Ảnh: AP.

Chỉ có 5% số đồ điện tử gia dụng bị khách hàng đem trả lại là thực sự bị lỗi, hỏng hoặc trục trặc. Ấy thế nhưng người tiêu dùng vẫn cứ ùn ùn hoàn lại sản phẩm vì nghĩ món đồ mình mua không đảm bảo chất lượng.

Bản báo cáo mới nhất từ hãng tư vấn Accenture cho thấy: chi phí cho việc trả lại đồ điện tử đã mua trong năm 2007, riêng tại Mỹ, đã lên tới 13,8 tỷ USD.

Tỷ lệ trả hàng dao động từ 11-20%, tùy từng chủng loại sản phẩm.

Accenture ước tính có tới 68% số hàng bị trả lại trên thực tế vẫn hoạt động tốt. Có điều chúng không đáp ứng được sự kỳ vọng của người mua mà thôi.

"Người mua hoặc nghĩ đó là hàng rởm, hoặc là họ đã quá kỳ vọng để rồi thất vọng với món đồ mình tậu", chuyên gia Terry Steger của Accenture cho biết.

Có tới 27% món hàng bị trả lại chỉ vì một lý do đơn giản: Người mua đổi ý. "Có thể về tới nhà, người dùng lại xót tiền và hối hận vì đã mua một món đồ mà họ không thật sự cần đến", ông Steger lý giải.

Kết quả là chỉ có 5% số hàng bị hoàn trả là thực sự bị lỗi, trục trặc hoặc hỏng hóc mà thôi.

Ông Steger tin rằng tỷ lệ "trả nhầm hàng tốt" sẽ giảm đáng kể nếu như nhà sản xuất và hãng bán lẻ đầu tư mạnh hơn cho hướng dẫn cài đặt và sử dụng thiết bị.

Bên cạnh đó, họ cũng cần làm tốt công tác "giáo dục nhận thức" cho người mua hơn.

"Tôi không nghĩ đây là hệ quả của một chính sách hoàn trả lỏng lẻo, hoặc là do người dùng cố tình lạm dụng quyền thượng đế của mình.

 Đôi khi, họ không phân biệt được đâu là lỗi thật sự và đâu là do sử dụng chưa đúng cách mà thôi".

Quy trình cài đặt phức tạp chính là một trong những "thủ phạm" khiến cho tỷ lệ trả hàng cao chót vót.

Trung bình, mỗi người dùng của Mỹ chỉ dành khoảng 20 phút để khởi động một thiết bị mới bóc hộp. Nếu thời gian này kéo dài, họ sẽ dễ dàng bỏ cuộc và trao trả lại nó cho người bán.

(Theo VietNamNet/PC World)




Bình luận

  • TTCN (0)