Nên cẩn trọng khi mua hàng hóa trên các trang mạng tại Việt Nam vì còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo

Ngày càng trắng trợn

Ngày 23/4, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM đã bắt Phùng Đình Tân, Nguyễn Tấn Chương và Nguyễn Thị Diệu Minh để điều tra về hành vi sử dụng mạng internet để chiếm đoạt tài sản. Nhóm này lập ra một website rao bán iPhone, iPad… quảng cáo là hàng chính hãng mới 100% nhưng “giảm giá” toàn bộ mặt hàng chỉ bằng 60% giá thị trường. Một nạn nhân của nhóm này là bà Thanh ở quận Gò Vấp, tin lời quảng cáo nên đã liên hệ đặt mua 2 iPhone 5 và một máy ảnh với tổng số tiền là 25,8 triệu đồng. Bà Thanh được hướng dẫn chuyển tiền vào một tài khoản và sau 48 giờ sẽ nhận được hàng. Tuy nhiên sau đó, bà Thanh chỉ nhận được 2 máy tính bảng đồ chơi cũ của Trung Quốc!

Hàng trăm người khác cũng sập bẫy lừa của các đối tượng trên khi chuyển tiền đặt mua máy ảnh, iPhone, iPad và các loại điện thoại đời mới khác và đều nhận được hàng nhái, cũ. Qua xác minh, cơ quan chức năng phát hiện nhiều dấu hiệu lừa đảo nên bắt giữ nhóm đối tượng trên và xác định chúng đã chiếm đoạt được hơn 700 triệu đồng.

Nhiều hành vi lừa đảo tương tự cũng đã xảy ra trong năm 2013, không chỉ trên địa bàn TP HCM mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác. Một số khách hàng bị lừa đảo được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cung cấp có thể kể đến trường hợp ông Nguyễn Hữu Hải ở Lạng Sơn. Ông Hải mua điện thoại qua trang web của Trung tâm Di dộng online. Điện thoại ông Hải đặt mua là hàng xách tay Hàn Quốc hiệu Samsung Galaxy N7000 qua công ty chuyển phát nhanh Tín Thành. Tuy nhiên, sau khi trả tiền và nhận hàng thì lại là đồ Trung Quốc! Khiếu nại nhiều lần, cuối cùng ông Hải cũng đành chấp nhận chịu thiệt. Còn anh Phạm Duy Tân ở TP Hải Dương mua điện thoại qua mạng với giá 3,6 triệu đồng của Công ty TNHH Đức Minh - Đức Minh Mobile. Đã thanh toán qua chuyển khoản nhưng lại nhận được điện thoại là hàng nhái xuất xứ từ Trung Quốc, có giá trị thấp hơn rất nhiều so với tiền mua. Anh Tân đã gọi điện thoại lại cho công ty nhưng không liên lạc được. “Công ty này có dấu hiệu lừa đảo” - VINASTAS nhận định.

Nhận diện cách lừa đảo

VINASTAS cho biết năm 2013 có rất nhiều vụ khiếu nại mua hàng qua mạng nhưng không có địa chỉ thực như đã quảng cáo nên không thể giải quyết được. Đối với các trường hợp này, VINASTAS chỉ có thể khuyến cáo người tiêu dùng khi giao dịch cần xem xét kĩ trang web của tổ chức - cá nhân kinh doanh có hợp pháp hay không. Theo VINASTAS, những biểu hiện của cách kinh doanh lừa đảo do các công ty kiểu này tiến hành là giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa thường không đầy đủ, không rõ ràng. Hàng hóa được cung cấp hầu hết không như quảng cáo, chất lượng kém, là hàng giả, hàng nhái có xuất xứ Trung Quốc. Khi bị khiếu nại, bằng mọi cách, công ty lẩn tránh, từ chối trả lời. Nếu buộc phải nhận lại hàng, công ty tìm mọi cách trì hoãn, làm khách hàng mệt mỏi, bỏ cuộc và phải chịu thiệt.

Anh Lê Bình - chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại trên đường Hùng Vương, quận 5, TP HCM - cho biết khi mua hàng qua mạng nên xem kĩ mặt hàng mình cần mua, không mua những sản phẩm giá quá rẻ so với thị trường, không chuyển khoản thanh toán trước hoặc đặt cọc và chỉ nên mua hàng trao tay, hạn chế tối đa việc chuyển gửi hàng.

“Hiện nay, việc mua hàng qua mạng internet, Facebook hoàn toàn dựa vào lòng tin của người mua đối với người bán và không có cơ chế bảo đảm giao dịch nào. Đây là phương thức kinh doanh không sử dụng cơ chế thu hộ - chi hộ hoặc vận hành theo một quy trình giao hàng chuyên nghiệp. Việc mua hàng không qua cơ chế bảo đảm của một bên thứ ba có uy tín sẽ luôn gặp những rủi ro” - ông Nguyễn Thế Đông, Trưởng bộ phận thương mại điện tử website bán hàng 123Mua của VNG, cảnh báo.

Theo nhận định của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), tình trạng lừa đảo khi mua bán qua mạng ngày càng gia tăng là trở ngại chính trong việc phát triển của thương mại điện tử hiện nay ở Việt Nam, trong khi phương thức mua bán này ngày càng trở nên phổ biến và rất hiệu quả ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2013 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), trong năm 2013, ước tính doanh số thương mại điện tử của Việt Nam đạt 2,2 tỉ USD và đến năm 2014, con số này được dự đoán khoảng 4 tỉ USD. Trong khi đó, hệ thống pháp lí để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa theo kịp với tình hình thực tế nên các hoạt động thương mại điện tử vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo Người Lao Động




Bình luận

  • TTCN (0)