Từ lâu, các chuyên gia đã cảnh báo, dùng điện thoại di động không ngừng sẽ gây mất tập trung, làm cho con người khó khăn hơn để duy trì sự chú ý cần thiết trong giao tiếp ngoài đời thật. Giờ đây, người ta còn chứng minh chỉ cần đặt điện thoại trên bàn hay cầm trên tay cũng đủ làm chi phối cuộc trò chuyện.

Một nghiên cứu vừa được công bố mới đây cho thấy, sự hiện diện đơn thuần của một chiếc điện thoại di động hoặc điện thoại thông minh có thể làm giảm chất lượng của cuộc trò chuyện, giảm sự đồng cảm khi đang trao đổi giữa những người bạn.

Dù không sử dụng điện thoại, nhưng sự hiện diện của nó cũng đủ làm chi phối cuộc trò chuyện.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Môi trường và Hành vi, xác nhận lại những phát hiện của một nghiên cứu trước đó trong phòng thí nghiệm hồi năm 2013. Khi đó, nghiên cứu cho thấy bạn không cần phải tích cực kiểm tra điện thoại mà vẫn bị phân chia sự chú ý trong giao tiếp.

"Điện thoại di động giữ ý nghĩa biểu tượng trong xã hội công nghệ tiên tiến. Khi có sự hiện diện của nó (điện thoại di động - PV), con người sẽ liên tục có nhu cầu tìm kiếm thông tin, kiểm tra các thông tin liên lạc, cũng như hướng suy nghĩ của mình tới người khác và thế giới", một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Shalini Misra của Đại học Virginia (Mỹ) viết.

"Mặc dù không hề sử dụng trong khi giao tiếp, nhưng sự hiện diện của điện thoại di động có khả năng chuyển hướng cuộc trao đổi từ mặt đối mặt sang cá nhân hóa. Do đó, nó làm mất đi chiều sâu của sự kết nối giữa con người với nhau. Lúc này, nhiều khả năng người giao tiếp sẽ bỏ lỡ những dấu hiệu tinh tế, nét mặt, và những thay đổi trong giọng nói của đối tác trong cuộc trò chuyện, và ít giao tiếp bằng mắt", báo cáo cho biết.

200 người tham gia nghiên cứu được chia thành các nhóm 2 người. Sau đó, mỗi cặp được phân công ngồi trong một quán cà phê và thảo luận về một chủ đề có ý nghĩa hoặc một vấn đề bình thường. Một trợ lí của thí nghiệm ngồi gần đó sẽ chú ý hành vi phi ngôn ngữ của họ, và ghi nhận trong các trường hợp: một trong hai người hay cả hai hay không có ai đặt bất kì loại thiết bị di động nào trên bàn, hoặc giữ nó trong tay, trong khoảng 10 phút khi họ nói chuyện.

Sau đó, người tham gia nghiên cứu sẽ phải trả lời một loạt các câu hỏi được thiết kế để đo cảm xúc của mối liên quan giữa con người và sự quan tâm, như "Bạn cảm thấy thực sự có thể tin tưởng đối tác trò chuyện của mình?",...

Kết quả, "Nếu một trong hai người tham gia đặt một thiết bị thông tin di động trên bàn, hoặc giữ nó trong tay của họ, trong quá trình của cuộc trò chuyện 10 phút, chất lượng của các cuộc hội thoại đã được đánh giá là ít hoàn hảo, so với cuộc nói chuyện diễn ra trong sự vắng mặt của các thiết bị di động", các nhà nghiên cứu báo cáo.

Được biết, nghiên cứu này đã được nhóm thực hiện kiểm soát đồng bộ các yếu tố như tuổi, giới tính, dân tộc, và tâm trạng.

Ảnh
Vì chiếc điện thoại, những người càng quen biết nhau thì càng bị chi phối khi trò chuyện ngoài đời.

Có một chút ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt đáng kể giữa những kết quả này cho dù hai người đã thảo luận về các vấn đề nghiêm trọng hay không nghiêm trọng. Ít đáng ngạc nhiên hơn khi mối quan hệ tiêu cực giữa các thiết bị di động và mối quan tâm đồng cảm là rõ rệt hơn đối với những người đã quen biết nhau.

Misra và các đồng nghiệp của cô đã không ghi lại mức độ thường xuyên chạm hoặc sử dụng các thiết bị di động của người được nghiên cứu. Song nhiêu đó cũng đủ cho thấy bạn không cần phải thực sự loay hoay với một chiếc điện thoại thì mới bị mất tập trung trong giao tiếp.

"Các thiết bị công nghệ có nối mạng đặc biệt ở chỗ chúng cho phép chúng ta ở trong trạng thái liên tục của sự hiện diện nhưng giống như vắng mặt". Các nhà nghiên cứu viết thêm rằng, điện thoại hiện diện như một yếu tố môi trường có thể chi phối và tác động tới hành vi của con người một cách vô thức.

Vì vậy, nếu bạn muốn có một cuộc sống thực tế, mặt đối mặt trong cuộc trò chuyện thì đây là một gợi ý: hãy tắt điện thoại đi và đặt nó trong túi, nhóm nghiên cứu gửi lời khuyên tới người dùng điện thoại di động.

Theo Khám Phá.




Bình luận

  • TTCN (0)