Nguyên nhân ở đây chính là bởi sự gia tăng chóng mặt của internet, thiết bị di động, mạng xã hội,…đang thu hút người dùng mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn, làm thay đổi bộ mặt marketing và quảng cáo hiện đại. Thậm chí, tờ Forbes còn bình luận rằng: Nếu chỉ tập trung xem TV mà không “ngó ngoáy” tay chân làm việc khác, bạn có độ tập trung trên mức trung bình, nhưng lại khiến bạn trở nên… lạc loài”.

Trong thập kỉ qua, những chẩn đoán về hội chứng tăng động, giảm chú ý (ADHD) đã tăng vọt,. Khoảng 11% trẻ em trong độ tuổi từ 4 - 17 mắc hội chứng này, tăng 16% kể từ năm 2007. Theo báo cáo từ Harvard Business School, khả năng tập trung của người Mỹ giờ còn thua cả… cá vàng. Theo đó, khả năng tập trung trung bình của người Mỹ trong năm 2013 là 8 giây, so với 12 giây năm 2000 và… 9 giây của chú cá vàng tung tăng trong bể nước.

Thế nên, giờ đây, khán giả ngày càng thiếu kiên nhẫn khi xem TV cũng là điều dễ hiểu.

Nghiên cứu của công ty tư vấn TNS đã chỉ ra rằng: 56% người Mỹ đang hoạt động kĩ thuật số, thông qua các thiết bị điện thoại, máy tính bảng hay máy tính xách tay trong khi họ đang ngồi trước TV, cao hơn cả mức trung bình của thế giới là 48%, nhưng vẫn còn thấp hơn Nhật Bản với 79% hay Việt Nam là 58% người xem TV thiếu tập trung. Trong khi đó, theo Nielsen, một tuần thanh niên Mỹ trong độ tuổi 18 - 24 có thời gian xem TV trung bình thấp hơn 80 phút so với một năm trước. Và nhìn chung, thời gian xem TV có xu hướng dốc xuống theo thời gian.

Tờ Forbes có đưa ra một bình luận vui: “Nếu bạn có thể ngồi xem toàn bộ chương trình TV mà không gửi email, tweet lên Twitter, “nghía” ảnh trên Instagram, hẹn hò qua Tinder hay lướt qua gian hàng của Amazon thì xin chúc mừng: Bạn có mức độ tập trung trên mức trung bình. Nhưng điều đó cũng khiến bạn trở nên… lạc loài”.

Cũng theo báo cáo của TNS, tỉ lệ người xem video trực tuyến đang tăng nhanh chóng. Trong đó, nổi bật là châu Á với phong cách xem truyền hình thông qua một thiết bị “phi TV”. Khoảng một phần ba người dùng ở Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore xem video trực tuyến mỗi ngày. Ở Hồng Kông, xem video trên máy tính hoặc thiết bị di động trong buổi tối còn phổ biến hơn xem TV.

Sự thay đổi này đã tác động mạnh lên thị trường quảng cáo. Theo báo cáo của BI Intelligence, trong giai đoạn 2013-2016, tăng trưởng doanh thu quảng cáo hàng năm qua định dạng video trực tuyến sẽ đạt mức tăng trưởng 19,5%, chỉ xếp sau di động và đánh bại hoàn toàn các ấn phẩm truyền thống như TV (giảm 2,8%), báo giấy (giảm 13,9%) và dẫn trước cả quảng cáo tìm kiếm (tăng 8,6%), quảng cáo hiển thị (2,9%). Đến năm 2016, thị trường quảng cáo video sẽ đạt giá trị khoảng 5 tỉ USD, so với 2,8 tỉ USD năm 2013 với 35 tỉ lượt xem tính đến tháng 12/2013.

Cố nhiên, truyền hình qua TV vẫn thống trị thời gian xem của người Mỹ, cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Họ vẫn dành tới 155 tiếng 32 phút một tháng để xem TV, trong khi dành 27 tiếng 44 phút cho máy tính, 7 tiếng 34 phút cho xem video trực tuyến, 34 tiếng 3 phút cho ứng dụng hay web trên smartphone và 1 tiếng 23 phút để xem video trên điện thoại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, TNS còn cho hay, khoảng 88% người dùng internet trên thế giới vẫn xem truyền hình qua TV, nhưng tỉ lệ xem trực tuyến cũng rất cao, 60%. Điều đó khiến cho các nhà kinh doanh thế giới ảo, đặc biệt là truyền thông xã hội, đưa ra ý tưởng rằng: họ có thể giúp cải thiện vấn đề này bằng các chương trình truyền hình trực tuyến hay một lời đăng giới thiệu các chương trình hấp dẫn chuẩn bị được công chiếu bằng những bài “post” hay “tweet” hấp dẫn.

Có thể thấy, truyền hình vẫn là thú tiêu khiển hàng đầu của người Mỹ cũng như toàn thế giới, songmáy tính và các thiết bị di động đang ngày càng tỏ ra lấn lướt trước các những chiếc TV thiếu tính di động và tính cá nhân. Những người trẻ tuổi vẫn xem nội dung truyền hình như cha mẹ họ, song thay vì ngồi trước TV, họ dành nhiều thời gian cho các thiết bị cá nhân. Rõ ràng, các phương tiện truyền thông mới đã và đang thách thức TV, gây tác động dài hạn cho ngành quảng cáo đang chi ra hàng tỉ USD mỗi năm cho định dạng xem truyền hình truyền thống.

Theo Sống Mới.




Bình luận

  • TTCN (0)