Bán tràn lan, kích hoạt dễ dàng

Hiện nay, SIM rác được bày bán công khai từ những nơi như xe đẩy thuốc lá, quán cà phê vỉa hè cho đến những cửa hàng, doanh nghiệp lớn hơn. Trước mặt tiền các cửa hàng bán SIM luôn trưng bày quảng cáo ghi bán SIM Mobi giá 25.000 đồng, tài khoản 50.000 đồng; SIM Vina giá 68.000 đồng, tài khoản 140.000 đồng, mỗi tháng còn được 50.000 đồng khuyến mãi... Nhiều nơi tỏ ra thực hiện nghiêm chỉnh các quy định không bán SIM rác, không treo quảng cáo, nhưng nếu khách hàng có nhu cầu thì lập tức được đáp ứng.

Ghé vào một cửa hàng điện thoại trên đường Nguyễn Phúc Nguyên (quận 3), chúng tôi hỏi mua SIM thì được nhân viên giới thiệu đủ các loại SIM rác, không cần điều kiện gì. “Anh cứ yên tâm, SIM này bọn em đã kích hoạt sẵn rồi, chỉ cần bỏ vào là dùng. Tùy từng nhà mạng mà mỗi tháng được tặng từ 25.000 đồng đến 200.000 đồng, miễn phí 35 MB truy cập internet, các gói cước khuyến mãi khác thì giống như SIM mình đã đăng kí CMND. SIM của Mobiphone được bán chạy nhất vì khuyến mãi cao gấp ba lần nhà mạng khác. Mấy hôm nay, cửa hàng em “cháy” SIM của mạng đó rồi”. Chúng tôi hỏi nguồn gốc của những chiếc SIM, nhân viên chỉ trả lời qua quýt là “có nguồn cung cấp riêng”.

Qua tìm hiểu, cách làm các loại SIM rác khá đơn giản. Mỗi nhà mạng cung cấp cho chủ cửa hàng điện thoại một chiếc SIM đa năng, để kích hoạt SIM mới. Nhiều người đã kích hoạt SIM trước, bằng cách chỉ cần một CMND rồi nhập một mã số bất kì của người thân hay bạn bè. Họ còn thu thập CMND bằng cách đặt hàng để mua bản sao của loại giấy tờ này tại các cửa hàng photocopy với giá chỉ vài trăm đồng/tờ...

Theo quy định, SIM đã kích hoạt sẽ có thời hạn sử dụng, vì vậy nhiều cửa hàng đã tự trang bị một bộ thiết bị, gắn thẻ SIM vào mà không cần bóc SIM khỏi vỏ, sau đó thực hiện cuộc gọi đi để gia tăng thời hạn của SIM. Anh Lê Văn Sơn (ngụ quận 10) cho biết: “Có lần tôi mua chiếc SIM số 01695xxxxx, giá 50.000 đồng, lắp vào máy để kiểm tra thông tin thuê bao, ngày kích hoạt thì có kết quả như sau: Họ tên: Hoang Huu Nam, ngày sinh: 21/9/1981, số CMT/Hộ chiếu: 183905603, nơi cấp: Ninh Bình, ngày cấp: 12/12/2012”.

Thật giả lẫn lộn

Trên thực tế, lợi ích những chiếc SIM rác này không phải như lời quảng cáo, nhiều khách hàng đã bị lừa. Bà Nguyễn Minh Tâm (ngụ quận Thủ Đức) bức xúc: “Có lần tôi mua SIM mà quên mang theo CMND nên không đăng kí được. Thấy chủ cửa hàng bán SIM kích hoạt sẵn mà lại rẻ, khuyến mãi cao nên tôi mua một chiếc. SIM bị trừ tiền rất nhanh và hàng tháng cũng không được cộng thêm tiền khuyến mãi”.

Anh Nguyễn Thanh Tâm, một nhân viên nhà hàng ở quận 10 cho biết: “Tuy không cần CMND tôi vẫn mua được một chiếc SIM với đầu số ưng ý. Dùng được vài ngày thì SIM bị nhà mạng khóa vì lí do không đúng thông tin kê khai. Chạy tới cửa hàng bán SIM thì người ta bảo chờ, sẽ đăng kí lại cho. Chờ mãi mà chẳng thấy họ đăng kí, còn mất công chạy tới chạy lui hoài, ngán quá nên tôi đành bỏ”.

Khách hàng mua SIM kích hoạt sẵn thường là học sinh, sinh viên, hoặc là công nhân. Với những tiện ích như đơn giản về thủ tục, giá rẻ, có khuyến mãi..., SIM rác trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các bạn trẻ. Bạn Lương Thúy Ngọc, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức chia sẻ: “Sinh viên như bọn mình được đăng kí mỗi người một SIM của các nhà mạng. Nhiều lúc thấy khuyến mãi và giá lại rẻ thì tội gì không mua, cần gì kích hoạt cho phiền phức”. Cũng giống như Ngọc, nhiều người e ngại việc phải đến tận trung tâm của các nhà mạng để đăng kí thông tin cá nhân. Nắm được tâm lí này, những người chuyên kinh doanh SIM rác bất chấp luật cấm để kiếm lời.

Trong khi cơ quan chức năng lỏng lẻo trong việc quản lí, xử phạt SIM rác thì các nhà mạng đang không ngừng tăng số thuê bao, vô tình tạo điều kiện cho SIM rác phát triển. Tình trạng này dẫn tới lãng phí “tài nguyên số” khiến thị trường mạng di động ngày càng khó kiểm soát, nhiều kẻ gian lợi dụng để làm việc xấu.

Theo Công An TP HCM




Bình luận

  • TTCN (0)