Theo Adrian Ludwig, người đứng đầu mảng an ninh cho Android tại Google cho hay người dùng Android dù có cài đặt phần mềm chống virus cũng như các ứng dụng bảo mật khác thực sự chẳng an toàn hơn những khách hàng không sử dụng bất kì một công cụ bảo vệ nào. Adrian Ludwig còn cho rằng nguy cơ từ những ứng dụng độc hại này đang được thổi phồng; và ông tin rằng người dùng Android chẳng cần thiết phải cài đặt bất kì ứng dụng bảo vệ của một bên thứ 3 nào khác.

Tuy nhiên, với quan điểm hoàn toàn trái ngược, Graham Cluley chuyên gia an ninh với hơn 14 năm công tác tại Sophos đã chỉ ra rằng Adrian Ludwig đã hoàn toàn sai trong chuyện này. Trong bài phân tích trên Blog cá nhân của mình, Graham Cluley đã đưa ra các lập luận như sau. Về việc Adrian Ludwig cho rằng người dùng Android có thể được an toàn bằng cách cập nhật các phiên bản HĐH mới nhất - Cluley đã chỉ ra cho thấy nói bao giờ cũng dễ hơn nhiều so với hành động cụ thể. Cách mà một thiết bị Android được cập nhật phiên bản HĐH mới mang nhiều yếu tố ngẫu nhiên hơn so với iPhone. Đôi khi, trong chưa đầy một năm, thị trường lại xuất hiện một mẫu smartphone Android mới. Cũng đôi khi, hãng lại tuyên bố sẽ không cung cấp bất kì bản cập nhật HĐH cho một sản phẩm nào đó.

Với các ứng dụng, Ludwig cho rằng ngay thời điểm người dùng tải một ứng dụng từ Goolge Play, họ đã có được những đánh giá tốt nhất về ứng dụng đó. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, cửa hàng trực tuyến này gần đây đã được phát hiện tồn tại khá nhiều ứng dụng giả mạo và độc hại trong đó có cả ứng dụng giả mạo BBM của BlackBerry và nhiều ứng dụng diệt virus mạo danh khác. So với Apple, quy trình kiểm tra ứng dụng trên cửa hàng trực tuyến của Google có phần lỏng lẻo hơn. Số liệu nghiên cứu quý I năm 2014 cho thấy có đến 275 báo cáo đe dọa an ninh người dùng Google trong khi Apple chỉ nhận được 1 báo cáo; và chỉ ảnh hưởng đến các thiết bị đã được jailbreak.

Trong năm 2013, F-Secure đã cho thấy đến 97% phần mềm độc hại di động được thiết kế để hoạt động trên nền tảng HĐH của Google. Và trong quý I năm 2014, con số này đã tăng lên đến 99%. Tuy vậy, cũng theo công ty bảo mật này, tỉ lệ ứng dụng mang malware trên kho ứng dụng của Google chỉ vào khoảng 0,1% theo thống kê của năm 2013. Như vậy, mặc dù nguy cơ an ninh từ ứng dụng độc hại khá cao, song nếu chỉ tải ứng dụng từ Google Play, người dùng phải thật kém may mắn lắm mới tải nhằm phần mềm độc hại. Thêm vào đó, các phần mềm độc hại trên Google Play cũng có "tuổi đời" rất ngắn vì Google cũng sẽ nhanh chóng loại bỏ chúng khỏi cuộc chơi.

Tuy nhiên, khi người dùng tải ứng dụng từ một nguồn khác lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Khả năng tải nhằm ứng dụng độc hại từ các nguồn ngoài này là rất cao - ngoại trừ AppStore của Amazon. Nơi sinh sống cũng là một yếu tố chi phối khả năng tải nhằm ứng dụng độc hại của người dùng. Theo báo cáo của F-Secure, trong quý I năm 2014, người dùng Android ở Anh Quốc là những đối tượng bị lây nhiễm malware nhiều nhất.

Như vậy, liệu người dùng có cần cài đặt phần mềm chống virus hay một công cụ bảo mật nào khác cho smartphone của mình? Câu trả lời ở đây vào thời điểm này thực sự còn tùy thuộc vào hành vi sử dụng của họ. Nếu thường xuyên tải các ứng dụng từ nhiều nguồn khác nhau, bạn đang đứng trước nhiều nguy cơ an ninh hơn so với đối tượng chỉ tải ứng dụng từ cửa hàng của Google. Và nếu như bạn chỉ chọn lựa những ứng dụng từ những nhà cung cấp tên tuổi và đáng tin cậy, nguy cơ gặp phải những ứng dụng giả mạo càng thấp.

Adrian Ludwig cho rằng “nếu nhu cầu công việc thực sự cần một công cụ bảo vệ an ninh thì bản thân anh cũng sẽ lưu ý đến điều này. Ngoài ra, những người dùng Android bình thường hầu hết đều không cần thiết phải cài đặt các phần mềm anti-virus”.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, người dùng cũng không nên quá tin tưởng vào sự bảo vệ từ Google. Nếu cảm thấy thực sự cần một công cụ bảo đảm an toàn cho thiết bị Android của mình, bạn có thể chọn những tên tuổi như Bitdefender, Avast, Lookout hay AVG.

Theo PC World VN. Nguồn Betanews.




Bình luận

  • TTCN (0)