Với việc nền kinh tế phần mềm của Ấn Độ tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 10%, có nhiều dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang dần thoát ra khỏi tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm tràn lan vốn là đặc trưng của thị trường đang phát triển này. Câu hỏi đặt ra là liệu xu hướng này có mang lại những cơ hội tốt đẹp cho các nhà sản xuất phần mềm tại những nền kinh tế nóng khác – như Trung Quốc chẳng hạn.

Ấn Độ là “miếng bánh khó nhằn” với các công ty phần mềm

Ấn Độ từ lâu là thị trường khó khăn với các công ty phần mềm. Trong khi khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC) chiếm khoảng 10 - 20% doanh thu của các công ty phần mềm lớn như IBM, Oracle, Adobe và Salesforce.com, thì Ấn Độ chỉ chiếm một phần trăm rất nhỏ trong doanh thu của APAC, phần lớn doanh thu chỉ tập trung vào một số ít công ty.

Một phần vấn đề chính là vi phạm bản quyền. Các nước phương Tây, tỉ lệ vi phạm bản quyền là khoảng 20-30%, vì họ đã có truyền thống, thói quen tôn trọng sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, tại khu vực APAC, trong đó có Ấn Độ, mọi thứ không đơn giản như thế. Mối căng thẳng giữa Mỹ và Ấn Độ trong quan niệm về sở hữu trí tuệ đã ngày càng sâu sắc, đặt biệt trong vấn đề bản quyền phần mềm.

Tuy nhiên, mọi thứ đang thực sự trở nên tốt đẹp hơn. Ít nhất là trong một thập kỉ nay, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Ấn Độ đã bị giảm ổn định. Từ năm 2005 có tới 74% các phần mềm vi phạm bản quyền, đến năm 2008 tỉ lệ đó là 69% và đến năm 2011 là 63%, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Ấn Độ đã giảm khá ổn định. Câu hỏi đặt ra là liệu thói quen và nhận thức sẵn sàng trả tiền để sử dụng phần mềm của Ấn Độ có lan sang các quốc gia phương Đông khác.

Bùng nổ phần mềm ở Ấn Độ

Mặc dù có 63% phần mềm máy tính ở Ấn Độ vẫn đang là phần mềm lậu, Ấn Độ thực sự đã chi nhiều tiền hơn cho phần mềm bản quyền. Theo hãng nghiên cứu Gartner, doanh thu phần mềm Ấn Độ đã tăng lên 4,7 tỉ USD trong năm 2013, tăng 10% so với năm 2012. Đó là mức tăng mạnh, đặc biệt khi so với các nền kinh tế đang phát triển nhanh khác là Nga (tăng trưởng 8,9%), Brazil (7,8%), Trung Quốc (7%) và Nam Phi (6,3%).

Doanh thu đó không bị phân chia, nó chủ yếu tập trung vào những công ty phần mềm lớn, cung cấp các phần mềm phức tạp, độc quyền không dễ dàng bị các hãng phần mềm địa phương sao chép.

Những phần mềm phức tạp, khó bị sao chép sẽ buộc người dùng phải mua bản quyền. Tuy nhiên, theo giám đốc nghiên cứu Bhavish Sood của Gartner, những tiến bộ gần đây trong cơ sở hạ tầng CNTT tại Ấn Độ đã mở ra nhiều cơ hội doanh thu mới cho việc tiêu thụ các phần mềm và dịch vụ CNTT ở địa phương. Hiện nay, IBM và các công ty phần mềm khác đang đặt cược vào khả năng phát triển lớn tại Ấn Độ, và cả khu vực APAC.

Trung Quốc sẽ chịu trả tiền bản quyền phần mềm?

Sự chuyển biến của Ấn Độ đối với phần mềm trả tiền có thể sẽ tác động đến Trung Quốc. Tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Trung Quốc đang giảm dần. Tuy nhiên, sự thay đổi không thể diễn ra trong ngày một ngày hai.

Cũng như Ấn Độ, Trung Quốc có nhiều kĩ sư giỏi. Và Trung Quốc cũng có xu hướng sử dụng phần mềm nguồn mở, hiếm khi trả tiền. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chấp nhận trả tiền cho những phần mềm độc quyền, phức tạp mà các hãng trong nước chưa phát triển bằng.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc cho chịu trả tiền cho tất cả các phần mềm họ sử dụng. Câu trả lời được dự đoán là “có”. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài gặp nhiều khó khăn hơn tại Trung Quốc. Bởi vì nhờ có sự hỗ trợ của chính phủ và sự am hiểu sâu sắc về các yêu cầu kinh doanh ở địa phương, các công ty phần mềm Trung Quốc có thể nhanh chóng kiểm soát thị trường trong suốt những năm 1990 và 2000. Các hãng Trung Quốc cũng cung cấp hỗ trợ 24/7 qua các kênh hỗ trợ khách hàng lớn. Các công ty nước ngoài thua thiệt hơn công ty trong nước về những mảng này.

Tuy vậy, kiếm tiền tại Trung Quốc cũng có sự tương tự như tại Ấn Độ. Phần mềm phải hoặc là phức tạp, tinh vi hơn sản phẩm của địa phương, hoặc phải gắn vào phần cứng hay mạng lưới.

Theo các nhà bình luận, xu hướng sử dụng phần mềm bản quyền đang phát triển ở mọi nơi, và các công ty có thể tận dung cơ hội. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi họ phải có sự đầu tư tìm hiểu các thị trường địa phương và những sản phẩm phần mềm khó sao chép.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)