông Hoàng cũng cho biết, một trong những mục tiêu của Btalk là "thay thế Viber tại thị trường Việt Nam và tiến ra toàn cầu".

Trên các trang công nghệ, một số thành viên cho biết khi trải nghiệm Btalk mới phát hiện “các nút bấm trong Btalk sử dụng luôn theo ngôn ngữ sử dụng trên máy Android, vì vậy để chuyển ngôn ngữ sang tiếng Việt, người dùng cần vào thay đổi ngôn ngữ toàn bộ máy mới chuyển được về tiếng Việt”.

Đặt câu hỏi vì sao OTT do công ty Việt Nam xây dựng lại không có tiếng Việt như nhận xét của một số người đã sử dụng Btalk, ông Nguyễn Tử Hoàng giải thích, ngay từ đầu xây dựng Btalk, đội ngũ kĩ sư của BKAV đã thiết kế song song hai file định dạng cả tiếng Anh và tiếng Việt nên khi máy sử dụng ngôn ngữ nào thì phần mềm sẽ tương ứng với ngôn ngữ đó.

Theo đó, khi máy điện thoại đang để tiếng Việt thì phần mềm hiển thị tiếng Việt, và nếu máy để chế độ tiếng Anh thì phần mềm sẽ hiển thị tiếng Anh, tức Btalk sẽ hiển thị theo chế độ ngôn ngữ của máy.

Ông Hoàng cũng khẳng định rằng, các tính năng trên Btalk là hoàn toàn do BKAV đưa ra, ví dụ có tính năng được đặt là phone, có tính năng đặt là messages, có cái là magicpad,… là do BKAV đặt ra và đưa vào phần mềm, chứ không có chuyện thiết kế theo những từ ngữ có sẵn trên ứng dụng phần mềm nào đó.

Một vấn đề khác, là khi người dùng đăng kí sử dụng dịch vụ nhưng tin nhắn báo về từ các nhà mạng lại không có mã code (như các OTT khác) để người dùng điền vào và kích hoạt sử dụng, mà lại chuyển vào giao diện gọi điện để quay số của Btalk (tại đây có đầy đủ các chức năng như nhắn tin gọi điện và danh bạ của máy).

Ông Hoàng giải thích, người dùng ở đây có chút nhầm lẫn vì tin nhắn sau khi nhà mạng gửi đến phần mềm đã tự động nhập, điền và kích hoạt luôn, vì thế tin nhắn sẽ không hiển thị nữa. Còn trong trường hợp vì do gì đấy không tự động bắt được (tự nhập) thì phần mềm sẽ hiện lên một bảng cho người dùng điền vào.

Thông thường tin nhắn qua các nhà mạng gửi đến chỉ khoảng 10s, tuy nhiên cũng có thể đến muộn, đến trễ đến 5 - 10 phút, hoặc thậm chí không đến. Lãnh đạo BKAV cho biết, ở Btalk có tính năng khi đăng kí khoảng 10 phút mà người dùng không nhận được tin nhắn về thì hệ thống sẽ tự động gửi cho một tin nhắn khác và một đầu số khác để đảm bảo cơ hội nhận được tin nhắn là nhiều nhất, vì Btalk dùng nhiều đầu số.

Theo Phó chủ tịch phụ trách phần mềm của BKAV, có thể vì mọi người đang quen dùng các OTT khác là phải gõ code, còn ở Btalk thì tự động, tin nhắn về là đã tự active, không cần người dùng phải mất thời gian thao tác và phần mềm đã lược bỏ đi một số công đoạn để người dùng sử dụng dịch vụ sớm hơn.

Trước thông tin BKAV đã gỡ Btalk xuống ngay sau khi ra mắt để chỉnh sửa, ông Hoàng cho biết, hiện Btalk vẫn đang chạy ổn định, người dùng vẫn đang sử dụng dịch vụ bình thường.

Song cũng theo ông này, hiện bộ phận kĩ thuật của BKAV phải thường xuyên cập nhật các phiên bản mới cho ứng dụng này, nên sẽ có độ trễ khoảng 2 - 3 giờ khi xuất hiện trên chợ ứng dụng Google Play. Vì thế người dùng có thể không nhìn thấy Btalk trên kho ứng dụng Google Play, và tình trạng này có thể sẽ kéo dài một hai ngày.

Theo VnEconomy




Bình luận

  • TTCN (0)